Một câu chuyện về sự thay đổi của nàng dâu mẹ chồng và 4 cách giúp con dâu hoà thuận với mẹ chồng.
Con dâu trách mẹ chồng cay nghiệt
Chuyện kể rằng, ở huyện Hưng Hóa (Trung Quốc) có một thương nhân tên là Mã Văn An; anh là người hiểu biết lễ nghĩa. Vợ của anh tên là Ngô Thị, vừa xinh đẹp mà cũng rất lanh lợi. Ngô Thị quản lý việc trong gia đình rất tốt nhưng lại có chút ương bướng và mang tâm oán giận mẹ chồng. Vì vậy mà mẹ chồng nàng dâu thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với nhau.
Mỗi lần Mã Văn An trở về nhà là mẹ và vợ lại thay nhau kể ra những cái sai của đối phương. Mẹ chồng nói con dâu bất hiếu, con dâu lại nói mẹ chồng cay nghiệt, nhẫn tâm. Cả hai đều cho là mình đúng, không ai nhường ai. Điều này khiến cho Mã Văn An rơi vào tình thế rất khó xử. Nhưng Mã Văn An biết rõ là vợ mình không muốn vâng lời mẹ chồng. Vì vậy anh mới nghĩ cách để cho vợ hiểu ra được cái sai của mình.
Người chồng tìm cách để cho vợ sửa đổi
Một ngày nọ, khi Ngô Thị tiếp tục nói xấu mẹ chồng thì Mã Văn An liền an ủi vợ: “Mẹ có tuổi rồi nên đôi khi hay nói nhiều, anh cũng biết thế. Anh đã suy nghĩ kỹ rồi, anh muốn hai đứa mình ra ở riêng. Chỉ là bây giờ nếu chúng ta đột nhiên bỏ đi nơi khác sống thì sợ người ngoài sẽ trách móc.
Vì vậy anh mong em có thể tạm thời nhẫn nhịn trong một hoặc hai tháng. Thời gian này em chịu khổ một chút; tận tâm phụng dưỡng mẹ, để cho mọi người đều thấy là em hiếu thuận, là mẹ không tốt, rồi sau đó chúng ta sẽ chuyển ra ngoài sống. Như vậy thì mới không bị người ngoài dị nghị”.
Ngô Thị nghe xong vẫn tỏ ra rất khó chịu, Mã Văn An lại nói: “Chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển ra ngoài thôi. Thời gian này em cứ coi mẹ như là khách của chúng ta mà tiếp đãi ân cần, như vậy có gì khó xử đâu?”
Thế là Ngô Thị đồng ý với chồng, từ hôm đó đối xử với mẹ chồng rất vui vẻ hòa nhã, thuận theo ý bà mà phụng dưỡng. Mẹ chồng thấy con dâu thay đổi, cái gì cũng thuận theo ý mình nên rất hài lòng. Từ đó bà cũng thông cảm với con dâu hơn. Kết quả khiến cho những xô xát hàng ngày giữa hai người không còn nữa, mà thay vào đó là sự hòa thuận.
Hoàn cảnh gia đình bỗng nhiên trở nên tốt hơn
Mấy hôm sau, Mã Văn An thấy vợ không còn kể lể trách móc mẹ chồng nữa, anh mới hỏi: “Gần đây mẹ đối xử với em như thế nào?”
Ngô Thị nói: “Tốt hơn trước đây một chút rồi”.
Mã Văn An lại nói với vợ: “Em đã tốt hơn một chút rồi, em nên phụng dưỡng mẹ tốt hơn nữa để cho tất cả mọi người đều biết; như thế anh mới có thể dẫn em ra ngoài sống được”. Ngô Thị nghe xong thì vui vẻ ưng thuận.
Lại thêm một thời gian nữa, Mã Văn An lại hỏi Ngô Thị: “Mẹ đối xử với em thế nào rồi?”
Ngô Thị trả lời: “Bây giờ mẹ đối xử với em rất tốt. Em không muốn hai đứa mình ra ngoài ở nữa. Em tình nguyện phụng dưỡng mẹ, làm một người con hiếu đạo”.
Muốn thay đổi người khác, trước tiên hãy thay đổi chính mình
Mã Văn An vui vẻ nói: “Ý định ban đầu của anh chính là muốn em chịu hiếu thuận với mẹ. Trước đây em phàn nàn với anh rằng mẹ hay dài dòng, khó chăm sóc; anh đã sớm hiểu rõ, đây là do em không chịu mở lòng chiếu cố mối quan hệ với người già.
Nhưng lúc đó em đang nổi giận, trong tâm chỉ nghĩ người khác không đúng, chứ không khi nào chịu nghĩ là mình sai. Anh lúc đó dù có nói em sai thì em cũng không chấp nhận. Yêu cầu em đối xử tốt với mẹ thì em lại càng không thể làm được. Vì vậy anh mới bất đắc dĩ mà dùng biện pháp này, khiến cho em tạm thời nhẫn nại, nguyện ý phụng dưỡng mẹ, cải biến đi cái tính ương ngạnh của em”.
Người xưa nói: “Biết làm con dâu sẽ không có mẹ chồng ác”, quả thật là rất chí lý. Câu nói này cũng không phải là đổ hết lỗi cho con dâu mà là hãy cố gắng xem lại cách đối nhân xử thế của mình và tìm cách sửa đổi. Thiện tâm có thể làm cho đá tan chảy, con dâu cứ đối xử tốt với mẹ chồng thì mẹ chồng cũng không thể cứ mãi cay nghiệt phải không?
4 cách giúp con dâu hòa thuận với mẹ chồng
Coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình
Nhiều người hay nói con dâu ‘khác máu tanh lòng’, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nếu con dâu đối xử chân thành với mẹ chồng, coi mẹ chồng cũng như mẹ ruột của mình mà phụng dưỡng chăm sóc thì dần dần mẹ chồng cũng sẽ đối xử lại như vậy.
Nếu cứ mang tâm đề phòng, giữ khoảng cách, thì mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu cũng khó có thể tiến xa hơn được. Các nàng dâu hãy cứ nhớ rằng, chỉ có chân thành mới đổi được chân thành mà thôi.
Nhập gia tùy tục
Con dâu từ nơi khác đến nhất định sẽ có nhiều khác biệt về cách sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Lúc đó không nên cứ giữ khư khư lấy phong tục của địa phương mình; quan trọng nhất vẫn là nhập gia tùy tục, đi tới đâu thì theo văn hóa ở đó. Đặc biệt đi tới nhà chồng thì nên thuận theo nhà chồng; như vậy thì cuộc sống mới ít xảy ra rắc rối.
Trước tiên ‘thuận theo’, sau đó mới giải thích
Khi thấy mẹ chồng đưa ra yêu cầu nào đó, dù nghe rất vô lý nhưng cũng cứ tạm thời ‘thuận theo’. Sau đó, đợi khi mẹ chồng vui vẻ thì có thể từ từ tìm cách giải thích một cách nhẹ nhàng cho mẹ chồng hiểu, như vậy thì mẹ chồng mới có thể nhận ra được sự vô lý của mình.
Còn nếu như lập tức phản bác lại mẹ chồng thì xích mích xảy ra là điều khó tránh khỏi. Tốt nhất là nên cho nhau một khoảng hòa hoãn, cứ từ từ giải thích rồi việc gì cũng sẽ êm xuôi.
Đừng bắt chồng phải lựa chọn giữa mẹ và vợ
Vạn bất đắc dĩ khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng thì phải ráng hết sức nhẫn nhịn, không nên nói những lời quá phận kẻo sau này có hối cũng không được nữa. Và đặc biệt là không được bắt chồng phải lựa chọn giữa mẹ và mình, làm như thế thì chỉ khiến cho mâu thuẫn ngày càng gay gắt hơn; thậm chí là phá hỏng cả cuộc hôn nhân.
Con dâu không nên chỉ mãi trách mẹ chồng cay nghiệt, mà còn phải nhìn lại chính bản thân mình và tìm cách sửa đổi để trở nên tốt hơn.
Tổng hợp