Site icon Nguyện Ước

Cây cối vị tha hơn là cạnh tranh – cuộc sống bí ẩn trong khu rừng xanh

Cây biết nói - Các tập tính mang tính cộng đồng và vị tha của rừng xanh

Cây cối vị tha hơn là cạnh tranh (ảnh minh họa: Visiontimes)

Rừng xanh là mạng lưới sống kỳ diệu và đầy bí ẩn, nơi mà cây cối biết chia sẻ, yêu thương, bảo vệ lẫn nhau, cùng nhau sinh tồn.

Theo Peter Wohlleben – tác giả cuốn sách bán chạy “Cuộc sống bí ẩn của cây cối: Chúng cảm nhận gì, chúng giao tiếp ra sao”, việc hiểu được cách cây cối giao tiếp với nhau có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Những cái cây trong câu chuyện của ông mang nhiều đặc điểm giống con người — chúng “biết nói” và thậm chí còn “biết đi.”

Đạo lý của rừng

Nằm ở dãy núi Eifel thuộc miền tây nước Đức, Wohlleben đã quản lý khu rừng bảo tồn thiên nhiên này từ năm 2006. Nó được bao quanh bởi những cánh rừng sồi và dẻ gai rộng lớn. Trong những khu rừng thiêng rộng lớn ấy, sự giao tiếp huyền bí diễn ra qua mùi hương, vị giác và các xung điện – tạo nên một bầu không khí đầy bí ẩn và mê hoặc.

Rừng Eifel, nơi mà tác giả Peter Wohlleben đã quan sát thấy cây cối và con người có những nét tương đồng với nhau (ảnh: Visiontimes)

Từ trải nghiệm quan sát cây cối, Wohlleben dần nhận thấy rằng giữa các loài cây cũng tồn tại những “màn kịch” thường nhật và những câu chuyện tình cảm đầy xúc động. Theo tinh thần truyền thống của người Đức, khái niệm cuộc sống ẩn giấu của cây cối có thể được gọi là “đạo lý của rừng” – nơi mà cây cối phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự cộng tác, gắn bó như một đại gia đình và kết nối mật thiết với mọi sinh vật cùng tồn tại trong hệ sinh thái.

Với mong muốn nâng cao các tiêu chuẩn sinh thái, Wohlleben cho rằng những cánh rừng đơn loài và việc sử dụng máy móc hạng nặng chính là tác nhân gây hại cho rừng. Ông tin rằng, nếu rừng được quản lý theo hướng bảo tồn tự nhiên, không bị xáo trộn, cây cối sẽ có cơ hội đáp ứng “nhu cầu xã hội” của mình, truyền lại kiến thức cho thế hệ kế tiếp và “già đi một cách đầy phẩm giá.”

Là một người quản lý rừng, Wohlleben đảm bảo rằng việc chặt cây được thực hiện thủ công và cây được kéo đi bằng ngựa, thay vì sử dụng máy móc hạng nặng. Cách làm này giúp bảo vệ hệ thống rễ ngầm và mạng lưới nấm dưới lòng đất — những yếu tố cho phép cây cối chia sẻ chất dinh dưỡng và các hợp chất hóa học.

Ông tin rằng con người ở khắp nơi trên thế giới hoàn toàn có thể quản lý rừng theo cách tương tự. Bởi sinh thái không phải là một hệ thống thụ động; đó là một thế giới luôn vận động, nơi các hệ sinh thái đóng vai trò chủ động trong việc duy trì sự phức tạp, khả năng phục hồi và sự sống còn của chính mình.

Tình bạn nơi rừng xanh

Hai cây dẻ gai to lớn đứng cạnh nhau giữa rừng sâu. Dù vào mùa đông, những tán cây chỉ còn lưa thưa, chúng vẫn cẩn thận không chen lấn không gian của nhau.

“Hai cái cây này như hai người bạn già, chúng rất biết nhường nhịn nhau trong việc chia sẻ ánh sáng mặt trời, và hệ rễ của chúng gắn kết rất chặt chẽ,” Wohlleben nói. “Trong những trường hợp như vậy, khi một cây chết đi, cây còn lại thường cũng chết không lâu sau đó, vì chúng sống phụ thuộc vào nhau.”

Học thuyết của Darwin đã hình thành nên quan niệm rằng cây cối, cũng như các loài khác, luôn cạnh tranh để giành lấy tài nguyên, và kẻ chiến thắng là kẻ sống sót. Vì vậy, ngành công nghiệp khai thác gỗ đã tạo ra những khu rừng mà trong đó, mỗi cây được trồng cách nhau một khoảng cách “tối ưu.” Tuy nhiên, mô hình nhân tạo này lại cách rất xa điều lý tưởng.

Wohlleben giải thích sự khác biệt giữa rừng trồng và rừng tự nhiên, đồng thời cho rằng cây cối có khả năng “lên kế hoạch trước” để tạo ra môi trường sống tốt nhất cho vòng đời của chúng.

Trong rừng tự nhiên, cây cối hình thành những “tình bạn”. Wohlleben quan sát thấy rằng cây bạch dương biết chăm sóc lẫn nhau: chúng quan tâm đến đồng loại, hỗ trợ những cây yếu và bệnh tật hồi phục lại. Ông nói rằng, thậm chí chúng còn không nỡ bỏ mặc những cây đã chết. Nghiên cứu khoa học của Suzanne Simard cũng cho thấy rằng cây cối sống vị tha nhiều hơn là cạnh tranh.

Trong rừng trồng, cây được trồng cách nhau đều đặn và trở thành những “kẻ cô độc” phải chịu đựng sự cách biệt với nhau.

Mạng lưới ngầm duy trì sự sống

Bằng cách đan xen rễ và chia sẻ mạng lưới nấm xung quanh chúng, các cây đứng gần nhau hoạt động như một hệ thần kinh mở rộng.

“Tất cả cây cối ở đây, và trong bất kỳ khu rừng nào chưa bị tổn hại nặng nề, đều được kết nối với nhau thông qua mạng lưới nấm ngầm dưới lòng đất,” Wohlleben nói. “Một số người gọi đó là ‘mạng lưới rừng’ (wood-wide web).”

Trong nghiên cứu của mình về mạng lưới nấm, Suzanne Simard – giáo sư ngành sinh thái rừng tại Đại học British Columbia đã phát hiện rằng ở trung tâm của mạng lưới nấm, tồn tại một “cây mẹ” – đóng vai trò điều phối toàn bộ hệ thống mạnh mẽ này, giúp chữa lành, nuôi dưỡng và duy trì sự sống cho phần còn lại của khu rừng.

Cây mẹ, hay còn gọi là cây trung tâm, được phát hiện là có khả năng cung cấp nước và truyền cảnh báo nguy hiểm cho các cây con.

“Khi kết nối với tất cả các cây ở nhiều độ tuổi khác nhau, các cây mẹ thực sự có  thể tạo điều kiện cho sự phát triển của các cây con ở tầng dưới”, bà nói.

Sự phát triển và phản ứng chậm rãi, có chủ ý

Cây cối tồn tại theo nhịp thời gian riêng của chúng. Ở Thụy Điển, có một cây vân sam đã 9.500 tuổi – một trong những cây cổ nhất trên Trái Đất.

Việc có quá nhiều thời gian trong tay cho phép nó thực hiện mọi hoạt động theo đúng tốc độ tự nhiên của chúng. Ví dụ, xung điện truyền qua rễ cây chỉ di chuyển với tốc độ khoảng 1/3 inch mỗi giây.

Wohlleben là người ủng hộ sự phát triển chậm, vì ông tin rằng cách này giúp tạo ra thớ gỗ dày và chắc hơn, giúp cây có khả năng chống chịu tốt hơn trước các mối đe dọa tự nhiên. Ngược lại, những cây phát triển nhanh trong các khu rừng trồng đơn loài lại rất dễ bị sâu bệnh và bão tàn phá.

“Việc chặt trắng một khu rừng cổ và thay thế nó bằng một loại cây trồng duy nhất là một sự tàn ác.” ông nói.

Wohlleben khẳng định rằng cây cối có thể cảm thấy “đau” khi bị động vật gặm lá. Giáo sư Simard cũng phát hiện rằng cây có thể cảnh báo lẫn nhau về nguy hiểm thông qua các tín hiệu hóa học được truyền qua mạng lưới nấm xung quanh đầu rễ.

Ví dụ, khi một con hươu cao cổ ăn lá cây keo, cây đó sẽ phát ra tín hiệu hóa học mà các cây khác có thể “ngửi thấy”, từ đó kích hoạt việc tiết ra chất độc khiến hươu cao cổ tránh xa.

Khi hươu cao cổ gặm lá, cây keo sẽ gửi tín hiệu đến đồng loại để kích hoạt quá trình giải phóng độc tố trên diện rộng nhằm xua đuổi hươu (ảnh: Visiontimes)

Wohlleben nói rằng một số loài cây “thỏa thuận trước” với nhau để sinh sản theo lịch trình không đều đặn, nhằm tránh việc các loài động vật ăn cỏ phụ thuộc vào chúng như một nguồn thức ăn ổn định.

Nếu nguồn thức ăn luôn dồi dào, số lượng động vật sẽ tăng vọt và có thể tàn phá cả khu rừng. Vì thế, cây cối đã “cắt giảm sản lượng” như một cách để tự bảo vệ mình.

Suy ngẫm lại về khoa học

Trong cuốn sách mới “Tìm cây mẹ: Khám phá trí tuệ của rừng“, Simard cho thấy rằng nghiên cứu khoa học không chỉ đơn thuần là về số liệu và các hội thảo, mà còn là một hành trình của sự chiêm nghiệm – hành trình ấy dựa nhiều vào bản chất tự nhiên của tâm trí con người, không kém gì so với những kiểm nghiệm chính xác.

Mặc dù người ta đã quan sát thấy các rung động siêu âm trong thân cây khi dòng nước từ rễ lên lá bị gián đoạn, theo Wohlleben, các nhà khoa học vẫn cho rằng những âm thanh này chỉ đơn thuần là hiện tượng cơ học và có lẽ không mang ý nghĩa gì.

“Khi tôi suy nghĩ về những phát hiện từ nghiên cứu… tôi cảm thấy rằng những rung động này có thể không chỉ đơn thuần là rung động — chúng có thể là những tiếng kêu vì khát nước.” Ông nói, cây có thể đang báo hiệu cho những người bạn xung quanh rằng mực nước đang xuống thấp.

Thiên nhiên có lẽ hoàn hảo hơn những gì con người chúng ta có thể tượng tưởng được, nó vẫn luôn là điều bí ẩn để chúng ta tìm tòi khám phá.

Theo Visiontimes