Nhiều người không tin vào luân hồi, nhưng từ xưa đến nay vẫn luôn có những người lưu giữ được những ký ức tiền kiếp của mình; họ có thể nói rõ ràng chi tiết về cuộc sống ở đời trước; điều này thật khiến cho giới khoa học đau đầu, không sao có thể lý giải được!
- Luân hồi chuyển kiếp: Bằng chứng khoa học xác minh là chân thật
- Luân hồi có thật hay không? 3 nghiên cứu chân thực khiến bạn phải tin
- Luân hồi chuyển kiếp: Bằng chứng khoa học xác minh là chân thật
Tô Đông Pha nhớ lại ký ức tiền kiếp
Tô Đông Pha là nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống. Ông từng tới Hàng Châu nhậm chức, nơi ở của ông nằm trên ngọn núi Phượng Sơn; nhìn xuống dưới có thể bao quát được cảnh sông Tiền Đường và cảnh Tây Hồ rất đẹp; ba mặt là núi non xa xa lấp ló những mái chùa rêu phủ. Cảnh đẹp Hàng Châu thời nào cũng là nguồn cảm hứng cho thi nhân ngâm vịnh.
Tô Đông Pha thích quá và ông có cảm tưởng như đây là quê hương kiếp trước của mình. Một ngày nọ ông dạo chơi đến một ngôi chùa, mới tới cổng ông đã có một cảm giác quen thuộc không thể tả được. Ông quay sang nói với người đi cùng rằng có chín mươi bậc cấp đưa lên chùa; rồi ông còn tả những cảnh trong chùa nữa; nào cây nào đá chỗ này chỗ nọ… về sau quả nhiên là đúng y như vậy.
Ông Trương Phương Bình, bạn thân của Tô Đông Pha cũng trải qua một chuyện tương tự. Có lần vào thăm một ngôi chùa, ông bảo kiếp trước ông tu ở đây; chép kinh tới đoạn đó thì bỏ dở. Họ vào chùa mở kinh đó ra thì thấy nét chữ y hệt của ông; ông bèn cầm bút chép tiếp.
Nhiều người ở Việt Nam cũng có ký ức tiền kiếp
Nếu cho rằng đây là những chuyện lưu truyền trong nhân gian đã qua thời gian quá lâu dài nên chẳng còn có thể chứng thực được nữa thì những câu chuyện tương tự như vậy hiện nay vẫn xảy ra trên nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Ấn, Anh… nhưng nói ra thì lại e quý bạn cho rằng cũng là những chuyện ở phương trời nào xa xôi quá; vậy tôi xin kể chuyện tại thời nay và ngay tại Việt Nam mình mà tôi đọc được trên các báo và có xem qua một số clip phỏng vấn của những bạn đã cất công lặn lội đến tận nơi đó để tìm hiểu.
Trường hợp đầu tiên tôi muốn kể đến là Hà Thị Mai Anh, sinh năm 1995, ở thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Cô là con gái duy nhất của ông Hà Văn Bái và bà Hà Thị Tý. Vợ chồng ông Bái lấy nhau năm 1990 nhưng hiếm muộn, 5 năm sau mới sinh được Mai Anh.
Bé Mai Anh nhận ra người mẹ ở kiếp trước
Từ lúc mới sinh cho tới khi Mai Anh 4 tuổi mọi biểu hiện đều bình thường như những đứa trẻ khác. Cho đến một ngày được ba mẹ dẫn đi dự đám cưới một người quen tại bản Nhót ở xã Nà Mèo kế bên; vợ chồng ông Bái thấy con gái của mình lại lẽo đẽo đi theo một người phụ nữ khác tầm tuổi vợ ông; vừa đi theo vừa khóc và gọi ‘mẹ’. Cô bé cứ bám chặt lấy người phụ nữ lạ mặt kia và liên tục gọi ‘mẹ’.
Thấy quá lạ, mọi người trong đám cưới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”. Vợ chồng ông Bái chết điếng khi con gái nhận là con của ông bà Lường Văn Tuấn và Hà Thị Ân lạ hoắc nào đó. Bé còn nói: “Cháu có anh trai tên Lường Văn Tú; còn cháu tên là Lường Văn Hải nhà ở bản Nhót; trước nhà có cây muồng to; nhà được làm bằng đất 2 tầng (nhà sàn)”. Đến lúc này mọi người trong đám cưới mới ồ lên kinh ngạc.
Cậu bé nhận ra ngôi nhà ở kiếp trước
Ông Hà Văn Tuốt và bà Hà Thị Tuỗn ở Hòa Bình cũng gặp chuyện tương tự. Họ có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược. Năm Dược lên 3 tuổi, lúc đang chơi với các bạn ngoài sân thì thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi qua, Dược nói với mọi người: “Đấy là bác của em đấy”.
Khi nghe đám bạn của con nói lại việc này thì bà Tuỗn chỉ nghĩ là trẻ con nói nhảm; vì vậy cũng không để ý đến. Chuyện lạ xảy ra khi đi học mẫu giáo; mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm thì cậu bé đều nhắc đi nhắc lại: “Nhà của con đây này”.
Dù đã đầu thai nhưng ký ức tiền kiếp vẫn rất rõ ràng
Nghe con nói linh tinh ông bà giận quá đánh con. Sau đó cậu bé lăn ra bệnh và ngày ngày đều đòi đưa về “nhà bố Xiêm”. Ông bà đành phải chiều con đưa đến nhà người lạ. Kỳ lạ hơn nữa là khi được ở lại nhà ông Xiêm thì mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết mọi người trong gia đình ông Xiêm mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5 tháng tuổi và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.
Vợ chồng ông Xiêm sửng sốt. Vậy là ông làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi. Dược nay đã trưởng thành và vẫn nhận mình là người “đầu thai”. Em nói em cũng chẳng biết vì sao nữa; nhưng khi gặp bố mẹ em ở kiếp trước thì em nhận ra một cảm giác gần gũi, thân thiết; sau đó em dần dần nhớ ra trước đây họ từng là bố mẹ mình…
Người mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu của tôi đã chết. Vợ chồng tôi sinh cháu đầu năm 1982 được 5 tháng thì cháu bị bệnh vàng da; dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang nhưng cháu không qua khỏi”.
Cậu bé một mực đòi về nhà ở kiếp trước
Một cậu bé khác tên là Bùi Lạc Bình, sinh ngày 06/10/2002, là con ông Hoan và bà Dự; người dân tộc Mường sống trong bản Cọi, Lạc Sơn, Hòa Bình.
Lúc nhỏ cậu cũng như bao đứa trẻ khác; nhưng đến khi bốn năm tuổi cậu thường hay đòi về nhà mình, nói đây – tức nhà cha mẹ ruột nơi cậu đang ở – không phải là nhà cậu. Cậu nói mình là người Kinh chứ không phải người Mường; tên là Tiến chứ không phải tên Bình; còn ba tên Tân, mẹ tên Thuận, làm nghề liên quan đến đánh máy chữ dưới thị trấn. Bà Dự nghe con trai chính mình rứt ruột đẻ ra lại nói những lời như vậy thì hoang mang lắm.
Một lần bà Dự chở Bình đi chợ dưới thị trấn, cậu nhìn con đường rất quen thuộc và nằng nặc kéo mẹ đi theo mình. Người mẹ lúc đầu bực lắm nhưng thấy con một hai khóc đòi như vậy cũng đành miễn cưỡng đi theo. Bình nói chính xác địa chỉ của nhà ba mẹ Tân-Thuận và dẫn mẹ tới.
Tới nơi Bình kể vanh vách về ông bà Tân – Thuận khiến hai bên gia đình phải bất ngờ. Từ chuyện thói quen, chuyện ăn ngủ, chuyện học hành… đều được Bình nhớ tường tận, kể chi tiết rõ ràng.
Tiếp nối kiếp sống còn dang dở
Hai vợ chồng Tân – Thuận cũng kể lại câu chuyện của gia đình mình. Chuyện là năm 1993 bà sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến. Tiến lớn lên khỏe mạnh bình thường; nhưng lúc 5 tuổi, trong một lần ra sông chơi thì chẳng may bị chết đuối.
Một lần sau cuộc gặp gỡ đó, hai vợ chồng ông Tân xuống bản Cọi xin phép ông bà Dự đón Bình về nhà chơi. Vừa vào đến cửa, Bình lập tức chạy tót vào trong phòng; mở đúng chiếc tủ cất đồ chơi của Tiến (đã mất) lấy đồ chơi ra chơi.
Sau đó Bình đòi về nhà mình ở (tức nhà của cha mẹ kiếp trước); hai gia đình cũng chấp nhận Bình thành con chung của hai nhà. Từ đó Bùi Lạc Bình đổi lại tên và sống tiếp cuộc đời của kiếp trước của mình là Nguyễn Phú Quyết Tiến.
Ký ức tiền kiếp là lời nhắc nhở của Thần Phật?
Những trường hợp đầu thai mà vẫn nhớ kiếp trước có không ít ở Hòa Bình và được mọi người biết tới nhiều năm qua; tới nỗi người ta có câu “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”. Những câu chuyện kỳ lạ này khoa học chưa thể giải thích được; chỉ có những ai tin vào thuyết luân hồi thì mới thấy chuyện này là bình thường.
Điều tôi thấy kỳ lạ là thông thường trước khi qua cầu Nại Hà thì ai cũng phải uống bát canh Mạnh Bà để quên đi hết thảy. Lý do là không cho người ta nhớ được kiếp trước để khi đầu thai rồi khỏi chạy lung tung đi tìm cha mẹ họ hàng người thân; làm rối loạn quy luật chốn nhân gian. Vậy tại sao những trường hợp kể trên vẫn nhớ được rõ ràng?
Tôi nhớ Đức Phật từng giảng: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Theo tôi hiểu thì câu này có ý rằng bất kể là ai nếu xuất ra một niệm muốn tu và thực hành chân tu thì có thể theo con đường ấy mà giải thoát khỏi vòng luân hồi; trở thành Thần, thành Phật. Còn như không tu luyện gì thì cứ thế mà luân hồi chuyển kiếp.
Vậy phải chăng Thần Phật cố tình để sót một số trường hợp có thể nhớ được ký ức tiền kiếp như vậy là để nhắc nhở con người thế gian rằng luân hồi chuyển kiếp là có thật; khi còn sống thì phải lo tu thân tích đức; Thần linh sẽ xét đức và nghiệp, công và tội của kiếp này mà an bài số mệnh cho kiếp sau?