Thời xưa ấy, chế độ đa thê đa thiếp cho phép đàn ông cưới nhiều vợ. “Bát canh thừa” là một trong rất nhiều bi kịch xảy ra, nguyên nhân cũng là tầng tầng oan trái, đến khi biết được thì thống khổ thốt lên: “Đúng thật là nghiệp chướng!”
Tình cảm cha con lạnh nhạt, ẩn chứa nhiều điều nghi hoặc
Chuyện kể rằng, Mạc gia vốn là cự phú trong vùng. Gia chủ Mạc Tử Quân và phu nhân Tú Đình, có với nhau một bé gái 5 tuổi tên là Tố Nhi; đứa bé rất thông minh và ngoan ngoãn. Chỉ là Tử Quân và mẫu thân luôn trông ngóng một đứa cháu trai để nối dõi tông đường.
Cũng chẳng biết vì sao, Tử Quân không yêu thương con gái đầu lòng Tố Nhi cho lắm. Đôi khi Tử Quân tự vấn: “Hà cớ gì nhìn thấy con gái bé bỏng đáng yêu, nhưng chẳng thể yêu thương… liệu có gì khác nếu Tố Nhi là con trai?”.
Còn Tố Nhi thì suốt ngày quanh quẩn bên mẹ, mỗi lần thấy Tử Quân lại rụt rè e sợ.
Mẹ chồng trọng nam khinh nữ
Ngày kia, vì hương hỏa nhà họ Mạc, lão phu nhân quyết định nạp thiếp cho Tử Quân. Cô gái được cưới về tên là Thanh Thanh.
Ngày đầu bước chân vào nhà họ Mạc, Thanh thanh luôn biết phận, kính trên nhường dưới, xét trước xét sau, ngôn hành đúng mực.
Thanh Thanh trẻ đẹp lại biết lễ nghĩa, Tú Đình ghen tị, uất khí tới mức chẳng thiết gì ăn uống. Nhưng theo gia quy thì tất cả các thành viên đều phải hòa thuận; nên trước mặt Mạc lão phu nhân và Tử Quân, Tú Đình hết sức nhẹ nhàng; đối đãi với Thanh Thanh tình như tỷ muội.
Để mọi người không hoài nghi về lòng ghen ghét của mình, Tú Đình sai người đem đến tặng Thanh Thanh một bức tranh Hoa Cúc khảm ngọc trai rất mỹ lệ. Đêm đến thì bức tranh tỏa ra mùi hương nhẹ của một loài hoa dại chỉ có ở vùng thảo nguyên, làm tinh thần người ta rất sảng khoái.
Nói về Tố Nhi, từ lúc nhìn thấy Thanh Thanh thì như là một người quen lâu ngày gặp lại; đặc biệt yêu mến, hàng ngày đều xin mẫu thân sang chơi với Nhị nương. Thanh Thanh yêu trẻ con, cũng vui vẻ quấn quít cùng Tố Nhi.
Tú Đình không hề cấm đoán, mà còn rất vui vẻ để con mình tới lui phòng của Nhị nương. Dường như dù có chút không vui khi Tử Quân nạp thiếp; nhưng Tú Đình vẫn còn Tố Nhi, tiếp thêm sức sống.
Sóng gió gia tộc Mạc
Một hôm, đang yên đang lành thì hung tin loan đến, gia nhân bảo rằng đứa con bé bỏng của cô đã chết bên phòng của Thanh Thanh. Tú Đình như điên như dại, vừa chạy đến chỗ con gái vừa kêu khóc. Đến nơi, thấy Tố Nhi đang nằm trong tay của Thanh Thanh; mắt, miệng, mũi chảy đầy máu tươi, và đứa bé đã tắt thở rồi.
Cả Mạc phủ đều chấn động, thấy Tử Quân và Mạc phu nhân đến, Thanh Thanh thất thần quỳ xuống hốt hoảng phân trần, rằng không biết chuyện gì đang xảy ra, rằng cô không làm gì Tố Nhi cả.
“Không phải thiếp, không phải thiếp, thiếp không làm gì Tố nhi cả, bọn thiếp đang trò chuyện rất vui vẻ, bỗng nhiên…”, Thanh Thanh nghẹn lời.
Tú Đình lao đến, gạt thanh Thanh sang một bên, ôm đứa con trong tay khóc nấc. Lúc đó đột nhiên nhìn thấy bát canh thừa ở trên bàn, cô kinh ngạc hỏi hỏi Thanh Thanh: “Tố nhi có uống bát canh đó hay không?”
Bát canh thừa – quả báo
Thanh Thanh gật đầu đáp: “Thưa có, muội và Tố nhi cùng uống, đứa bé khen canh rất ngon nên muội thường hay nhường phần lớn”.
Tú Đình ngước mặt lên trời, mở to mắt gào thét một cách điên dại: “Quả báo, đúng là quả báo!”
Tử Quân dù rất yêu thương Thanh Thanh, nhưng lập tức triệu người hầu báo quan. Tú Đình bỗng đưa tay ra hiệu rằng đừng làm thế. Cô nói, lỗi không phải của Thanh thanh.
Mọi người trong phủ đều dồn mắt nhìn về Tú Đình. Vì sao lạ như vậy? Cô không hận vì đứa bé chết trong tay Thanh Thanh, và cũng không muốn đòi công lý cho con gái mình sao?
Mạc gia từ trên xuống dưới, chưa hết ngạc nhiên này, lại đến ngạc nhiên khác. Tú Đình sau khi ngăn cản không cho người nhà báo quan, cứ ôm lấy Tố nhi lẩm nhẩm: “Là mẹ hại con, là mẹ đã hại con rồi!”
Tử Quân hỏi gặng: “Rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra, có phải nàng biết ai là người hại Tố Nhi?”
Mẹ giết con
Tú Đình thất thần, ngước mắt nhìn mọi người, sau đó cúi đầu thú nhận chính cô đã gây ra sự việc bi thảm này. Vừa ôm Tố Nhi trong tay, Tú Đình vừa kể lại.
Nguyên từ ngày đầu Thanh Thanh bước vào nhà họ Mạc, cô đã ý thức được vị trí của mình đã không còn như lúc trước. Nhưng Tú Đình thừa biết, giết người là phải đền mạng nên đã không dám hạ thủ nhanh chóng, cô chỉ muốn cho Thanh Thanh không thể sinh con cháu nối dõi, và một thời gian sẽ phải phát bệnh không thuốc chữa mà chết…
Tú Đình nói, “từ nhỏ thiếp đã vất vả, làm thân con gái rất khổ, một khi cha mẹ gả đi rồi là xem như không còn đường lui; vì vậy khi Thanh Thanh xuất hiện, thiếp không thể ngồi yên chờ cô ta sinh con trai, sau đó mẹ con thiếp sẽ phải ra ngoài đường mà ở”.
Lợi dụng sự thân thiết của Thanh Thanh và Tố Nhi; ban đầu Tú Đình đã cố tình tặng bức tranh hoa cúc khảm ngọc trai kia. Sau đó, thường xuyên sai người đem canh bổ đến tặng cho Thanh Thanh.
Nguyên bản thân Tú Đình là người đến từ Tây Vực, nên chiêu thức hạ độc này không phải ai cũng biết. Chén canh mà cô đem sang bồi bổ cho Thanh Thanh thật sự là những thảo dược rất đỗi bình thường. Nhưng đặc biệt, nếu nó kết hợp với “kim tân ngọc dịch” trong cơ thể người; cùng mùi hương trong bức tranh khảm ngọc trai kia, thì lại biến thành một chất kịch độc.
Âm mưu đàn bà
Nếu ngồi trong nhà mà dùng chén canh ấy, vừa ăn vừa ngửi mùi hương dễ chịu kia thì đúng là một kế hoạch hoàn hảo. Loại độc này không bộc phát ngay mà tích tụ dần, lâu ngày sẽ sinh ra bệnh nặng, cuối cùng sẽ thổ huyết mà chết.
Cho dù có mời đại phu giỏi nhất thiên hạ cũng đành bó tay, có dùng kim thử độc để kiểm tra thức ăn cũng không tài nào tra được.
Nhưng người tính không bằng trời tính, Tú Đình không ngờ trong lúc Thanh Thanh và Tố nhi ở cùng nhau. Vì thương yêu đứa trẻ, nên bát canh bổ của đại phu nhân ban tặng; cô nhường phần lớn cho Tố nhi. Thời gian lâu như vậy, do còn quá nhỏ nên Tố Nhi đã phát độc mà chết.
Tú Đình Kể đến đây thì Thanh Thanh ngã quỵ xuống đất, chết lặng và không nói được lời nào.
Người trong phủ thì lắc đầu ngao ngán, người thương kẻ hận, đủ lời bàn tán xôn xao. Vì sao đến nông nỗi này cơ chứ?
Mai táng Tố Nhi xong, Tú Đình như điên dại. Suốt ngày lẩm bẩm một mình, lúc thì khóc thét, lúc thì cười oán hận, hết ngày này qua tháng nọ.
Một hôm nàng bỏ nhà ra đi, tâm thần đã không còn tỉnh táo, gặp gì ăn đó, thường bị rét cóng trong tuyết. Đi đến đâu người dân chỉ trỏ lăng mạ, xua đuổi đến đó: “Đáng cái đời một con ác phụ, mưu tính hại người thành ra tự tay giết con ruột của mình; sao không chết quách đi cho xong”.
Ác giả ác báo
Riêng Tú Đình, dù điên dại nhưng tâm vẫn day dứt về đứa con bé bỏng. Đôi lúc gặp được một số người tốt cho ăn, nhưng cũng chẳng thể giúp gì hơn.
Thân thể tàn tạ, đôi khi không hay biết, đi đến những nơi có chó dữ; Tú Đình bị cắn đến loét cả da thịt, nhưng cô dường như không cảm thấy mình đang đau; mà chỉ bước đi trong vô minh, đôi mắt xa xăm tuyệt vọng…
Một hôm khi đang bới móc tìm đồ ăn trong đống rác xó chợ, bỗng có một người bước đến đưa cho cô 1 cái bánh bao. Tú Đình ngước lên nhìn, thì thấy một ông lão đã có tuổi, quần áo xuềnh xoàng, có vài chỗ chắp vá….
Ông thở dài: “Làm người thật khổ, chỉ vì nghiệp lực mà trầm luân trong lục đạo, đời này lại cố chấp vào chữ tình mà tạo thêm nghiệp chướng, đúng là không còn lối thoát”.
Tú Đình nhìn ông, nước mắt giàn giụa: “Chính tôi đã giết chết con gái của mình; tôi thật là đáng chết, thật là đáng chết”.
Ông lão đỡ Tú Đình đứng dậy, không nói thêm lời nào mà chỉ vào bức tường trước mắt và nói, con hãy tự mình xem vì sao bản thân lại ra nông nỗi này.
Bức tường bám rêu xanh bỗng hiện ra một khung hình mờ nhạt, rồi dần dần sáng tỏ. Tú Đình chết lặng trước những gì nhìn thấy được hiện ra.
Nhân Quả: Bát canh thừa
Trong cảnh đang là mùa Đông, tuyết rơi lạnh cóng. Có một cậu bé khoảng chừng 10 tuổi, đang chăm sóc mẹ già mang bệnh. Dường như nhà rất nghèo khổ, và người mẹ đang đói rét. Chum gạo phía sau nhà không còn một hạt; cậu bé đánh liều đi trộm thứ gì đó về cho mẹ lót dạ.
Đi đến một nhà kia, cậu bé lẻn vào bếp và thấy một bát canh thừa; vừa lấy bát canh thì cậu bị con chó phát hiện. Trong lúc rối trí cậu bé không biết làm sao đã rút cây củi trong bếp đánh chết con chó ấy. Sự việc nhanh chóng kinh động đến chủ nhà, ông chủ trong cơn nóng giận không thể kiềm chế; đã liên tục đánh tới tấp khiến cậu bé không thể đứng dậy được.
Người vợ chạy đến ngăn chồng: “Chàng hãy bình tĩnh, chuyện gì cũng phải từ từ mà xét; chàng đánh như vậy sẽ xảy ra án mạng đó”.
Người chồng bất chấp, vừa đánh tới tấp vừa hét lớn: “Đây là con chó mực ta nâng niu; đã dám ăn cắp lại còn đánh chết bảo vật của ta; ta nhất định đánh cho chết mới hả cơn giận”.
Cậu bé vừa ôm đầu vừa phân trần rằng: “Con có mẹ già đang bệnh nặng mà còn bị đói rét; bất đắc dĩ mới phải làm như vậy; xin ông bà hãy tha cho, mẹ già đang đợi con ở nhà”.
Vừa dứt lời thì người chồng vung cây đánh ngay vào sau đầu; một đòn chí mạng khiến cậu bé không qua khỏi.
Bát canh thừa: Lời thề độc
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cậu bé đã ôm hận mà phát lời thề độc, rằng chỉ vì một “bát canh thừa” mà ông lại đánh người đến chết; cũng vì vậy mà tôi không thể gặp mặt mẹ già, phải bỏ mạng tại đây. Tôi thề rằng một ngày nào đó, sẽ cho ông biết mùi vị của việc con xa lìa mẹ; ông nhất định phải bị giày vò đến chết mới thôi.
Nói xong, cậu tức tưởi ói máu mà chết; người chồng lúc này mới giật mình, không ngờ chỉ vì một bát canh thừa và con chó mực mà giết người. Sau đó, anh ta đã đến nha môn đầu thú. Những năm tháng trong ngục giam, anh đã vô cùng ăn năn hối cải; chuỗi ngày cuối đời còn chuyên tâm đọc kinh sách, niệm Phật; nguyện ý chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra.
Đến đây, ông lão bước đến nói với Tú Đình: “Con có nhận ra bản thân mình không? Con chính là người đàn ông đánh chết cậu bé trộm bát canh thừa đó. Đời này chuyển sinh đến Tây Vực, những gì con gánh chịu hôm nay là để hoàn trả tất cả”.
Quả báo lời thề độc
Ông nói tiếp: “Cậu bé kia vì ôm hận mà chết; hơn nữa còn phát lời thề độc; nên trong những kiếp luân hồi bất kể là người hay động vật, đều theo sát con để chờ ngày đủ duyên nghiệp mà tái hợp; cuối cùng đời này cậu ấy đã đến. Tố Nhi chính là cậu ấy chuyển sinh.
Mạc Tử Quân chính là con chó bị đánh chết đời trước chuyển sinh; vì đã trả nợ nghiệp và trong luân hồi không ngừng hành thiện tích đức, nên đời này được làm thân người. Trong tiền kiếp đã chết dưới tay cậu bé trộm bát canh nên đời này Tử Quân không mấy thương yêu Tố Nhi; hễ nhìn là có khoảng cách, cha con không thể nào gần gũi.
Còn Thanh Thanh, cô ấy chính là người vợ đời trước của con; vì lẽ đó mà cô ấy biểu hiện đời này rất cung kính. Mặc dù trẻ đẹp, được Tử Quân hết lòng yêu thương nhưng không vì vậy mà lòng sinh đố kỵ; chưa bao giờ nghĩ đến việc hại con.
Do kiếp trước can ngăn con đánh người, cậu bé kia mang trong tâm cảm kích; nên kiếp này chuyển sinh, Tố Nhi đặc biệt yêu mến khi vừa gặp cô ấy.
Còn bản thân con, vì đã phạm tội giết người mà phải ra nông nỗi hôm nay; Tố Nhi đã chọn cách ra đi như thế để chính con phải sống trong giày vò mẹ giết con; phải nếm trải nỗi thống khổ khi xa cách đứa con dứt ruột sinh ra…
Những năm tháng qua, con trở nên điên dại, ăn dơ uống bẩn; áo mỏng chân trần bước đi trong giá rét, còn bị người đời khinh thị mắng nhiếc…”
Một bát canh thừa lưu ân oán, luân hồi nghìn năm nào biết khổ
Lẩm bẩm 3 chữ “bát canh thừa“, ông lão lại thở dài: “Thế gian này còn biết bao nhiêu người chấp vào cái tình mà thành ra thế; phải chịu cảnh như vậy, sống trong mê mà hành hạ chính mình”.
Tú Đình nước mắt giàn giụa, thần trí thanh tỉnh, quỳ xuống cầu xin: “Bây giờ con phải làm sao?”
Ông lão đáp: “Nhân quả không bỏ sót một ai. Nay thấy thời cơ đã đến, hơn nữa con cũng hoàn trả xong nợ nghiệp quá khứ; nên ta mới có thể đến bảo cho con minh bạch vấn đề”.
Tú Đình thống thiết: “Con xin theo lão tiền bối tu hành; mong sớm ngày thoát khỏi bể khổ trầm luân”.
Ông lão đáp: “Không dám không dám, bởi tương lai con sẽ có người khác quản. Hãy trân quý thân người. Sau này thời cơ đến, sư phụ của con nhất định sẽ xuất hiện”.
Nói xong ông lão quay lưng, bước đi chậm rãi nhưng thoáng cái đã không thấy đâu. Trong không gian chỉ còn vẳng lại mấy câu thơ:
Xuân Đông Thu Hạ lạnh như tờ
Nhân gian mê lạc tựa giấc mơ
Luân hồi nghìn năm nào biết khổ
Danh tình lợi ảo mắt đã mờ
Nơi xa người thân đang ngóng đợi
Mau mau tỉnh mộng trở về thôi
Cùng tác giả:
Nhật Quan Tử là một người tu luyện giữa đời thường; trong bộn bề công việc anh vẫn tìm được những khoảng lặng và khi đó “ký ức” ùa về…