Chuyên gia giáo dục Tôn Kính Tu nói rằng: “Đôi mắt của trẻ là máy quay phim, và tai của trẻ là máy ghi âm. Lời nói và việc làm của cha mẹ là ánh sáng mặt trời hữu ích nhất mà không gì có thể thay thế được đối với tâm trí của trẻ vị thành niên”, vì vậy cha mẹ tốt phải luôn là tấm gương cho con cái học hỏi theo.
- Gia đình là nơi thân thương nhất trên thế giới này
- Hạnh phúc cho con trẻ không đến từ những thứ đắt tiền
Trên thế giới này không có cha mẹ nào là hoàn hảo, cũng không có kiểu giáo dục của gia đình nào là hoàn mỹ cả, nhưng cha mẹ tốt sẽ không bao giờ làm 4 việc này trước mặt con cái:
1. Không phàn nàn về sự đau khổ của cuộc sống trước mặt con
Cha của Hân Hân là giám đốc kinh doanh của một công ty. Sau bao nhiêu năm cố gắng cuối cùng cũng có được một vị trí lãnh đạo nho nhỏ. Nhưng ở nhà Hân Hân không bao giờ cảm nhận được khả năng giải quyết công việc và kỹ năng ăn nói của cha mình.
Hân Hân nói rằng, mỗi lần cha về nhà là lại thấy ông phàn nàn về việc ông ấy làm việc chăm chỉ như thế nào; ông ấy mệt mỏi như thế nào; cấp dưới của ông vất vả ra sao…
Vì vậy mà Hân Hân đã mau chóng học tính phàn nàn của cha; em nói rằng mình có nhiều bài tập về nhà ra sao; thầy giáo nghiêm khắc như thế nào; rồi hôm nay lại đến phiên em phải trực nhật…
Khi cha của Hân Hân nghe thấy con gái phàn nàn như vậy thì lập tức nổi giận và phạt con phải đứng vào góc tường.
Vừa thả mình trên ghế sofa anh vừa tức giận mà nói với con gái: “Con mệt cái gì? Mỗi ngày ngoại trừ đọc mấy cuốn sách, ăn, rồi ngủ, có gì mà mệt chứ?
Cha vừa phải kiếm tiền nuôi gia đình, lại còn phải lo mấy việc vớ vẩn này của con; rồi còn điểm số bao giờ mới nâng lên đây? Cho con tiền đi học thêm thật là uổng phí”.
Hân Hân đứng im lặng ở trong góc tường…
Cha mẹ phàn nàn thì con cái cũng học theo
Mẹ về nhà và bắt tay vào nấu nướng, vừa nấu cũng vừa phàn nàn về mọi thứ; than phải đi làm mệt mỏi; về nhà lại còn phải nấu cơm… rằng hai cha con chỉ biết ngồi chờ ăn; không có biết làm cái gì hết…
Ngày nào cũng như ngày nào, cha phàn nàn, con gái phàn nàn, mẹ phàn nàn…
Cha mẹ hay phàn nàn cũng làm con cái của họ bắt đầu phàn nàn một cách vô nguyên tắc. Việc này không tốt cho sự hòa thuận của gia đình cũng như sự phát triển lành mạnh của trẻ.
2. Cha mẹ tốt sẽ không cãi nhau trước mặt con cái
Chắc hẳn ai cũng từng ít nhiều trải qua cảnh bố mẹ cãi nhau trước mặt trong thời thơ ấu. Tâm trạng lúc đó thường là bất an, lo sợ, buồn bã, rối loạn…
Có một cư dân mạng đã chia sẻ rằng, cô ấy là giáo viên mẫu giáo, có lần một cậu bé đã nói với cô rằng: “Cô ơi, nếu nhảy xuống từ tầng 5 thì có chết không”.
Cô giáo ngạc nhiên hỏi cậu bé: “Sao con lại hỏi như thế? Dù nhảy xuống từ tầng nào thì cũng nguy hiểm hết”.
Cậu bé nói rằng: “Khi cha mẹ cãi nhau, họ thường nói sẽ cùng nhau nhảy xuống tầng năm. Nếu họ chết, con cũng sẽ chết cùng họ; con không muốn bị bỏ lại một mình”.
Cô giáo nghe mà toát mồ hôi, cô vội vàng dỗ dành bé: “Bố mẹ thương con lắm, chỉ là lúc giận nhau thì nói lung tung vậy thôi. Đừng bao giờ suy nghĩ như vậy nữa nhé”.
Những đứa trẻ không thể hiểu được tại sao những người thân thiết lại dùng ngôn ngữ ác độc nhất để làm tổn thương nhau.
Không phải cha mẹ nào cũng có thể làm tốt ngay từ đầu, nhưng cần phải không ngừng cải thiện bản thân mình; cố gắng kìm nén cảm xúc, đừng làm ra những thứ gây ảnh hưởng đến tâm trí trẻ.
3. Không ‘than nghèo’ trước mặt trẻ
Cha mẹ vẫn thường giáo dục con cái là phải khổ trước sướng sau. Câu này cũng không có vấn đề gì, nhưng càng về sau người ta càng diễn giải nó sai đi – bất kể điều kiện gia đình như thế nào thì họ đều bắt con cái phải chịu khổ thật nhiều.
Những bậc cha mẹ thích ‘than nghèo’ rất dễ giáo dục con cái trở thành một người nghèo thực sự.
Ở trên mạng từng có một bài viết như sau: Con gái được bố mẹ dạy tiết kiệm tiền và không được mua đồ tùy tiện. Tiền ở nhà hết rồi, không có gì để ăn. Hầu hết đồ chơi và quần áo đều là đồ người khác cho.
Cô bé chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, nghĩ rằng nhà rất nghèo nên dần dần không còn xin tiền để mua đồ ăn vặt hay đồ chơi nữa. Mẹ của cô bé lúc đầu rất vui nhưng về sau thì mới phát hiện ra:
Con gái bắt đầu ăn chực đồ ăn vặt của những đứa trẻ khác. Mỗi khi về nhà bé thường nhặt những chai rỗng bên vệ đường.
Bởi vì không có đồ chơi nên mỗi ngày đều đến nhà bạn để chơi ké; thậm chí còn tiết kiệm tiền ăn sáng để mua đồ ăn vặt.
Dần dần cô bé trở nên thiếu tự tin, ít nói, thậm chí còn tỏ ra nịnh hót bạn bè chỉ để được ăn một chút đồ ăn vặt và chơi một món đồ chơi.
Rõ ràng là một đứa trẻ ngoan nhưng lại bị cách giáo dục ‘than nghèo kể khổ’ làm thành một người tự ti, nịnh hót.
4. Cha mẹ tốt sẽ không nói dối trước mặt trẻ
Có nhiều người cứ hay nói dối trước mặt trẻ mà không một chút kiêng dè. Điều này sẽ tạo thành thói quen không tốt cho trẻ; lớn lên chúng cũng sẽ coi việc nói dối là rất bình thường.
Là cha mẹ, đôi khi để tránh một số rắc rối nên chúng ta sẽ tìm một vài lý do nghe có vẻ ‘hợp lý’ để trốn tránh; nhưng chúng ta không thể làm điều đó trước mặt con cái.
Nếu bạn nói dối tùy tiện trước mặt trẻ thì sẽ rất dễ dẫn đến tình huống:
“Mẹ lừa dì là không được ăn khi ốm, vậy sao con lại không được lừa cô giáo là ốm thì không nên đi học?”
“Vì sao người khác đến vay tiền mẹ, rõ ràng trong nhà có tiền mà mẹ lại nói là phải để dành tiền để mua nhà khác?”
Cha mẹ thường nói dối nhưng lại yêu cầu con cái không được nói dối; vậy thì làm sao có thể làm gương cho con cái được.
Theo Aboluowang