Site icon Nguyện Ước

Thần đồng hội họa có thể vẽ cảnh trên Thiên đường

Thần đồng hội họa có thể vẽ cảnh trên Thiên đường

Thần đồng hội họa Akiane Kramarik có thể vẽ cảnh trên Thiên đường (ảnh TH)

Thần đồng hội họa Akiane Kramarik được cho là người có thể vẽ Đức Chúa Giê-su giống nhất cho đến nay, xung quanh cô cũng có rất nhiều điều huyền bí.

Năm 2019, sự việc bức tranh sơn dầu của một đứa trẻ 8 tuổi được mua với giá 850.000 Đô la Mỹ đã gây chấn động thế giới. Bức họa có tên gọi “Prince of Peace” (tạm dịch: hoàng tử hòa bình), một tác phẩm năm 2003 của Akiane Kramarik – thần đồng hội họa nổi tiếng ở Hoa Kỳ.

Vậy cô bé đã có những trải nghiệm thần kỳ nào? Tại sao lại được gọi là thần đồng? Mời bạn đọc theo dõi bài viết ở dưới đây:

Lời dự ngôn thần bí

Akiane sinh năm 1994 tại tiểu bang Illinois, Mỹ. Một ngày khi cô bé chưa đầy tháng, mẹ cô nhận được một cuộc gọi lạ. Cuộc gọi đến từ châu Âu, nói rằng có một người phụ nữ tên là Victoria ở Armenia đang thông báo khắp nơi cô bé tên Akiane là đứa trẻ được Thần lựa chọn, tương lai sẽ rất có triển vọng. Nghe thấy vậy cha mẹ cô bé chỉ cảm thấy đây có lẽ là một người lừa đảo?

Thật bất ngờ, không lâu sau đó, người phụ nữ tên Victoria đã gọi cho họ; bà dùng giọng Nga rất nặng mô tả một cách sống động những điều thú vị mà Akiane sẽ trải qua; những điều khiến người ta xúc động. Mẹ cô bé lịch sự bày tỏ lòng biết ơn của mình với người phụ nữ không quen biết, rồi cũng dần quên lãng. Tại sao? Bởi vì lúc đó cha mẹ cô bé không tin vào Chúa; vì vậy nghe xong chỉ như gió thổi ngang tai.

Từ nhỏ, Akiane đã được mẹ dạy dỗ ở nhà với các anh trai; cô bé không được đến trường. Gia đình hiếm khi giao thiệp với hàng xóm, không xem TV; cũng chưa bao giờ nhắc đến Thần. 

Bức chân dung tự họa (Self-portrait) của Akiane (ảnh Akiane.com)

Cô giáo dạy vẽ trong giấc mơ

Tuy nhiên, từ năm 4 tuổi, một giáo viên đã dạy Akiane vẽ trong giấc mơ. Cô bé nói cô giáo của mình sống ở “dinh thự ánh sáng”. Nơi đó rất thuần khiết và hoa lệ, với những sắc màu không có trên thế giới. Học xong phải thực hành nên cô bé bắt đầu vẽ nguệch ngoạc khắp nơi. Các bức tường, cửa sổ, đồ đạc, trang sách, bất cứ nơi nào cô có thể tiếp cận, đều được vẽ hàng trăm bức chân dung và hình tượng các nhân vật. Đôi khi, cô sử dụng than trong lò sưởi để vẽ. Đôi khi cô lại sử dụng trái cây và rau hái từ vườn rau làm cọ vẽ; vì vậy không có gì ngạc nhiên khi cô bị bố mẹ mắng.

Cảm thấy ủy khuất và tủi thân, cô bé bắt đầu mô tả cho mẹ những gì cô đã thấy và nghe trong giấc mơ của mình. Nhưng một người lớn lên tại Liên Xô và được giáo dục bởi chủ nghĩa vô thần luận như mẹ cô cơ bản không tin. May mắn thay, đúng lúc này, bà ngoại đã đến.

Mặc dù bà ngoại chỉ sống với họ trong một tháng nhưng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cô bé. Bởi vì bà là người duy nhất trong gia đình có thể hiểu được những cảnh tượng trong mơ của cô bé nên từ đó khuyến khích cô sáng tạo. 

Bức “Đức tin” (Faithfulness) được Akiane vẽ năm 16 tuổi (ảnh Akiane.com)

Bà ngoại đã khích lệ Akiane rất nhiều

Bà nhẹ nhàng nói với cô bé: “Cả đời bà luôn tin vào Thần, nhưng ở Lithuania, bà ngại chia sẻ đức tin của mình với gia đình và bạn bè. Akiane, con đừng lặp lại sai lầm của bà nhé. Hãy chia sẻ với những người khác. Cuộc đời của con và những người khác sẽ vì thế mà được ban phước. Đừng bao giờ từ bỏ niềm đam mê hội họa của mình”.

Bà ngoại cũng kể câu chuyện về mẹ mình tên Victoria. Trong Thế chiến thứ hai, bà Victoria mất chồng và cánh tay phải. Bà lại phải một mình nuôi 5 người con, đây là điều vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh như vậy, bà vẫn không sợ nguy hiểm và đồng ý cho một người họ hàng người Do Thái ở trong nhà; kỳ tích đã xảy ra trong hai năm cho đến khi chiến tranh kết thúc. Câu chuyện này giúp cô bé càng kiên định vào niềm tin của mình. Cô đã hứa với Chúa sẽ cố gắng vẽ và giúp đỡ người khác.

Cha mẹ dần ủng hộ cô bé vẽ tranh

Bức tranh “Dancing Against Time” của Akiane (ảnh Akiane.com)

Sau đó, cô bé đã vẽ bức tranh “Dancing Against Time” (tạm dịch: vũ điệu ngược thời gian) để tưởng nhớ những việc làm tốt của bà cố. Cô bé chia sẻ: “Đối với tất cả những người trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, bức tranh là sự tri ân của tôi đối với họ. Bức tranh được mô tả như sau: Trên giá cắm nến, ngọn lửa của ngọn nến được biến thành chín vũ công; những người hy sinh mạng sống của mình cho người khác để soi sáng những khoảnh khắc đen tối nhất của chúng ta và để tưởng nhớ những điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống.”

Sau khi bà ngoại rời đi, cha mẹ trở nên khoan dung và thấu hiểu hơn đối với cô bé. Họ bắt đầu mua các dụng cụ vẽ tranh để giúp cô sáng tạo.

Bước ngoặt quan trọng

Một điều khó tin đã xảy ra với Akiane khi cô mới 5 tuổi, và nó trở thành bước ngoặt trong cuộc đời cô.

Một ngày nọ, Akiane đột nhiên biến mất, mẹ cô không thể tìm thấy cô ở đâu. Akiane thường ngoan ngoãn vẽ ở nhà, tại sao giờ lại không thấy? Người mẹ bắt đầu lo lắng, chẳng lẽ con bé bị bắt cóc? Vì vậy, bà vội vàng gọi cảnh sát.

Ngoài lực lượng cảnh sát, đội cứu hỏa cũng tham gia tìm kiếm; thậm chí chó cảnh sát cũng được điều động. Bằng cách này, họ đã tìm kiếm tất cả những nơi mà Akiane có thể đến. Sau mười mấy tiếng đồng hồ trôi qua, họ vẫn không tìm thấy.

Đúng lúc mẹ cô và gia đình sắp suy sụp vì lo lắng, cô bé bất ngờ xuất hiện trước mặt họ một cách bình an vô sự.

Vậy Akiane đi đâu mà lâu như vậy?

Akiane nói với mẹ rằng cô không bị kẻ xấu bắt cóc, cũng không bị mất tích, cô chỉ ngủ thiếp đi và có một giấc mơ. Trong giấc mơ, cô được Thần đưa đến một nơi như thiên đường; nơi mọi thứ hoàn toàn khác với cuộc sống hiện thực. Thần đã đưa cô đi khắp nơi và cô bé cảm thấy rất hạnh phúc.

Bức tranh “Cha tha thứ cho họ” (Father forgive them) được Akiane vẽ năm 9 tuổi (ảnh Akiane.com)

Đương nhiên, không ai tin những gì cô bé nói. Nhưng cảnh sát cũng không tìm thấy dấu chân của cô bé ở bất cứ đâu.

Có thật cô bé đã “ngủ” nơi mọi người đều có thể nhìn thấy nhưng không ai phát hiện ra cô bé? Đây có phải là phương pháp tàng hình?

Sự việc kỳ lạ này cứ thế trôi qua. Nhưng kể từ đó, cô bé dành tâm huyết lớn cho hội họa. Mỗi ngày cô bé thức dậy vẽ lúc 4 giờ sáng, đôi khi có thể vẽ liên tục bốn tới năm giờ. Cảm hứng cho những bức tranh thường đến từ những khung cảnh mà cô nhìn thấy trong mơ. Vì vậy, cô bé được gọi là “đứa trẻ vẽ nên những giấc mơ”.

Akiane muốn vẽ người thầy của mình

Vậy Akiane muốn vẽ ai nhất? Tất nhiên là người thầy (Chúa) đã dạy cô vẽ. Điều kỳ lạ là mỗi khi cô muốn vẽ thầy, giọng nói và nụ cười của ông lại biến mất khỏi tâm trí cô.

Vì không thể hình dung, nên cô bé bắt đầu tìm kiếm khuôn mặt hình dáng giống như thầy. Cô bé tìm trong siêu thị, ngoài đường, hỏi những người xung quanh, người quen, nhưng không thể tìm được người nào giống người thầy. Sự việc cứ như vậy cho tới khi cô bé lên 8 tuổi, những bức tranh sơn dầu của cô đã khá ổn; nhưng cô bé vẫn chưa thể vẽ được người mà cô kính trọng nhất.

Đến năm Akiane lên 8, gia đình cô lại tiếp tục khăn gói đến miền Bắc Idaho để định cư. Nhưng mãi mà Akiane vẫn không tìm thấy người đàn ông nào có gương mặt giống Chúa xuất hiện. Cô bắt đầu cảm thấy rất buồn và sốt ruột. Akiane òa khóc và cầu xin Thiên Chúa rằng:

“Nếu Ngài thật sự muốn con vẽ Đức Chúa Giê-su thì xin gửi người mẫu đến tận cửa nhà con; vì con đã tìm hai năm qua mà không thấy ai giống hình ảnh con đã thấy trên thiên đường.”

Không lâu sau, bỗng nhiên có một người thợ mộc xuất hiện trước cửa nhà Akiane để tìm việc làm. Cô nhìn ra cửa sổ và vui mừng reo lên: “Chính là ông ấy!”

Bức vẽ Chúa Giê-su giống nhất từ trước đến nay

Akiane bên bức tranh “Prince of Peace” (ảnh audacy.com)

Sau 40 giờ, bức chân dung đã hoàn thành. Đây là bức tranh “Prince of Peace” (Hoàng tử của Hòa Bình). Nguyên mẫu của nhân vật trong cuốn sách bán chạy nhất “Thiên đường có thật” (Heaven is for Real) Colton Burpo sau khi nhìn thấy bức tranh này đã nói đây là hình ảnh Chúa Giê-su giống như cậu đã thấy trên thiên đường.

Còn nhớ cậu bé Colton Burpo, cậu bé nổi tiếng đã từng chết đi sống lại sau trận vỡ ruột thừa. Khi đó cậu đã được lên thiên đàng gặp Chúa, và Chúa đã cho cậu bé trở về để kể lại những gì mình nhìn thấy cho gia đình.

Câu chuyện về Colton đến nay đã nổi tiếng trên khắp thế giới và được viết thành sách; cũng như chuyển thể thành phim mang tên “Heaven is for real” (Thiên đường có thật).

Cậu bé đã từng nhìn thấy rất nhiều những bức họa vẽ Chúa, nhưng chưa từng thấy tấm nào giống với hình tượng của Ngài. Cho đến một lần Colton tình cờ được giới thiệu về bức chân dung “Prince of Peace” của Akiane. Cậu bé đã đứng sững người vì bức tranh rõ ràng là hình tượng của Chúa, người mà cậu bé đã nhìn thấy trong lúc trải nghiệm cận tử.

Duy chỉ có màu sắc của đôi mắt là cả hai nhìn thấy có phần khác nhau. Thay vì Akiane nhìn thấy là màu xanh Sapphire thì Colton Burpo lại miêu tả rằng mắt Chúa Jesus có màu xanh lá pha xanh dương.

Trong u minh tự có thiên ý

Khi Akiane chia sẻ câu chuyện đằng sau bức tranh này, cô bé từng nói rằng, giống như bức tranh này, để vẽ ra được những bức tranh khác cô cũng gặp phải một số trắc trở trước khi có thể hoàn thành. Ví dụ, bức tranh “Người đưa tin” (The Messenger).

Bức tranh “The Messenger” của Akiane (ảnh Akiane.com)

Lúc đầu, hình ảnh “Sứ giả” và một con cú tuyết trước cửa hang động hiện lên trong tâm trí cô. Cô nghĩ có thể dễ dàng hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên, khi bức vẽ gần hoàn thành, hình ảnh con cú tuyết đã biến mất khỏi tâm trí; thay vào đó là một con nai sừng tấm và hai con đại bàng bay lượn trên hang động. 

Akiane đã thay đổi bức tranh. Không ngờ, hình ảnh trong đầu lại thay đổi và một con sói xuất hiện. Akiane đã phải thay đổi nó một lần nữa. Ngay sau khi thay đổi, con sói biến mất. Akiane nhìn thấy cái hồ trước cửa hang động bắt đầu đóng băng; một người cưỡi ngựa đặt chân xuống hồ băng và rời khỏi hang, dẫn đường cho ông là một con đại bàng. Cô bé chợt hiểu rằng người đưa tin chính là con đại bàng đang bay lượn trên bầu trời. 

Thần đồng hội họa là người mang theo sứ mệnh

Các bức tranh của cô được trưng bày trong các bảo tàng mỹ thuật tôn giáo. Mỗi bức tranh của cô thường được rao bán với giá hơn 100 ngàn đô la. Số tiền bán tranh này sẽ được Akiane hiến tặng cho các quỹ từ thiện nuôi trẻ em nghèo ở châu Phi.

“Chúa cho con ơn vẽ tranh nghệ thuật. Và với số tiền bán tranh do con vẽ, con sẽ giúp người nghèo đói cũng như các trẻ em trên thế giới”, đây là lời mà Akiane từng nhắc đến lúc nhỏ. Và cô đã thực hiện đúng sứ mệnh mà Chúa đã giao cho mình.

Bức tranh “Jesus” của Akiane (ảnh Akiane.com)

Trong một lần giao lưu tại viện bảo tàng mỹ thuật tôn giáo Logan. Có rất nhiều người đã đặt ra cho Akiane một vài câu hỏi dường như có sự ngờ vực về những gì Akiane từng chia sẻ.

Có một người đã hỏi cô rằng: “Tại sao cô chọn Cơ Đốc giáo (Christianity) mà không chọn một tôn giáo khác?”

Akiane chỉ mỉm cười nói: “Chẳng phải cháu chọn Cơ Đốc giáo; cháu chọn Đức Chúa Jesus Christ. Cháu vẽ và viết những gì Thiên Chúa đã bày tỏ cho cháu. Cháu chẳng biết gì nhiều về các tôn giáo, nhưng cháu biết điều này: Thiên Chúa nhìn vào tình yêu thương của chúng ta”.

Qua câu chuyện của thần đồng hội họa Akiane, chúng ta càng có thêm niềm tin về sự tồn tại của thiên đường, nơi các vị Thần cư ngụ.

Theo The Epoch Times