Mất ngủ ngày càng gia tăng ở nhịp sống hiện đại nên việc thường xuyên dùng thuốc ngủ cũng ngày càng phổ biến và kéo theo đó là hệ luỵ làm tăng nguy cơ mất trí nhớ.
Theo tài liệu nghiên cứu của Học viện Mỹ về thuốc ngủ cho biết Dữ liệu gần đây cho thấy gần 1/3 người dân Mỹ bị mất ngủ, và khoảng 30% trong số đó có thể tự dùng thuốc để có được ngủ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy cái giá trả cho một giấc ngủ ngon có thể rất đắt.
Thuốc ngủ có làm tăng nguy cơ mất trí nhớ đến 80%
Một nghiên cứu của IOS Press với khoảng 3.000 người dân. Họ bao gồm người da trắng và da đen lớn tuổi không mất trí nhớ. Thời gian theo dõi trung bình là 9 năm. Kết quả phát hiện ra rằng những người da trắng thường xuyên sử dụng thuốc ngủ có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 79% so với những người hiếm khi sử dụng thuốc ngủ.
Trong quá trình nghiên cứu, 20% những người tham gia bị mất trí nhớ, đồng thời nhóm người da trắng dùng thuốc ngủ thường xuyên cao gấp 3 lần so với nhóm người da đen.
Nhóm người da trắng cũng có nhiều khả năng sử dụng nhiều nhóm thuốc ngủ như: benzodiazepine, trazodone và nhóm “thuốc Z” bao gồm: zopiclone, eszopiclone, zaleplon và zolpidem (Ambien).
Percy Griffin, tiến sĩ về sinh học phân tử tế bào, giám đốc phụ trách khoa học của Hiệp hội Alzheimer, nói với ET tiếng Anh, “Chúng tôi đã biết từ lâu rằng một số loại thuốc ngủ như benzodiazepine có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ”.
“Các loại thuốc benzodiazepine đã được phát hiện là có hoạt tính kháng cholinergic, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ”. TS Percy Griffin cho biết.
Thuốc kháng cholinergic có hại cho cả giấc ngủ và chức năng não.
Tiến sĩ Alex Dimitriu, người sáng lập Menlo Park Psychiatry & Sleep Medicine, có chứng nhận về tâm thần học lẫn thuốc giúp ngủ, cho biết:
“Những người mắc bệnh Alzheimer thiếu việc truyền tín hiệu acetylcholine và thêm việc các thụ thể này bị ngăn chặn đã gây ra tình trạng mê sảng và cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ”.
“Đối với những người khác, việc sử dụng thuốc ngủ trong thời gian ngắn là được, nhưng lý tưởng nhất là nên tránh. Thuốc kháng cholinergic có thể thay đổi cấu trúc giấc ngủ và làm giảm giấc ngủ REM.”
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ được kê đơn thuốc Z liều cao hơn cũng có nhiều khả năng phải nhập viện, hoặc đến bác sĩ gia đình. Đồng thời, có khi họ cần được kê đơn thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và thậm chí cả thuốc kháng sinh.
Trong số nhóm người da đen, ít người hơn phải sử dụng nhiều thuốc ngủ, nhóm sử dụng thuốc thường xuyên có khả năng mắc chứng mất trí tương tự như nhóm không sử dụng hoặc hiếm khi sử dụng thuốc.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, Yue Leng, tiến sĩ dịch tễ học, giảng viên tại Đại học California, San Francisco, Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi và Viện Khoa học Thần kinh Weill, cho biết những khác biệt này có thể là do tình trạng kinh tế xã hội.
TS Yue Leng cho biết, “Nhóm người da đen sử dụng thuốc ngủ có thể là nhóm có tri thức và mức thu nhập cao. Do đó, khả năng nhận thức cao hơn, khiến họ ít bị sa sút trí tuệ hơn. Cũng có thể một số loại thuốc ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn nhóm khác.”
Các nghiên cứu trước đây của Sage Journals đã chỉ ra rằng người da đen ít có khả năng sử dụng thuốc ngủ theo toa và không theo toa hơn so với người da trắng. Điều này có thể đã phát huy tác dụng bảo vệ đối với nhóm người này.
Một giấc ngủ ngon–nhưng phải trả giá đắt như thế nào?
Các loại thuốc ngủ như Ambien chắc chắn có thể giúp ngủ ngon. Câu hỏi đặt ra là: với giá nào? TS Dimitriu cho biết, “Là một bác sĩ về giấc ngủ và tâm thần, tôi đã điều trị khá nhiều người có chứng mất ngủ và thường xuyên đặt câu hỏi này.”
Nhưng đồng thời, chỉ thiếu ngủ thôi cũng có thể gây ra các vấn đề về nhận thức. Một nghiên cứu năm 2018 của PubMed đã xem xét hơn 50.000 người tham gia để phát hiện nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng gần gấp đôi ở cả người lớn và bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán mắc chứng mất ngủ nguyên phát.
Mất ngủ cũng là một triệu chứng phổ biến ở những người mắc chứng mất trí nhớ.
Tiến sĩ Bibhuti Mishra, trưởng khoa thần kinh tại Long Island Jewish Forest Hills, Y tế Northwell ở New York, cho biết, bất kỳ nghiên cứu nào cũng cố gắng kết nối chứng mất ngủ với chứng mất trí nhớ đều có một lỗ hổng chết người ngay từ đầu: quyết định liệu những người tự báo cáo mất ngủ có thực sự mắc chứng mất trí nhớ sớm đã không được chẩn đoán hay không.
Ông nói thêm:
“Các nghiên cứu tìm cách điều tra tác dụng của thuốc kháng cholinergic đối với nhận thức cũng mắc phải sai sót không thể tránh khỏi, đồng thời cũng là một hạn chế quan trọng trong nghiên cứu của TS Leng: Nó không bao gồm yếu tố rủi ro quan trọng đối với chứng mất trí nhớ tại thời điểm tuyển người tham gia: gen APOE4”.
Tuy nhiên, cũng đã có nghiên cứu, chẳng hạn như một nghiên cứu lớn năm 2020, kết luận rằng những loại thuốc ngủ này thậm chí có thể có tác dụng bảo vệ, thông qua việc cải thiện giấc ngủ.
Về thuốc ngủ có tác dụng kháng cholinergic, TS Dimitriu gợi ý rằng “sử dụng trong thời gian ngắn thì được, nhưng lý tưởng nhất là nên tránh”. TS Mishra khuyên:
“Câu hỏi có nên sử dụng thuốc để hỗ trợ giấc ngủ hay không và nên sử dụng loại nào, tốt nhất là nên hỏi bác sĩ của bạn”.
Melatonin và các cách hỗ trợ giấc ngủ ‘thần kỳ’ khác
Bên cạnh các thuốc benzodiazepine và thuốc Z, melatonin cũng được các bác sĩ sử dụng để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ. Nó là một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ phổ biến, không kê đơn, cho đến nay không liên quan đến sự suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, nó cũng không cho thấy bất kỳ lợi ích nào đối với những người có vấn đề về nhận thức.
Một bài báo đánh giá lớn vào năm 2015 đã phát hiện ra rằng mặc dù melatonin đã hỗ trợ chứng mất ngủ ở những người mất trí nhớ, nhưng việc cải thiện giấc ngủ không dẫn đến cải thiện nhận thức. Tuy nhiên, cũng không có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc bằng chứng nào về việc nhận thức xấu đi khi sử dụng melatonin.
TS Dimitriu cho biết:
“Theo kinh nghiệm của tôi và theo các nghiên cứu thử nghiệm, melatonin hoạt động tốt nhất với liều lượng dưới liều 3 mg thông thường được tìm thấy ở hầu hết các hiệu thuốc. Liều từ 0,3 mg đến 1 hoặc 2 mg thường có hiệu quả, đặc biệt đối với một số người cao tuổi bị khó ngủ, người làm việc theo ca và những người bị say máy bay.”
Có nhiều cách không dùng thuốc giúp cải thiện giấc ngủ, do nhiều trường hợp mất ngủ là do các yếu tố bao gồm căng thẳng và thói quen ngủ kém.
TS Dimitriu cho biết:
“Tôi nói với tất cả các bệnh nhân của mình rằng hãy ‘tắt các thiết bị công nghệ lúc 10 giờ’, đọc sách và cố gắng đi ngủ trước nửa đêm. Ba cách này hoạt động tốt một cách kỳ diệu.”
Ông cũng khuyên bạn nên tuân thủ thời gian ngủ và thức đều đặn, vì “cơ thể và nhịp điệu của giấc ngủ”.
“Giảm căng thẳng và điều trị chứng lo âu nếu có cũng có thể cải thiện rõ rệt chất lượng giấc ngủ. Tập thể dục và thiền định cũng khá hữu ích.”
Thiền định có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Bạn có thể tham gia lớp thiền định miễn phí online tại đây.
Nguồn Epoch Times tiếng Anh