Cuộc sống luôn chật vật giữa nắm lấy và buông bỏ. Thông thường người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm. Thực ra những ai biết buông hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách, sẽ không phải chìm trong đau khổ.
- Bí quyết trường thọ: 5 thói quen mỗi ngày
- Lấy nhu thắng cương – Bài học cuối cùng người thầy dành cho Lão Tử
- ‘Thiên tài toán học’ bất ngờ xuống tóc đi tu, sinh viên xuất sắc trường Harvard chọn tu ngay giữa đời thường
Tôi ngồi một mình bên ly cà phê. Tôi cảm nhận được vị lạnh của đá, vị đắng của cà phê. Tôi đang đối diện với chính mình và ngẫm về sự đời, về việc nắm lấy và buông bỏ. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà tôi đã từng được nghe giữa cô gái và một vị thiền sư về buông bỏ:
Khi đau thì sẽ buông tay
Một cô gái đến tìm một vị thiền sư, cô hỏi:
– Thưa thiền sư, con muốn buông bỏ một vài thứ. Nhưng con lại cảm thấy không thể, con mệt mỏi quá.
Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm lấy. Rồi ông liên tục rót nước nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay. Cô gái bị nước nóng tràn vào tay, phản xạ tự nhiên khiến cô buông tay làm vỡ cốc.
Lúc này vị thiền sư từ tốn nói: “Đau rồi tự khắc sẽ buông!”
“Đau” chính là những khổ đau, tổn thương, những vấp ngã trong đời. Đôi khi những việc này xảy đến mới giúp người ta buông bỏ đi những điều trĩu nặng lên tinh thần như tham vọng, buồn bã, vị kỷ, nóng giận…
Không phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ vững vàng để có thể buông ngay. Nhưng một khi không muốn tim phải đau thêm nữa, không muốn nước mắt phải chảy thêm nữa thì ta phải học cách buông bỏ thôi.
Buông bỏ được mới nắm đúng được
Buông lúc nào và nắm lúc nào, đó chính là sự tinh tế của kiếp nhân sinh. Buông đúng lúc, nắm đúng cách ta mới mới có được sự bình yên, an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hành lại khó làm sao! Mà khó nhất lại chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm đúng!
Có một câu chuyện giữa thầy giáo và học sinh. Thầy giáo hỏi: “Giả dụ các em đang đun một nồi nước trên bếp củi nhưng khi mới đun được một nửa thì củi sắp hết. Các em sẽ làm thế nào?”. Có em nói là sẽ sang hàng xóm xin ít củi. Có em trả lời sẽ ra ngoài mua thêm. Thầy giáo liền đáp: “Sao không ai nghĩ đến việc đổ bớt nước trong nồi đi nhỉ?”
Có lẽ là nên như vậy. Mọi chuyện trên đời này có được ắt có mất. Khó có thể nào có được tất cả những gì mình muốn. Sẽ đến lúc bạn hiểu ra, bạn phải mất thì mới được. Có thể là mất công mất sức, có thể là mất tiền, có thể là mất đi những tham vọng này khác, để đạt được cái gọi là hạnh phúc và bình yên trong tâm.
Cuộc sống cần sự bình yên trong tâm
Với nhịp sống hối hả này, sẽ có lúc bạn và tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Điều nên làm vào những lúc đó không phải là gồng mình lên, gắng gượng hết sức mà nên thả lỏng bản thân, cho phép mình được thư giãn. Khi cảm thấy tinh thần đã bình yên thì mới nên tiếp tục làm những việc còn đang dang dở. Kết quả sẽ có thể tốt đến không ngờ. Ngược lại, nỗ lực một cách cố chấp thì có thể sẽ làm hỏng việc mà thôi.
Hơn nữa, phải buông đi thì mới có thể còn rảnh tay mà nắm những cái khác. Bạn có nhớ chuyện gấu bẻ bắp ngô không. Con gấu bẻ được một bắp ngô, kẹp vào nách. Rồi lại đưa tay hái một bắp ngô khác, bắp ngô trước liền rơi xuống đất. Vậy nên hãy biết buông để có thể nắm được.
Theo Mfvietnam