Từ các mẫu vật khảo cổ, các nhà khoa học hiện nay đã có thể khẳng định rằng, thẩm mỹ nha khoa, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được con người tiến hành ít nhất 14.000 năm về trước.
Công nghệ khoan răng và trám răng thời tiền sử
Vào năm 2018, tiến sĩ, nhà cổ sinh vật học Stefano Benazzi đến từ Đại học Bologna ở Ý, đã tìm thấy mẫu vật lâu đời nhất được biết đến về nha khoa, có niên đại từ cuối thời kỳ đồ đá cũ.
Nhóm nghiên cứu của ông đã đưa bộ xương khá nguyên vẹn của một người đàn ông chết trẻ có niên đại khoảng 14.000 năm, được tìm thấy ở miền bắc nước Ý vào năm 1988 ra kiểm tra.
Họ sử dụng kính hiển vi điện tử xem xét và thấy chiếc răng có một lỗ hổng kỳ lạ và phát hiện ra những vết xước nhỏ trên bề mặt. Những vết xước này, được cho là do dụng cụ sắc nhọn gây ra trong quá trình nha sĩ dùng chiếc răng làm đòn bẩy để nhổ chiếc răng khôn bên cạnh.
Ngoài ra lỗ hổng trên mặt răng chính là kết quả của việc người ta đã lấy đi phần răng bị sâu. Điều đó đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử điều trị nha khoa thời tiền sử.
Chất trám răng cổ xưa nhất
Tiến sĩ Benazzi cũng đã khám phá ra chất liệu quan trọng bằng bitum nằm bên trong một cặp răng cửa có niên đại 13.000 năm tuổi. Trên mỗi răng có một lỗ lớn trên bề mặt kéo dài xuống buồng tủy. Chiếc lỗ được khoan ra và nha sĩ dùng nhựa đường để bít lại. Nhựa đường và chất độn thực vật trong đó có tính sát trùng ngăn ngừa viêm nhiễm.
Các nhà nghiên cứu trong nhóm của ông cũng tìm thấy sợi thực vật và tóc trong bitum, có thể các nha sĩ cổ đại dùng nó làm thành phần của chất làm đầy. Theo Tiến sĩ, chất trám răng này có cùng mục đích như ngày nay: lấp đầy phần răng sâu đã bị khoét đi.
Về sau, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nguyên liệu trám răng tương tự trong một chiếc xương hàm 6.500 năm tuổi ở Slovenia. Trên răng cũng có một cái lỗ đủ sâu tác động tận đến lớp ngà của răng và được lấp đầy bằng một chất có thành phần sáp ong. Sáp ong có thể giảm đau và chất kết dính lấp đầy chiếc lỗ để thức ăn không lọt vào trong đó.
Nha sĩ cổ đại khoan răng bằng cách nào?
Nguyên liệu trám răng là thứ đòi hỏi người phát minh phải có kiến thức sâu rộng về khoa học. Nhưng chúng cũng chưa phải là một phát minh quá kỳ diệu. Điều khiến các nhà khoa học khó hiểu là các nha sĩ cổ đại đã dùng vật gì và làm cách nào để khoét được lỗ trên răng?
Giả thuyết và thực tế
Một số trang web ở Pakistan đã tiết lộ phương pháp nha khoa liên quan đến việc chữa răng sâu bằng mũi khoan như sau:
Một nhà khoa học nào đó đã tạo ra một chiếc mũi khoan bằng vật liệu tự nhiên (đá lửa) và dùng một chiếc cung bằng gỗ có dây được buộc vào một trục quay và trục quay (bằng gỗ) được sử dụng như thân mũi khoan. Người ta sẽ kéo cây cung để mũi khoan hoạt động. Giả thuyết này có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, việc áp dụng “mũi khoan” này trên hàm răng một người còn sống là không khả khi. Chúng ta có thể tưởng tượng ra cảnh nha sĩ cầm chiếc khoan trên tay nhưng không thể biết ông đưa vào khoang miệng của bệnh nhân bằng cách nào. Bởi người ta không thể phanh xương hàm bệnh nhân ra như trên hình ảnh. Còn người chết lâu đến mức phần xương hàm dưới đã rời khỏi hộp sọ (như hình ảnh) thì có lẽ nha sĩ không cần phải tốn sức chữa răng cho họ nữa.
Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết, từ xa xưa có thể con người đã sở hữu công nghệ khoan răng với mũi khoan hiện đại không kém ngày nay. Tuy nhiên, giả thuyết này chưa được chấp nhận vì nó đi ngược thuyết tiến hoá và sự lịch sử phát triển nhân loại.
Thực tế, răng người, nhất là răng trên cơ thể người còn sống không phải một vật dễ chịu tác động. Thành phần chính cấu tạo nên men răng là hydroxyapatite, một loại calci phosphat kết tinh. Chất này khiến men răng trở thành bộ phận cứng nhất trên cơ thể người.
Men răng được xếp vào hạng 5 trên thang đo độ cứng Mohs khoảng 200Mpa (áp suất 2.040kg/cm²); tức là răng người có thể chịu được áp lực trung bình là 200 pound (>90kg) khi cắn xuống. Như vậy, ngay cả khi nha sĩ là người vô cùng khéo léo thì cũng rất khó để ông ấy khoan thủ công một chiếc lỗ trên răng mà không khiến bệnh nhân khiếp sợ.
Ngoài độ cứng, bề mặt răng cũng trơn nhẵn, mũi khoan đá và tốc độ ma sát thủ công có thể khoan lỗ trên răng trong khoang miệng hẹp gần như là phương pháp quá khó để thực hiện.
Lý do những chiếc răng bị sâu và phương pháp chữa trị
Lời giải thích đầu tiên và lâu đời nhất về nguyên nhân gây sâu răng là do một loại sâu cực kỳ nhỏ bé. Điều này được mô tả trong các tác phẩm điêu khắc trên ngà voi, lần đầu tiên được người Sumer ghi lại vào khoảng năm 5.000 trước Công nguyên (TCN).
Giả thuyết cho rằng sâu răng là kết quả của việc con sâu răng chui vào và ăn mòn răng có vẻ hợp lý, vì các lỗ sâu răng có phần giống với lỗ do con sâu đục vào gỗ.
Lý do những chiếc răng bị sâu đã được tìm thấy trong các tác phẩm nổi tiếng của các triết gia Hy Lạp cổ đại, hay trong các nền văn minh Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập và Trung Quốc cổ đại. Vào cuối những năm 1.300, bác sĩ phẫu thuật người Pháp Guy de Chauliac cũng ủng hộ giả thuyết này.
Nha khoa Ai Cập cổ đại
Các ghi chép lịch sử cổ đại Ai Cập có ghi lại nguyên nhân sâu răng, sau đó là các thủ tục vệ sinh răng miệng và cả công nghệ nha khoa. Chẳng hạn trên sách được viết trên giấy cói Edwin Smith, viết vào thế kỷ XVII – TCN; trong các bản viết tay có từ đầu năm 3.000 TCN.
Đặc biệt, trong cuốn sách viết trên giấy cói Ebers, có niên đại từ thế kỷ XVI- TCN, chứa 11 công thức liên quan đến vấn đề răng miệng; 4 trong số này là các biện pháp khắc phục răng lung lay.
Các nhà khoa học từng thực hiện chụp CT trên đầu xác ướp Ai Cập 2.100 năm tuổi, họ đã tìm thấy lỗ sâu răng được lấp đầy bằng vải lanh. Trước khi nhét vào răng, miếng vải được nhúng vào một loại thuốc sát trùng từ nước quả sung hoặc dầu tuyết tùng.
Một số hiếc răng sâu khác thì được xử lý bằng cách trám bằng hỗn hợp tương tự như composite hiện đại gồm: chất độn (lúa mạch nghiền) được trộn với chất nền lỏng (mật ong) và chất sát trùng (vàng đất son).
Trong sách cổ Ai Cập, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy cụm từ Hesi-Re, là một danh từ chỉ nha sĩ. Ông là một quan chức, thầy thuốc sống trong Vương triều thứ 3, dưới thời Pharaoh Djoser, khoảng năm 1.600 TCN. Ông mang các danh hiệu như “Trưởng nha sĩ và bác sĩ”, “nha sĩ” và “Trưởng ban thư ký của nhà vua”. Hesi-Re cũng được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới nhận ra bệnh về răng nướu và chữa trị nó.
Đã có ba trường hợp làm cầu răng được ghi nhận trong sách cổ của Pharaoh: một hoặc nhiều răng bị mất được gắn lại bằng dây vàng hoặc bạc vào các răng xung quanh. Tuy nhiên, người ta không ghi lại nha sĩ lấy răng người ở đâu để thay thế.
Kỹ thuật khoan răng, nạm đá quý của người Maya
Người Maya được cho là bậc thầy về nha khoa thẩm mỹ vì họ đã biết trang trí răng bằng cách đính đá quý hoặc khắc các rãnh trên răng. Những lỗ nhỏ được đục trên thân răng và trang trí với đá (đôi khi là ngọc bích), được gắn bằng chất kết dính làm từ nhựa tự nhiên, chẳng hạn như nhựa cây, được trộn với các hóa chất khác và xương nghiền nát.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, nha sĩ cổ đại nhất định là có kiến thức tinh vi về giải phẫu răng vì họ biết cách khoan vào răng mà không chạm đến phần tủy răng bên trong.
Vào năm 2016, các nhà khảo cổ đã khai quật được bộ xương 1.600 năm tuổi của một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở khu tàn tích Teotihuacan nổi tiếng của Mexico. Cô ấy có một hộp sọ dài, một chiếc răng giả làm bằng đá xanh gọi là serpentine và những chiếc răng cửa trên cùng của cô ấy được khảm bằng đá pyrite tròn.
Nha khoa thời trung cổ
Gần với thời điểm chúng ta ngày nay, vào thời Trung cổ và trong suốt thế kỷ XIX, bản thân nha khoa không phải là một nghề và các thủ thuật nha khoa thường được thực hiện bởi thợ cắt tóc hoặc bác sĩ đa khoa. Những người thợ cắt tóc cũng có thể đảm nhận công việc nhổ răng và biết cách pha chế ra thuốc khử trùng đặc hiệu.
Vào những năm 1.400, những chiếc răng giả được làm từ xương động vật hoặc ngà voi chạm khắc, một số khác lại là răng thật của người. Giả thuyết cho rằng, những kẻ trộm mộ thường lấy trộm răng của những người mới chết để bán cho các nha sĩ; còn những người nghèo thì kiếm tiền bằng cách nhổ răng của họ và bán chúng.
Hàm giả hoàn chỉnh sẽ không được thẩm mỹ cho lắm nhưng có vẻ rất ổn định trong miệng.
Phải đến năm 1723, bác sĩ phẫu thuật người Pháp Pierre Fauchard xuất bản cuốn “The surgeon Dentist” (tạm dịch: Bác sĩ phẫu thuật nha khoa). Ông được biết đến như là cha đẻ của Nha khoa hiện đại vì đó là cuốn sách đầu tiên mô tả một hệ thống toàn diện để chăm sóc và điều trị răng.
Cuốn sách của ông hệ thống hoá các phương pháp điều trị nha khoa vốn được truyền thừa từ các nha sĩ cổ đại. Và có lẽ cũng giống như các phương pháp trị liệu y khoa khác, những điều tinh hoa nhất có thể đã thất truyền, chỉ còn biểu hiện ra qua một số hiện vật và các văn bản không đầy đủ.
Quyết định làm đẹp bằng cách khoan lỗ với phương pháp thủ công trên răng là một sự đánh đổi vô cùng mạo hiểm và bất khả thi. Những chiếc răng có thể sẽ gãy chân hoặc vỡ nếu công cụ và lực tác động không phù hợp. Người cổ đại tiến hành bằng công cụ gì, cách tác động lực như thế nào để có thể điêu khắc các hình thù khác nhau trong thân răng thì quả thực còn là một bí ẩn.
Nhìn lại lịch sử phát triển nha khoa, có lẽ không thể phủ nhận rằng nha khoa hiện đại cũng là sao chép, áp dụng từ các phương pháp của người cổ đại đã được bắt đầu từ chục nghìn năm về trước.
Theo: Ancient