Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử từng giảng: “Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”. Nghĩa là: vì mình không tranh giành, thiên hạ sẽ không tranh giành với mình.
Trong kiếp nhân sinh này, không tránh được việc gặp phải khó khăn, trắc trở. Tuy nhiên không phải tất cả mọi chuyện, đều đáng phải phí công phí sức đi tranh tài cao thấp.
Một người tính toán xét nét, sẽ không làm được việc lớn. Làm người chỉ nên để mắt tới những việc lớn, không tranh không đoạt; nội tâm mới có thể điềm đạm, bình tĩnh.
Trong thế sự hỗn độn, xã hội hỗn loạn này, học được cách không tranh đua 7 điều dưới đây, bạn sẽ có được trí huệ lớn.
Không tranh giành số kiếp với ông trời, đó là sáng suốt
Kiếp người sinh ra vốn mong manh và ngắn ngủi. Dù vận mệnh của chúng ta được sắp đặt như thế nào, hãy nên học cách trân trọng từng giây từng phút trên cõi đời.
Nếu bạn đã từng có những khoảng thời gian tăm tối trong cuộc đời, cho rằng không thể vượt qua được. Hãy bình tĩnh nhìn lại. Kỳ thực mọi việc không hoàn toàn tồi tệ như ta nghĩ. Khi bạn buông được, nó cũng sẽ lặng lẽ trôi qua.
Hãy học cách tin tưởng bản thân, có thể coi nhẹ được mất. Sống và làm việc thuận theo tự nhiên. Đó chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc. Trong được có mất, trong mất có được. Không cưỡng cầu, ép buộc mới là sự gặt hái lớn nhất của cuộc sống.
Bất kể việc gì xảy đến cũng đừng làm khó dễ chính mình. Hãy để hết thảy mọi thứ tùy duyên. Nguyên nhân bởi dù buồn hay vui đến mấy, cũng chỉ là một ngày. Không thể cả đời đều buồn như vậy.
Không tranh giành số phận với ông trời không phải là việc gì xấu. Nó không chứng tỏ bạn thỏa hiệp với số phận. Đó chỉ là một loại lựa chọn sáng suốt. Bởi chỉ khi để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên, mới có thể có cuộc sống bình yên.
Không tranh luận hơn thua với cha mẹ, đó là hiếu thuận
Tục ngữ xưa có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Nhanh mồm nhanh miệng mà đạt được chẳng qua chỉ là sự “vui sướng” ngắn ngủi, thỏa mãn cái tôi nhất thời. Ngược lại, lại bộc lộ đức hạnh của bản thân. Người có hàm dưỡng thực sự, sẽ không tranh cãi vì những chuyện nhỏ nhặt.
Cha mẹ là người thân gần gũi nhất của chúng ta. Khi tranh cãi với họ, hãy luôn nhớ rằng, không có sự che nắng che mưa của họ, sẽ không có chúng ta hôm nay.
Để nuôi dạy được con cái nên người là điều không dễ đàng với mỗi bậc làm cha làm mẹ. Hãy học cách biết ơn, cố gắng hết sức để báo đáp. Không thể đợi tương lai, đơi sau này mới báo đáp thì cũng đã quá muộn.
Không tranh luận với cha mẹ là một loại hiếu thuận. Điều gì là nên nói, điều gì là không. Bản thân ta cần hiểu rõ, quản lý cho tốt cái miệng của mình. Đừng để tổn thương đau lòng cha mẹ.
Không tranh luận đúng sai với bạn đời, đó là thấu hiểu
Cổ nhân giảng: “Không là người một nhà, không vào cùng một cửa”.
Khi vợ chồng gây gổ tranh cãi, ai cũng cho mình là đúng. Chồng nói chồng có lý, bà nói bà có lý. Kỳ thực không ai có đạo lý cả.
Là người một nhà, điều tranh chấp thường là những chuyện đã qua. Nếu đã không cách nào thay đổi kết cục, chi bằng đừng tranh luận cãi cọ. Hãy để mọi thứ qua đi.
Bạn thắng rồi thì sao? Điều đem tới chỉ là sự đau lòng cho người bạn đời. Thậm chí họ còn cho bạn thấy vẻ mặt khó chịu, bức xúc; Bản thân bạn khi đó cũng không thể vui vẻ. Đôi khi, mấy ngày không biết nên mở miệng nói chuyện như thế nào.
Không tranh luận đúng sai với bạn đời, để cho họ thắng. Kỳ thực không có tổn thất gì. Khi người bạn đời của bạn cảm thấy bình tĩnh, an yên, vui vẻ, gia đình mới có thể hòa thuận hạnh phúc.
Không tranh luận đúng sai với bạn đời là một loại thấu hiểu. Bởi hai người có thể nên duyên vợ chồng trong đời này, vốn là đều là nhân duyên. Người xưa giảng “Tu trăm năm mới đi chung thuyền. Tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Đó là một loại phúc khí mà mỗi người nên trân trọng.
Không tranh giành thể diện với người thân, là một loại hòa khí
Mỗi người đều có lòng tự trọng, thể diện, tự ái. Có lẽ ai cũng từng gặp tình huống, khi gặp gỡ họ hàng dù gần hay xa, nếu không hỏi bạn một năm kiếm được bao nhiêu tiền, thì lại hỏi bạn đã mua nhà, mua xe chưa?
Khi họ hàng ruột thịt gặp nhau, điều quan trọng nhất là đối xử thật lòng, thành thực, không cần thiết phải ganh đua hơn thua. Đôi khi chỉ vì cố gắng muốn giữ thể diện mà dễ làm tổn thương tình cảm của người khác.
Nói cho cùng, thể diện thực sự là thực lực và năng lực của bản thân. Nó là sự tích lũy từ những sự việc nhỏ tạo nên tính cách phẩm chất của bạn.
Khi ở trước mặt người thân cần khiêm tốn, lùi một bước trời cao biển rộng. Nhẫn một chút gió êm sóng lặng. Không cậy mình mạnh hơn người, không yêu cầu quá đáng. Như vậy gia đình mới có thể hòa thuận hạnh phúc.
Không tranh đoạt lợi ích với bạn bè, là sự khoan dung
Cổ nhân có câu: “Người vì tiền mà chết, chim vì thức ăn mà vong”.
Câu nói này có lẽ nói đúng nội tâm của rất nhiều người. Một số người vì lợi ích cá nhân, giống như ma quỷ. Vì tranh đoạt cái gọi là lợi ích, khiến tình bạn chân thành bấy lâu cũng bị sụp đổ.
Bạn bè với nhau, điều quan trọng nhất là sự thấu hiểu, giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ khi cả hai có thể biết hy sinh giúp đỡ một cách chân thành, thì chút lợi ích nhỏ sẽ không là gì cả.
Nếu một người tâm danh lợi quá nặng, không có nhân tính, sẽ chỉ khiến người khác ghét bỏ, xa lánh. Không tranh giành lợi ích với bạn bè, không phải là nhượng bộ, mà là một loại khoan dung. Có thể quen biết, gặp gỡ nhau là một loại duyên phận. Hãy học cách trân trọng những người bạn đang có.
Không tranh giành danh tiếng với người khác, là tự biết mình biết người
Lòng tham của con người đôi khi là vô đáy. Mưu cầu công danh lợi lộc vĩnh viễn không có mức độ. Nếu chúng ta luôn bị cái gọi là công danh bó buộc, thì không thể thực sự làm được việc lớn.
Người ta ai cũng mong muốn có danh tiếng tốt. Nhưng không biết rằng, chính điều đó cũng có thể trở thành chiếc gông bó buộc bản thân ta. Chỉ có người coi những hư danh như phù vân, mới thực sự là bậc trí huệ.
Khi người ta có thể tránh xa khỏi vòng xoáy của “tranh danh đoạt lợi”, cũng sẽ không vì hư danh mà lãng phí thời gian tốt đẹp của mình. May mắn cũng sẽ không cầu mà tới.
Sự thành công lớn nhất của một người, không phải là tranh giành danh lợi một cách mù quáng. Đó là có năng lực tự nhận ra tự biết. Không mưu cầu, không tranh đoạt, ngược lại sẽ đạt được càng nhiều hơn.
Không tranh giành huênh hoang với lãnh đạo, đó là tôn kính
Phần lớn những nhân viên công sở, ai cũng muốn biểu hiện bản thân tốt đẹp trước mặt sếp. Tuy nhiên có một số người không chú ý chừng mực, khiến con đường công việc của mình càng đi càng hẹp.
Mỗi nhân viên cấp dưới khi ở trước mặt lãnh đạo nên biểu hiện bản thân một cách thích hợp. Dù làm bất cứ việc gì, đều cần chú ý tùy từng tình huống, từng trường hợp. Đừng cố gắng tranh giành tỏ ra muốn thay thế họ. Như vậy sếp mới có thể cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Rất nhiều đau khổ trong cuộc đời, đều bắt nguồn từ chữ “tranh giành”. Rất nhiều người khi bất đồng quan điểm với cấp trên, liền cố gắng tìm mọi cách tranh cãi đúng sai. Điều này liệu có cần thiết?
Kỳ thực tranh giành được càng nhiều, sẽ mất đi càng nhiều, cũng càng dễ bị chìm trong vũng bùn phân tranh của bản thân.
Theo Visiontimes
Xem thêm: Chốn quan trường: Buông tranh giành, công danh tự đến