Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, việc giáo dục con của mỗi gia đình cũng muôn màu muôn vẻ không giống nhau. Tuy nhiên trong quá trình nuôi dạy con, tựu chung lại có thể chia thành 2 kiểu làm cha mẹ: cha mẹ cảm ơn và cha mẹ oán hận.
Một người trong tâm thường cảm ơn người khác và một người trong lòng tràn đầy oán hận thật khác nhau.
Khi tiếp nhận con, cha mẹ cảm ơn thường tán thưởng ưu điểm của con, còn cha mẹ oán hận lại hay bắt bẻ khuyết điểm của con.
Khi con làm một việc tốt, cha mẹ cảm ơn sẽ cảm động rơi nước mắt, còn cha mẹ oán hận thì hiềm rằng chưa đủ.
Khi con sai, cha mẹ cảm ơn tha thứ khoan dung, còn cha mẹ oán hận sẽ khí hận đầy mình.
Đối với cha mẹ cảm ơn, mỗi ngày trôi qua là một món quà dành tặng con, nhưng với cha mẹ oán hận dường như ngày nào cũng là một ngày có lỗi.
Bạn là cha mẹ cảm ơn hay cha mẹ oán hận?
Cha mẹ cảm ơn
Thử xem mỗi khi con có vấn đề gì đó, dành sự chú ý vào trong tâm mình, rồi tự hỏi mình đang làm cha mẹ cảm ơn hay cha mẹ oán hận?
Sự khác nhau không phải ở kiến thức hay của cải, sự khác biệt nằm ở một tấm lòng. Cha mẹ cảm ơn dạy con bằng lòng biết ơn và khoan dung. Họ thật sự nhẫn nại, sẵn sàng hạ thấp cái tôi trước mỗi đứa trẻ.
Đó không phải nuông chiều hay dễ dãi mà họ dùng tâm lượng của mình để cảm hóa tâm thái của con. Người con sinh lòng kính trọng và yêu mến cha mẹ, từ đó tự nguyện thay đổi hành vi. Bởi vì sức mạnh của Thiện là vĩ đại!
Cha mẹ oán hận
Ngược lại, cha mẹ oán hận sẽ “sinh ra” trùng trùng oán hận. Chính trong lúc nóng giận và trách mắng con, họ đã khiến đứa trẻ không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng.
Nóng giận và oán trách là biểu hiện của “ma” tính bộc phát. Họ tưởng rằng mình giáo dục con nghiêm khắc là tốt, nhưng cách làm ấy đã mang đến cho con nhiều tổn thương không vãn hồi được.
Có một chuyện ngụ ngôn như thế này: Một người nông dân có một khối ngọc, muốn điêu khắc nó thành một tác phẩm tuyệt đẹp, nhưng trong tay ông ta chỉ có một dụng cụ là cây cuốc. Chẳng mấy chốc khối ngọc này đã biến thành khối ngọc nhỏ hơn, nhưng hình dạng của nó vẫn giống như hòn đá, đồng thời càng ngày càng mất đi giá trị.
Các bậc phụ huynh trẻ cũng đã có được một khối ngọc – đứa con đáng yêu – kết quả sau nhiều năm là một số người đã có được tác phẩm rất hài lòng, một số người nhìn sự thay đổi của khối ngọc và ngày càng thất vọng. Sự khác biệt giữa hai kết quả này, chính là do những người bố, người mẹ ngày càng thất vọng kia thường sử dụng cây cuốc để chế tác ngọc.
Trích dẫn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”
Bên ngoài thì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng thực ra, mỗi người đều sống bên trong thế giới nội tâm của mình. Cha mẹ cảm ơn là người trong lòng xem con như ngọc. Họ biết ơn từng khoảnh khắc có con trong đời. Vì vậy, họ tận dụng ngay cả mâu thuẫn với con để nhìn lại chính bản thân và tu dưỡng nội tâm mình. Tuyệt nhiên không biến mình thành cây cuốc mà chế tác ngọc. Còn cha mẹ oán hận khi gặp chuyện sẽ không ngừng oán trách con, cứ thế tạo nghiệp càng nặng, sa đọa càng sâu.
Cảm ơn hay oán hận?
Ở Trung Quốc cổ đại vào thời nhà Tống có một câu chuyện nổi tiếng về nhân tâm và cách cư xử:
Một ngày nọ, Tô Đông Pha, một học giả nổi tiếng, lên chùa và ngồi thiền cùng Phật Ấn, một tu sĩ Phật giáo. Họ thiền định trong một lúc lâu.
Sau đó, Tô Đông Pha mở mắt ra và hỏi Phật Ấn, “Ngài đã thấy gì khi tôi đang ngồi thiền?” Phật Ấn nhìn ông và gật gù, “Ông trông giống như một vị Phật trang nghiêm”.
Tô Đông Pha rất hài lòng, nhà sư Phật Ấn cũng hỏi lại người bạn của mình. Vì muốn trêu cười Phật Ấn, Tô Đông Pha trả lời, “Nhìn ngài giống như một đống phân bò”.
Thiền sư chỉ mỉm cười, và không vặn lại gì. Tô Đông Pha cảm thấy mình đã thắng thiền sư một phen.
Khi về nhà, Tô Đông Pha hớn hở khoe với em gái của mình là Tô tiểu muội. Rất ngạc nhiên, Tô tiểu muội đã phá lên cười trước sự ngốc nghếch của anh trai mình.
Tô Đông Pha không hiểu tại sao. Tô tiểu muội sau đó giải thích: “Nhà sư Phật Ấn tôn vinh Đức Phật trong tâm mình; do đó, trong mắt của ngài, huynh trông như Phật. Huynh nói rằng nhà sư trông giống như đống phân bò, điều đó có nghĩa là trong tâm của huynh có đầy phân bò.”
Cũng như vậy, cha mẹ nhìn con thuận mắt hay ngứa mắt chủ yếu do tâm mình thôi. Trong tâm của cha mẹ cảm ơn và cha mẹ oán hận có những thứ trái ngược nhau.
Phải chăng lúc đón nhận một đứa trẻ chào đời là cánh cửa tu tâm dưỡng tính bắt đầu mở ra đối với mỗi người làm cha mẹ.. Hóa ra muốn dạy con, trước hết phải răn mình! Bởi vì mối quan hệ giữa người với người không thuận cốt yếu là do người ta không tự nhìn vào nội tâm mà cứ muốn cải biến người khác. Đặc biệt, cha mẹ lại càng tự cho rằng chấn chỉnh con là chuyện tất yếu phải làm, rất dễ “quên” tu sửa mình.
Con người có cả Phật tính và ma tính. Chọn tu dưỡng Phật tính hay phóng đại ma tính? Thiện lương chính là sự lựa chọn. Mà chọn nhân gì thì gặt quả vậy.
Bạn chọn làm cha mẹ cảm ơn hay cha mẹ oán hận?
Theo Decent and Kind News