Có người hỏi bí quyết hạnh phúc là ở chỗ nào? Sống thế nào để luôn được hạnh phúc? Mỗi một danh nhân đều đúc kết được từ cuộc đời một bài học về hai chữ “hạnh phúc”: Sống đơn giản, sống chân thành, biết buông bỏ, hãy kiên nhẫn… Bản thân tôi không dám nói là một người hạnh phúc, nhưng ít ra với đau khổ tôi biết cách vượt qua và xây dựng cho mình một lối sống đẹp. Tôi làm được như vậy cũng là nhờ sống dựa theo nguyên lý “Chân- Thiện -Nhẫn” (Chân thật – Thiện lương – Nhẫn nại).
Chân Thật
Sống Chân thật sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và tâm hồn thư thái đến kì lạ. Bạn biết không? Bản chất của con người vốn dĩ rất trong sáng, chân thật; nhưng cái xã hội nhốn nháo, cuộc sống kim tiền sẽ dần biến bạn thành những diễn viên giỏi; và cuộc đời trở thành sàn diễn khổng lồ!
Bạn không muốn dối trá nhưng buộc phải dối trá; những lời dối trá khiến lương tâm bạn bứt rứt không yên. Một lời dối trá xuất hiện sẽ kéo theo nó là vô vàn lời dối trá khác; và chính vì nó không phải sự thật nên bạn luôn sống trong tâm trạng lo âu phập phồng; sợ bị phát hiện, sợ chiếc mặt nạ của mình rơi xuống.
Nhiều lúc chúng ta chọn một lời nói dối thay cho sự thật bởi vì thứ điều khiển chúng ta là nỗi sợ. Sợ rằng kết quả xảy đến cho chúng ta sẽ khiến chúng ta mất đi cái gì đó! Nhưng nếu bạn chọn sự chân thật, tin tôi đi, không gì tệ hại xảy ra với bạn đâu! Mọi thứ sẽ diễn ra như nó vốn vậy, chẳng có gì phải sợ hãi cả. Điều bạn cho là mất đôi khi lại chính là được, nhân quả xoay vần sẽ cân bằng mọi thứ.
Bí quyết hạnh phúc của tôi là cứ sống chân thật
Từ khi nhận ra điều đó, tôi chọn cho mình cách sống chân thật; tôi nghĩ gì, tôi muốn gì thì tôi sẽ thoải mái hơn khi thể hiện nó ra bên ngoài. Tôi sai thì tôi dũng cảm thừa nhận; một bữa tiệc nào đó mà tôi không muốn tham gia thì tôi sẽ lịch sự từ chối, chứ không phải cả nể đi để rồi nhận lại sự mệt mỏi.
Vì sống thật nên tôi luôn cởi mở về tinh thần; tôi không hề viết kịch bản cho bất cứ điều gì nên tôi sẽ không cần phải nhớ lời thoại.
Dối trá nhiều sẽ thành thói quen, và dần dần bạn sẽ đánh mất chính mình. Mà bạn biết không? Không nỗi đau nào bằng tự đánh mất chính mình! Tôi xấu – ừ thì tôi xấu; tôi dở – ừ tôi rất dở; tôi sai – vâng chính tôi đã sai; thật đơn giản phải không? Nhưng nếu đó là một lời dối trá, bạn sẽ thấy phức tạp hơn nhiều.
Sống chân thật để nhận lại điều chân thành. Đặc biệt là trong giao tiếp giữa người với người thì chân thành sẽ giúp chúng ta có thể kết nối lâu dài với nhau. Các thủ thuật lấy lòng người thật là hấp dẫn, nhưng đằng sau nó phải là nội tâm chân thành; nếu không cũng chỉ là bong bóng xà phòng, vỡ tan lúc nào không hay.
Thiện lương
Thánh nhân xưa có dạy “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người sinh ra vốn là thiện lương), từ khi mở mắt chào đời, tâm con người là một tờ giấy trắng, ghen ghét đố kỵ, tài lộc danh lợi, nhan sắc hơn thua chẳng là gì! Nhưng càng lớn lên thì cái bản tính thiện lương của người ta lại càng bị phai mờ dần; tay viết bút mực thì bị lấm lem lúc nào cũng không hay.
Bạn là một người lương thiện cho tới khi bạn nhận thấy sự ưu ái của cuộc đời dành cho một người mà bạn cho rằng kém tài: “Tại sao nó vẫn luôn gặp may mắn; tại sao mọi người chỉ xoay quanh nó?”
Ghen ghét, đố kỵ khiến bạn sinh tâm tà ác với người khác; từ đó sẽ là sự tranh giành, đánh đổi để có được thứ mà bạn cho rằng đáng ra phải thuộc về bạn. Lúc này chắc bạn cũng không còn nghĩ đến thiện nữa rồi.
Con người cũng thật kỳ lạ lắm thay! Bạn đỗ đại học là một tin vui nhưng nó sẽ chẳng bao giờ vui bằng việc bạn biết rằng: Bạn đỗ cao hơn người cùng xóm! Bạn bị đánh rớt trong một kỳ thi rất buồn; nhưng nó sẽ dễ nguôi ngoai hơn khi bạn biết người cùng công ty với mình cũng rớt giống như mình!
Là vậy đấy, tâm hơn thua, tranh đấu dần khiến thiện lương trong bạn bị thử thách; và nếu như bạn thiếu đi tiếng giật mình “thôi chết! sao mình lại tham lam thế!”, thì cái thiện trong bạn cũng đã mất đi không còn lại chút gì!
Bí quyết hạnh phúc là gì? Lấy Thiện đãi người tâm tự an
Sống trên đời, thật khó để có thể mãi mãi chân chính trong suy nghĩ; vì chúng ta là con người, hỷ nộ ái ố là tất nhiên. Nhưng khi nào bạn còn có thể để cái thiện đánh thức mình; khi nào bạn còn giật mình thảng thốt, cảm thấy hối hận về những suy nghĩ hay việc làm sai lầm; thì khi đó bạn vẫn còn có thể giữ lại sự thiện lương.
Nhiều người vẫn có suy nghĩ lệch lạc về chữ thiện. Họ buôn gian bán lận, làm đủ mọi điều gây tổn hại người khác; sau đó họ góp tiền vào các nhà từ thiện; họ xây đường đắp cầu và cho rằng hành động đó là tích thiện, giải nghiệp.
Thiện không thể đổi bằng tiền; nếu tiền có thể mua thiện, bán nghiệp thì có lẽ trên đời sẽ chẳng còn điều đau khổ nữa. Việc tốt phải xuất từ nội tâm và không cầu hồi báo! Bạn tự nguyện chia sẻ một điều gì đó của mình; bạn tự nguyện chịu thiệt thòi về mình để người khác tốt hơn, ấy mới là thiện!
Mỗi con người đều tồn tại hai mặt thiện ác; chúng đấu tranh nhau để con người tự rèn luyện mình. Nếu cái thiện chiến thắng trong cuộc chiến của chính mình, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và dường như cái “tâm” của mình được nâng lên. Bí quyết hạnh phúc là đây chứ nào ở đâu xa.
Nhẫn nại
Trong tiếng Hán, chữ Nhẫn (忍) được cấu tạo từ hai chữ Nhận (刃 – lưỡi đao) và chữ Tâm (心 – tim). Đại ý có thể hiểu rằng, Nhẫn nghĩa là bạn phải chịu đau đớn như bị dao khứa vào tim vậy; chảy máu nhưng vẫn không kêu la.
Nhẫn là một trạng thái chỉ sự nhịn nhục. Trước mọi cay đắng, sỉ vả nhưng bản thân ta vẫn chịu đựng và không hề chấp. Không nói đâu xa, ngay như việc chờ đèn đỏ; khi đèn chuẩn bị chuyển từ vàng sang đỏ, có mấy ai đủ bình tĩnh và nhẫn nại để dừng lại; hay là cố sức phóng vụt đi?
Có người cho rằng, sống là phải giành giật, phải biết tranh đoạt những điều lợi về mình. Đúng là bạn đã giành được thật; nhưng thứ bạn mất lại còn lớn hơn nhiều, bạn mất đi sự an ổn, bạn mất đức, mất đi bạn bè…
Nhẫn để chấp nhận ở phía sau, nhẫn để đủ độ lượng nhường nhịn cho những người yếu thế. Tôi đã từng một thời chạy theo lối sống hối hả ấy. Tôi ganh tỵ với những ai có thứ mình không có; tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi 30 giây bên cây đèn giao thông; tôi thích lấn về phía trước khi mua đồ; tôi thích tranh những thứ đẹp nhất, nhiều nhất, lợi nhất.
Một điều nhịn là chín điều lành
Rồi từ khi tôi hiểu thế nào là Nhẫn, tôi chợt nhận ra những điều mình làm là sai! Tôi có thể chấp nhận trễ 30 giây cho công việc của mình để dừng đúng lúc đèn vàng vừa sáng. Tôi cảm thấy thoải mái khi dừng lại lúc bản thân đang gấp gáp; 30 giây đó khiến tôi thấy nhẹ nhàng.
Tôi chấp nhận nhẫn để nhường những người muốn mua một món đồ nào đó; vì sau khi nhường, họ mỉm cười với tôi và nói “Cám ơn!”.
Nhẫn cũng không phải là uất hận, nó phải từ trong tâm chứ không chỉ là bề ngoài. Bạn chỉ nuốt cục tức đó vào trong rồi về nhà gặm nhấm nó. Bạn cho rằng mình đã nhẫn rất tốt nhưng thực tế không phải vậy. Tâm bạn vẫn mang nó, bạn không hề thấy thoải mái trong sự nhẫn nhịn của mình. Vậy đó chẳng phải là nhẫn!
Nhẫn cũng không phải là hèn yếu; nó thể hiện một cảnh giới cao hơn của tâm thức. Nhẫn một chút sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Những việc người khác tỏ ra tức giận còn bạn thì không; người khác sốt ruột lóng ngóng, bạn vẫn điềm nhiên đọc báo.
Bí quyết hạnh phúc của tôi chỉ gói gọn trong 3 chữ “Chân Thiện Nhẫn”; nó không ở đâu xa mà nằm ở trong mỗi chúng ta. Quá trình tu dưỡng cũng là tìm về với chính bản thân mình.