Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thiền có thể tái tạo não bộ, ngay cả những buổi thiền ngắn cũng có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong não, góp phần hỗ trợ quá trình tự chữa lành của cơ thể.
Thiền không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc tĩnh lặng, mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp tái cấu trúc não bộ, nâng cao khả năng tập trung và cải thiện cảm xúc.
Từng được xem là một nghi thức huyền bí hay mang tính tôn giáo, ngày nay thiền đã được các nhà thần kinh học, các nhà giáo dục và giới y học đón nhận nhờ những tác động rõ rệt và có thể đo lường được đối với cả tâm trí và cơ thể.
Thiền tái tạo não bộ của bạn như thế nào?
Một trong những minh chứng tiêu biểu và truyền cảm hứng nhất đến từ nhà sư Yongey Mingyur Rinpoche của Phật giáo Tây Tạng – người từng được các nhà khoa học hàng đầu mệnh danh là “người hạnh phúc nhất thế giới.”
Vào năm 2002, sư Mingyur Rinpoche đã đến thăm phòng thí nghiệm nghiên cứu não bộ của nhà thần kinh học nổi tiếng, Tiến sĩ Richard Davidson. Là người tiên phong trong nghiên cứu mối liên hệ giữa cảm xúc và não bộ, Davidson muốn tìm lời giải cho một câu hỏi quan trọng: Liệu thiền có thực sự làm thay đổi não bộ không? Để tìm hiểu điều đó, ông đã mời một số nhà sư Phật giáo Tây Tạng, trong đó có Mingyur Rinpoche, để tham gia vào các nghiên cứu khoa học.
Trong phòng thí nghiệm, sư Mingyur Rinpoche ngồi một cách bình thản, đội một chiếc mũ gắn các điện cực, được nối với một thiết bị ghi lại tín hiệu não. Ông thực hành Thiền Từ Bi – một phương pháp thiền Phật giáo tập trung vào việc nuôi dưỡng lòng từ ái.
Ngay khi ông nhắm mắt lại, màn hình hiển thị sóng gamma mạnh mẽ và liên tục – loại sóng não nhanh nhất, thường chỉ thoáng qua trong những khoảnh khắc cảm hứng hoặc tập trung sâu. Điều đáng kinh ngạc là não bộ của sư Mingyur Rinpoche tạo ra những sóng này ngay lập tức và duy trì chúng một cách mạnh mẽ trong suốt vài phút. Nghiên cứu mang tính đột phá này đã được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Các nhà khoa học đã gọi sư Mingyur Rinpoche là “người hạnh phúc nhất thế giới” sau khi phát hiện vùng vỏ não trước trán bên trái của ông — khu vực liên quan đến cảm xúc tích cực, sự tập trung và cảm giác hạnh phúc — hoạt động ở mức độ mạnh mẽ vượt xa so với người bình thường.
Nhóm nghiên cứu của Davidson cũng phát hiện rằng não bộ của Mingyur Rinpoche lão hóa chậm hơn mức trung bình. Vào năm 2016, khi ông 41 tuổi, độ tuổi sinh lý của não chỉ tương đương với người 33 tuổi. Những thay đổi ấn tượng này có mối liên hệ mật thiết với việc ông đã thực hành thiền định đều đặn suốt nhiều thập kỷ.
Thông qua nhiều năm kiên trì thực hành, sư Mingyur Rinpoche đã chứng minh một sự thật sâu sắc: não bộ, cũng giống như cơ bắp, hoàn toàn có thể được rèn luyện và tăng cường sức mạnh.
Việc cải thiện não bộ không nhất thiết phải trải qua hàng chục năm rèn luyện. Chỉ cần vài tuần thực hành thiền ngắn mỗi ngày cũng có thể tạo ra những thay đổi rõ rệt trong não bộ của một người bình thường.
Trong một nghiên cứu khác, Davidson phát hiện rằng những người tham gia khóa thiền kéo dài tám tuần, vùng vỏ não trước trán bên trái có mức hoạt động gia tăng rõ rệt. Tương tự, một nghiên cứu tại Đại học Harvard cũng cho thấy chương trình thiền trong tám tuần, giúp tăng mật độ chất xám ở những vùng não liên quan đến học tập, trí nhớ và khả năng điều tiết cảm xúc.
Tiến sĩ Yang Jingduan, chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần học tích hợp và là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Northern Medical Center tại New York, đã bày tỏ sự trân trọng sâu sắc đối với thiền định trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Trong một lần ghé thăm phòng thí nghiệm của một đồng nghiệp chuyên nghiên cứu về điện não đồ định lượng (qEEG), Tiến sĩ Yang đã được đề nghị tham gia một thí nghiệm. Với sự tò mò về tác động của thiền ngắn hạn lên hoạt động não, họ đã tiến hành một buổi thiền kéo dài 15 phút. Kết quả thật ấn tượng: sóng não của ông Yang thay đổi rõ rệt, khiến người đồng nghiệp vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh của một buổi thiền ngắn như vậy.
Ngày nay, nhiều bác sĩ, nhà giáo dục và nhà khoa học đang đưa thiền chánh niệm vào thói quen hằng ngày của họ. Thiền không phải là một hình thức thực hành tôn giáo hay sự theo đuổi huyền bí, mà là một bài tập rèn luyện tinh thần giúp tăng cường não bộ và tâm trí.
Bài thực hành bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay
1. Chú tâm vào cơ thể
Tìm một không gian yên tĩnh, ngồi hoặc nằm xuống thật thoải mái và nhắm mắt lại. Hãy bắt đầu bằng cách cảm nhận sự hiện diện của cơ thể mình.
Hãy hướng sự chú ý xuống bàn chân của bạn. Cảm nhận lòng bàn chân đang tiếp xúc với sàn nhà, hoặc cảm giác cơ thể bạn đang tựa vào bề mặt nào đó. Tiếp theo, nhẹ nhàng đưa sự chú ý lên lưng – lưng bạn có đang thư giãn không? Vai bạn có cảm thấy căng thẳng không? Bạn không cần phải thay đổi điều gì cả, chỉ đơn giản là nhận biết trạng thái hiện tại của cơ thể.
Hãy hít thở chậm rãi và sâu ba lần. Mỗi lần, hít vào thật sâu, sau đó thở ra hoàn toàn, và lặp lại thêm hai lần nữa. Với mỗi nhịp thở, hãy cảm nhận bản thân đang dần kết nối lại với cơ thể mình.
2. Điều hòa hơi thở và quá trình sinh hóa
Kỹ thuật thở 4-7-8 có thể điều hòa các quá trình sinh hóa trong cơ thể.
– Hít vào trong bốn giây.
– Giữ hơi trong bảy giây.
– Thở ra từ từ trong tám giây.
– Lặp lại ba lần.
Phương pháp 4-7-8 giúp làm giảm mức cortisol (hormone căng thẳng), làm dịu hệ thần kinh đối giao cảm (phụ trách thư giãn, nghỉ ngơi) và đưa cơ thể bạn vào trạng thái phục hồi.
3. Ý thức và năng lượng
Thời lượng: Khoảng hai phút
Hãy tưởng tượng một điểm sáng ấm áp và rực rỡ nằm ngay giữa trán của bạn. Theo nhịp thở, ánh sáng này dần lan tỏa, từ đỉnh đầu nhẹ nhàng chảy xuống khắp cơ thể, tràn qua vai, ngực, bụng, rồi đến tận bàn chân. Đây là biểu hiện của nguồn năng lượng nội tại – ổn định, mạnh mẽ, ấm áp như mặt trời, và vững chắc như mặt đất. Ánh sáng ấy di chuyển dọc theo kinh mạch trung tâm của cơ thể, từ đỉnh đầu đến vùng đáy chậu, men theo cột sống và thiết lập nên một trục năng lượng bên trong.
Hiệu quả của bài thực hành tâm trí này không chỉ dừng lại ở khía cạnh tưởng tượng, mà còn được chứng thực bởi cả y học cổ truyền Trung Hoa và khoa học thần kinh hiện đại.
Khi thiền định, hoạt động não bộ chuyển sang sóng alpha hoặc theta—những tần số liên quan đến sự thư giãn sâu và sự tập trung nội tại. Cùng lúc đó, trường năng lượng của cơ thể cũng trở nên cân bằng và hài hòa hơn, phản ánh sự điều hòa nội tại ở cả thể chất lẫn tinh thần.
4. Thiền từ bi
Thời lượng: Khoảng 3 phút
Hãy thầm lặp lại những cụm từ sau trong tâm trí bạn, như thể đang gieo những hạt giống của lòng từ bi sâu vào trong trái tim:
– Nguyện cho tôi được bình an.
– Nguyện cho tôi được khỏe mạnh.
– Nguyện cho thân và tâm tôi được cân bằng và an tịnh.
– Nguyện cho cuộc đời tôi tràn đầy ý nghĩa và tình thương.
Tiếp theo, hãy lan tỏa những lời nguyện này đến những người bạn trân quý: Nguyện cho họ được bình an, được khỏe mạnh, và sống trọn vẹn trong yêu thương và hy vọng.
Cuối cùng, hãy gửi những lời nguyện lành này đến cả những người bạn ít quen biết, hoặc thậm chí là những người từng khiến bạn không thoải mái: Nguyện cho họ được bình an. Nguyện cho họ tìm thấy sự an tịnh.
Thiền Từ Bi có thể nâng hoạt động của não lên mức sóng gamma tần số cao, từ đó thúc đẩy sự ổn định cảm xúc và sự cởi mở nội tâm. Chỉ trong vài phút thực hành, phương pháp này sẽ góp phần tăng cường tính dẻo thần kinh (Neuroplasticity), giúp não bộ được tái cân bằng và thiết lập lại các kết nối thần kinh một cách tích cực.
Chỉ cần dành ra năm phút mỗi sáng hoặc tối. Dù mục tiêu của bạn là cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu, chữa lành cảm xúc hay nâng cao sự tập trung, thì thiền định vẫn là một lựa chọn sáng suốt.
Hạnh phúc không chỉ là một trạng thái tinh thần, đó còn là một kỹ năng bạn có thể rèn luyện. Trạng thái bình an là kết quả của sự thực hành tích cực. Thiền thực sự có thể tái tạo não bộ của bạn, và bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ ngay hôm nay.
Bạn có thể đăng ký tham gia lớp thiền định miễn phí tại đây.
Theo The Epoch Times