Lâm Tắc Từ là một vị trọng thần vào cuối thời nhà Thanh, ông không chỉ là một chính trị gia, một nhà quân sự lỗi lạc; mà còn là một nhà văn và nhà giáo dục hiếm có. Ông đã truyền lại 10 điều răn dạy vô cùng hữu ích cho thế nhân suy ngẫm.
Tương truyền, tháng 9 năm 1839, sau khi Lâm Tắc Từ đi tuần tra ở Ma Cao, ông đã viết mười câu châm ngôn được gọi là “Thập vô ích” (10 điều vô ích), dưới chân cầu Hải Ấn, trên sông Châu Giang, toàn văn như sau:
Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.
Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích.
Anh em bất hòa, bè bạn vô ích.
Phẩm hạnh bất chính, đọc sách vô ích.
Làm việc ngang ngược, thông minh vô ích.
Kiêu căng ngạo mạn, học nhiều vô ích.
Làm giàu bất nhân, tích trữ vô ích.
Chiếm đoạt của người, bố thí vô ích.
Không quý thân mình, uống thuốc vô ích.
Dâm dật kiêu xa, sĩ đồ (con đường làm quan) vô ích.
Mặc dù chỉ với 10 câu ngắn gọn, nhưng lại bao hàm mọi khía cạnh của cuộc sống, đối với người hiện đại vẫn có ý nghĩa giáo dục và giá trị sâu sắc.
1. Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích
Nếu như tâm không thiện, thì dẫu có nghiên cứu phong thủy tới mấy cũng không có tác dụng.
Có những người mà bình thường vô cùng chú trọng về phong thủy, thật tình họ không biết rằng, điều thực sự ảnh hưởng tới phong thủy chính là tâm tính của chúng ta. Nếu như tâm không giữ thiện niệm, luôn làm tổn hại người khác để lợi cho mình, hành xử trái với đạo trời, nhất định sẽ chiêu mời oán khí. Trong hoàn cảnh như thế, khó mà đắc được phong thủy tốt.
2. Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích
Bất cứ chuyện gì cũng đều có nhân quả tuần hoàn. Mỗi lời nói hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng tới con cái. Lúc chúng ta đối với cha mẹ không hiếu thuận, thì con cái lẽ nào có thể hiếu thuận với ta? Người bất hiếu thì dẫu có cầu Thần bái Phật cũng vô ích.
3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích
Sử gia Tư Mã Thiên từng viết trong Sử ký: “Áo vải lập giáo khắp bốn phương, cha nghĩa mẹ hiền, anh em kính trọng, con cái hiếu thảo, trong ngoài bình an”.
Nếu ví gia đình như một cái cây, thì cha mẹ là gốc rễ, anh chị em là thân cành, thân cành phải nên tương hỗ nhau, gia đình mới có thể tươi tốt. Một người có trách nhiệm, biết yêu thương, chăm sóc và đùm bọc anh chị em của mình, thì tất nhiên đối đãi với đồng nghiệp và bạn bè cũng hết lòng quan tâm.
Ngược lại, anh em bất hòa, họ hàng mâu thuẫn, chuyện gì cũng chỉ vì bản thân, thì loại người đó tất với ai cũng ích kỷ.
Nói cách khác, nếu mối quan hệ giữa anh em không thể giải quyết tốt mà bên ngoài kết bạn nhiều hơn nữa thì có ích gì?
4. Phẩm hạnh bất chính, đọc sách vô ích
Khổng Tử từng nói: “Tu học để tích trữ năng lực, trong tu nhân đức, ngoài tu lễ nghi. Đọc sách vì để thành bậc quân tử, có thể lợi mình lợi người, vì xã hội, vì quốc gia mà cống hiến”.
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, đọc sách vốn là điều rất tốt. Đọc sách không chỉ tích lũy tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trở nên phong phú đẹp đẽ. Tuy nhiên, những người có tâm bất chính thì đọc càng nhiều, biết càng lắm thì lại càng có hại.
5. Làm việc ngang ngược, thông minh vô ích
Hành vi quái đản, hành xử cực đoan, cố chấp, tư tưởng bất minh không nói tình lý.
Một người làm việc ngang ngược, không quan tâm tới mọi người xung quan thì dẫu thông minh cũng chỉ mang tới tai họa, thông minh quá sẽ bị thông minh hại.
6. Kiêu căng ngạo mạn, học nhiều vô ích
Người dù có học thức phong phú đến mấy, nhưng không thể nghe được những thứ bất đồng, kiêu căng ngạo mạn, như vậy thì học nhiều cũng vô ích.
Khi một người quá tự cao tự đại, làm việc khó mà thành công; bởi họ không có sự khiêm tốn nên dễ thiếu cẩn trọng, lại chẳng được lòng người. Càng cao ngạo thì càng dễ vấp ngã.
7. Làm giàu bất nhân, tích trữ vô ích
Của cải phi nghĩa, tiền bạc kiếm được từ sự bất chính thì lòng sao có thể an ổn?
Người xưa thường nói “của thiên trả địa”, thứ không thuộc về mình thì cũng sớm tìm cách rời đi. Có những câu chuyện, mà cha thì nỗ lực vơ vét tiền của bất chính, con cái lại phá gia chi tử, hoặc thân nhân bệnh tật quanh năm, tiền bạc cũng vì thế mà đội nón ra đi hết.
8. Chiếm đoạt của người, bố thí vô ích
Có những người đã làm rất nhiều chuyện xấu, tài sản có được cũng là do chiếm đoạt của người khác, lại cho rằng chỉ cần bố thí cho người nghèo, góp tiền xây chùa tháp là có thể xóa tội. Nhưng nào có đạo lý đó, tài vật chẳng của mình, bố thí cũng vô ích. Làm việc xấu thì ắt phải chịu báo ứng.
9. Không quý thân mình, uống thuốc vô ích
Người không biết trân quý thân thể mình thì thuốc quý tới mấy cũng vô ích.
Nếu một người không biết thương quý cơ thể mình, thường xuyên thức khuya, ăn khuya, sinh hoạt vô độ, thậm chí làm những việc gây tổn hại tới sức khỏe như hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích,.. Lâu ngày khiến tổn thương nguyên khí, dẫu có dùng đủ loại thuốc tốt cũng vô nghĩa.
Vậy nên chúng ta cần phải biết yêu thương bản thân mình, có một lối sống lành mạnh, thói quen sinh hoạt điều độ.
10. Phóng túng dâm dục, tiền đồ vô vọng
Phóng túng dâm dục, tổn hại phúc đức. Nếu cuộc sống quá xa xỉ, lãng phí, hoang dâm vô độ thì chắc chắc sẽ tổn hại âm đức. Như vậy những thứ tốt vốn được an bài cho bản thân có thể sẽ bị hủy đi mất; có người học rộng tài cao mà thi đâu rớt đấy, làm đâu hỏng đó, cũng có thể là do phóng túng dâm dục mà ra.
Trên đây là 10 điều vô ích mà người xưa răn dạy, tránh xa những điều này thì con người sẽ có cuộc sống tốt đẹp.
Theo Vision Times