Sau một chuyến du ngoạn trở về, Liệu Lộc Tiều đột nhiên mắc trọng bệnh; tất cả thầy thuốc đều bó tay. Một vị tăng nhân bỗng xuất hiện, chỉ nhìn một cái đã thấu tỏ căn nguyên của bệnh.
Liệu Lộc Tiều đột nhiên mắc trọng bệnh, tất cả thầy thuốc đều bó tay
Ngày 29 tháng 7 âm lịch năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 19 (1930), La Kiệt đã mời người bạn cũ là Liệu Lộc Tiều (1868 – 1937) cùng đi thăm quan núi Thanh Lương. Sau khi trở về, Liệu Lộc Tiều liền mắc trọng bệnh.
Liệu gia đã mời rất nhiều thầy thuốc, nhưng tất cả đều bó tay, ai cũng không chẩn đoán ra nguyên nhân của bệnh.
Lúc này, có một vị tăng nhân ở núi Thiên Mục, phía tây tỉnh Chiết Giang đi hóa duyên ngang qua; ông bước tới trước cửa nhà họ Liệu, nói với người gác cổng:
“Ta thấy trên mái nhà ngươi có bạch khí bao quanh, chủ nhân nhà ngươi bình thường hay niệm Phật phải không?”
Người kia bèn đáp: “Đúng vậy”.
Điều nhà sư nói tiếp theo còn ngạc nhiên hơn: “Gia chủ ngươi năm nay đã 62 tuổi…”
Ngay cả Liệu gia có mấy người con cũng đều nói chính xác. “Liệu lão gia bị bệnh sau khi đi thăm núi Thanh Lương”.
Liệu Lộc Tiều ở trên giường bệnh nghe được chuyện này thì rất sửng sốt, liền nói người nhà mời vị tăng nhân vào nói chuyện.
Nguyên nhân thực sự của bệnh
Vị tăng nhân nói: “Ngày ông nhiễm bệnh chính là ngày đản sinh của Địa Tạng Vương Bồ Tát, các tội nhân nơi địa ngục nhờ vào đạo lực và hồng nguyện của ngài mà ngày này được ra ngoài dạo chơi”.
Vị tăng nhân này quả thực có chút đạo hạnh, chỉ nhìn một cái liền thấu tỏ nguyên nhân mắc bệnh của Liệu Lộc Tiều.
Theo lời vị tăng nhân, kiếp trước Liệu Lộc Tiều là một vị quan tri phủ họ Vương; là quan phụ mẫu một phương, nhưng có một lần vì xử án không rõ, đã ngộ sát một phạm nhân. Tên phạm nhân này vốn dĩ là một tên ác nhân, nhưng tội chưa đáng chết. Vậy nên sau khi chết, phạm nhân này bị xuống địa ngục vẫn luôn toan tính một ngày nào đó sẽ trả thù, nhưng vì tội nhân nơi địa ngục, căn bản không thể thoát ra được.
Vào ngày đản sinh của Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhờ lòng từ bi cùng nguyện lực hồng đại, mà các tội hồn được tạm thời rời khỏi địa ngục, ra ngoài dạo chơi. Vừa đúng lúc đó, tên ác nhân kiếp trước vô tình gặp lại Liệu Lộc Tiều và La Kiệt đang đi du ngoạn tại Thanh Lương. Hắn tìm được cơ hội liền trả thù Liệu Lộc Tiều.
Tăng nhân nói: “Bệnh tình của ông sẽ ngày càng nặng, nhưng sẽ không chết. Vì tôi và ông có chút duyên phận nên sau khi trở lại chùa, tôi sẽ cầu an giải nạn cho ông”.
Qua một thời gian, bệnh tình Liệu Lộc Tiều quả thực trở nặng. Tuy nhiên, ngay trong lúc tưởng như sắp chết thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến, thân thể dần hồi phục, sau thì khỏe hẳn; chỉ là đôi chân đi lại khập khiễng, không còn được như trước.
Kể từ khi lão bằng hữu lâm trọng bệnh, La Kiệt vẫn luôn tự trách, vì bản thân đã rủ Liệu Lộc Tiều đi Thanh Lương, mới khiến ông ấy mắc bệnh.
Tháng 6 năm 1931, La Kiệt đến Nam Kinh thăm Liệu Lộc Tiều, Liệu Lộc Tiều liền kể lại câu chuyện về vị tăng nhân kia. Sau khi biết được chân tướng căn bệnh, La Kiệt cảm thấy hết sức kinh ngạc, bệnh mà tất cả thầy thuốc đều bó tay, mà một vị tăng nhân chỉ liếc nhìn là biết nguyên nhân là do ân oán từ đời trước, thật quá thần kỳ!
Liệu Lộc Tiều vốn là một người tài đức và tín Phật
Thuở trẻ Liệu Lộc Tiều trúng tuyển vào trường đại học sư phạm Hoằng Văn tại Nhật Bản, sau khi du học về nước ông tận lực bồi dưỡng nhân tài; cùng Đàm Diên Khải – biên tu của Hàn Lâm Viện và Chu Chấn Lân,… lập ra trường Đại học sư phạm năng khiếu Thành Nam và trường nữ giáo Chu Nam.
Liệu Lộc Tiều là người liêm khiết, thường giảng tín nghĩa; ông từng làm quan ở Giang Tô, An Huy, Cát Lâm và một vài nơi khác; là một vị quan rất có tiếng nói chính trị. Ông là người tín Phật, vì thường ngày chăm chỉ niệm Phật, nên trong lúc mắc trọng bệnh bởi nghiệp báo tiền kiếp mới được vị tăng nhân trợ giúp, chuyển nguy thành an.
Theo như lời La Kiệt, sau này chứng đi khập khiễng của Liệu Lộc Tiều cũng được chữa khỏi nhờ một phương pháp của Mật thừa, có thể đi lại như bình thường. Những giai thoại này của Trung Hoa Dân Quốc được chính La Kiệt ghi chép lại trong “Luân Hồi tập” và truyền lại cho hậu nhân.
Theo Soundofhope