Bạn có từng cảm thấy thắc mắc về những giấc mơ của mình? Theo tâm lý học, giấc mơ còn tiết lộ những bí ẩn của thế giới nội tâm con người.
Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung với học thuyết Tâm lý học phân tích
Carl Gustav Jung sinh ra ở Thụy Sĩ, là nhà tâm lý học nổi tiếng và là bậc thầy về những giấc mơ. Năm 1900, ông bắt đầu quan tâm đến cuốn sách “Giải thích giấc mơ” được viết bởi nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud. Do đó, Jung đã tham gia nhóm học thuật nghiên cứu của Freud và bắt đầu thực hiện nghiên cứu dài hạn về “giấc mơ”.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hợp tác, Jung cảm thấy lý thuyết hàn lâm của Freud có những hạn chế rất lớn, thậm chí không thể giải thích các hiện tượng tâm lý đặc trưng của văn hóa thần bí và thần học. Vì vậy, vào năm 1913, ông quyết định tách khỏi nghiên cứu tâm lý học của trường phái phân tâm học Freud.
Sau nhiều năm tích lũy nghiên cứu, Jung dần dần mở ra trường phái tâm lý học của riêng mình, gọi là: Tâm lý học phân tích (analytical psychology), hay còn gọi là: Tâm lý học Jung.
Jung tuyên bố rằng mình đã từng giải thích 80.000 giấc mơ. Lý thuyết về văn hóa giấc mơ của ông có bằng chứng nghiên cứu chắc chắn và đáng tin cậy. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng giấc mơ không phải là sự ngụy tạo và lừa dối tâm trí con người, mà là một siêu kiệt tác được viết bằng một ngôn ngữ đặc biệt.
Một trường hợp giải thích giấc mơ của Jung
Jung đã ghi lại một trường hợp như vậy trong cuốn sách “Con người hiện đại đi tìm tâm hồn”: Khi Jung ở Zurich, ông gặp một đồng nghiệp. Người ấy lớn hơn ông một chút, và hai người thường xuyên gặp nhau, và mỗi khi họ gặp nhau, người đó sẽ chào đón Jung bằng cách nhờ ông giải thích giấc mơ như một niềm vui.
Một hôm, khi Jung gặp ông ấy trên phố, ông ấy hét lên từ xa, “Cậu dạo này sao rồi? Vẫn còn giải thích giấc mơ à? Nhân tiện, tôi có một giấc mơ ngu ngốc khác. Điều này có ý nghĩa gì không?”
Vậy giấc mơ của ông ấy như thế nào? Ông ấy tiếp tục:“Tôi đang leo lên một ngọn núi cao. Các sườn dốc và phủ đầy tuyết. Tôi đang từng bước hướng tới đỉnh—thời tiết trong xanh và tuyệt vời. Càng lên cao, tôi càng cảm thấy trong lòng thoải mái. Tôi thầm nghĩ: ‘Giá mà mình cứ leo mãi như thế này thì hay biết mấy!’ Khi leo lên đến đỉnh núi, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc, quả thực là muốn ‘một bước lên trời’. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng tôi thực sự có thể lên trời. Tôi tiếp tục bay cao trong không trung. Sau đó, tôi thức dậy trong niềm hạnh phúc tột cùng.”
Sau khi nói xong về giấc mơ này, Jung nhanh chóng giải thích nó và nói: “Thưa anh, tôi biết anh không thể từ bỏ việc leo núi, nhưng xin anh đừng leo núi một mình trong tương lai. Lần sau khi anh đi leo núi thì phải đi cùng 2 hướng dẫn viên và anh phải thề với danh dự của mình rằng anh sẽ đi theo sự dẫn dắt của họ”. Jung cảm nhận được có điều nguy hiểm từ giấc mơ này.
Tuy nhiên, đồng nghiệp của Jung không đồng ý, ông ấy nói với một tiếng cười lớn: “Cậu thật hết thuốc chữa rồi”. Hai người nói lời tạm biệt.
Hai tháng sau, dự cảm của Jung lần đó đã trở thành sự thật. Người đồng nghiệp này đã gặp phải trận tuyết lở khi đang leo núi một mình và suýt bị chôn sống, nhưng một người lính tuần tra tình cờ đi ngang qua và cứu được ông ta ra khỏi đống tuyết.
Ba tháng sau, ông ấy leo núi với một người bạn trẻ hơn, lần này không có người hướng dẫn. Một người leo núi đứng ở vị trí thấp vào thời điểm đó đã chứng kiến sự việc, người đồng nghiệp của Jung đã trượt chân khi trèo xuống mỏm đá. Bạn của ông ấy đang đợi ông ấy bên dưới, khi đó, ông ấy đã ngã ngay lên người bạn của mình, sau đó cả hai cùng nhau rơi xuống vách đá và đều thiệt mạng.
Jung cảm nhận sâu sắc trước trường hợp giải mộng này. Ông viết rằng: “Cho dù tôi có nhận bao nhiêu hoài nghi và chỉ trích, chưa bao giờ tôi nghĩ về giấc mơ là điều ngẫu nhiên, có cũng được mà không có cũng được. Mặc dù giấc mơ thường có vẻ chẳng có ý nghĩa gì, nhưng điều này rõ ràng là do chúng ta thiếu sự nhạy cảm và trí tuệ nên không thể đọc được những thông điệp bí ẩn được ẩn giấu trong thế giới nội tâm của con người.”
Theo Vision Times