Hoysaleswara là một ngôi đền cực kỳ nổi tiếng ở Ấn Độ. Dù không có cơ hội đến tận nơi để thăm viếng, nhưng thực sự bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thời gian khi dành ra vài phút tìm hiểu về nó qua bài viết này.
Ngôi đền được xây dựng từ thời Hoysala
Đền Hoysaleswara nằm ở thị trấn Halebidu, bang Karnataka, miền tây nam Ấn Độ. Các nhà sử học cho rằng ngôi đền được xây dựng bởi vua Vishnuvardhana từ thế kỷ XII thuộc triều đại Hoysala (1000-1346, trùng với thời tiền Phục Hưng ở châu Âu) mục đích để thờ phụng và tôn vinh các vị thần được nhắc đến trong kinh Vệ-đà của người Hindu giáo.
Nghệ nhân cổ đại dùng đá phiến clo (đá phiến xanh hoặc đá xà phòng) để tạc nên ngôi đền. Loại đá này được ưu tiên sử dụng bởi khi mới khai thác, chúng mềm và khó nứt vỡ, dễ chạm khắc thành các hình dạng phức tạp. Sau một thời gian tiếp xúc với không khí, chúng sẽ tự động cứng lại.
Ngôi đền đẹp đến choáng ngợp khiến cho người chiêm ngưỡng phải băn khoăn, những người thợ đá cổ đại làm cách nào để tạc nên ngôi đền này?
Quả thực, Hoysaleswara trông như thể được tạo ra bằng công nghệ in 3D. Toàn bộ ngôi đền là một khối kiến trúc tỉ mỉ, mềm mại, nhất quán, sắc nét và mực thước đến từng chi tiết. Giới chuyên môn luôn giành cho ngôi đền thiêng liêng này những lời khen có cánh, chẳng hạn: “thành tựu cao nhất của kiến trúc Hoysala” hay “đỉnh cao, tối cao của kiến trúc Ấn Độ”
Mọi thứ đều hoàn hảo đến khó tin
Vào năm 1850, Richard Oakley, một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp ảnh về ngôi đền này. Ông cảm thán:“Tôi đã được nghe kể ngôi đền tuyệt vời như thế nào, nhưng lại tìm kiếm được rất ít thông tin về nó. Bởi vậy, tôi đã cố gắng đến tận nơi viếng thăm. Đó là một cuộc hành trình vô cùng khó khăn, kéo dài khoảng 20 ngày để đến được.
Tôi cũng đã ghé thăm những ngôi đền khác ở miền Nam Ấn Độ và tôi không ngần ngại khẳng định, Hoysaleswara vượt xa bất kỳ công trình kiến trúc tuyệt đẹp nào. Thậm chí, nó nổi bật nhất trong số những công trình lộng lẫy nhất.“
Bước vào trong ngôi đền, có thể chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi các cột trụ đá. Nó mang họa tiết rất phức tạp, đồng đều và được đánh bóng cẩn thận. Bàn tay của con người dù khéo léo đến đâu cũng không cách nào tạc ra chúng với những công cụ thô sơ như búa và đục. Thậm chí nếu chúng được tạo ra bởi máy móc thì đó cũng phải là loại máy tiện sở hữu công nghệ tiên tiến và chính xác tuyệt đối. Bởi tiện các khối đá cao đến 4m đòi hỏi phải là một cỗ máy khổng lồ.
Nhà nghiên cứu Shadakshari Settar từng nhận xét về những bức tượng được tạc trên ngôi đền này:“Không có hai con sư tử nào giống nhau trong toàn bộ những con sử tử trải dài suốt 200 mét”. Các nghệ nhân cổ đại đã tái hiện một cách sinh động 2 sử thi Ấn Độ Ramayana và Mahabharata trên thành ngôi đền. “Đó là một cẩm nang về biểu tượng Ấn Độ giáo”, Settar nói.
Theo nhà phê bình nghệ thuật thế kỷ XIX James Fergusson, đây là một cuộc “triển lãm kỳ diệu và nó vượt trội hơn bất cứ thứ gì trong nghệ thuật Gothic” (Nghệ thuật kiến trúc của người Pháp vào thế kỷ XII).
Mặc dù James Fergusson chưa bao giờ đến thăm ngôi đền này, nhưng hầu như ông đã xem xét tất cả các ghi chép liên quan đến Hoysaleswara. Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung hoàn toàn vào ngôi đền, và xuất bản một vài bài phân tích của mình. Ông viết:
“Kiến trúc đền thờ Panthenon ở Athens tinh mỹ tuyệt vời, nhưng các cây cột ở Panthenon đều giống hệt nhau. Trong khi không có mặt nào của ngôi đền Ấn Độ là giống nhau. Không có hai vòm nào trong toàn bộ tòa nhà giống nhau.
Mọi chi tiết được khắc họa một cách vui vẻ, máy móc không thể thổi hồn vào tác phẩm điêu khắc như vậy được. Nó thể hiện sự trong sáng, thuần khiết nhất trong đức tin của con người; cả sự ấm áp của tình người đều được thể hiện trong những bức tường này”.
Các kiến trúc bằng đá hoa cương hiện đại của thế kỷ XXI nếu đem so sánh về quy mô và độ tinh xảo với ngôi đền này thì thua xa. Người thiết kế nên ngôi đền và những người thi công nó có thể nói đã đạt đến trình độ bậc thầy.
Từ những gì được thấy, các nhà nghiên cứu không ngại khẳng định rằng, ngôi đền Hoysaleswara đã được chế tạo bởi công nghệ hiện đại, thậm chí còn vượt trội hơn hiện nay. Có lẽ lịch sử phát triển của nhân loại nên được nhìn nhận và nghiên cứu lại một cách thật nghiêm túc.
Tổng hợp