Thân gái lấy chồng xa quê, cuộc đời của chị Lâm Uyên gửi gắm hết vào gia đình nhà chồng. Nhìn người chồng khỏe mạnh và phúc hậu, ai ngờ rằng anh bị tai nạn và mất trí nhớ khi còn rất trẻ; kéo theo đó là chuỗi ngày bất hạnh của chị Uyên. 15 năm đằng đẵng chịu bao gian khổ, cuối cùng chị cũng có cơ duyên đắc được Phật Pháp, cuộc đời chị đã bước sang trang mới kể từ đây…
Hạnh phúc chẳng tày gang
Chị Đồng Lâm Uyên, sinh năm 1984, quê tại Quảng Ninh. Vốn là người có niềm tin tín ngưỡng nên chị Uyên thường xuyên đi lễ chùa. Trong một lần đi chùa, chị quen biết anh Lê Anh Đức, quê tại Hải Dương. Sau một năm tìm hiểu, cả hai đã quyết định kết hôn về chung một nhà.
Trước khi lấy chị Uyên, anh Đức đã đi làm ăn ở nước ngoài được 5 năm. Sau khi về nước lấy vợ, anh Đức bay sang Italia tiếp tục công việc. Anh định khi nào ổn định thì sẽ đưa vợ sang sum vầy, nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Làm ăn chưa đầy một năm, anh Đức bị tai nạn mất hoàn toàn trí nhớ và buộc phải về nước.
Về đến nhà, tình trạng bệnh của anh ngày một chuyển biến xấu. Ban đầu thì nhớ nhớ, quên quên; lúc thì bảo mình bị tai nạn ô tô, lúc thì bảo bị đánh. Anh rơi vào tình trạng mất ngủ thường xuyên, hầu như thức trắng đêm ngày; trạng thái cảm xúc cũng khó kiểm soát, lúc hiền lành, lúc lại dữ dằn.
Nhiều căn bệnh khác cũng phát sinh khiến gia đình phải đưa anh nhập viện liên tục. Chị Uyên lại đang mang bầu ở những tháng cuối. Khi đưa chồng vào viện, chị Uyên cũng chuyển dạ và sinh luôn tại phòng cấp cứu. Vừa phải chăm mình, vừa phải chăm con sơ sinh, lại vừa phải chăm chồng mất trí nhớ. Những chuỗi ngày khổ đau bắt đầu đến với cuộc đời của chị Uyên.
Chồng mất trí nhớ khiến áp lực cuộc sống của chị càng thêm nặng nề
Cả gia đình nghĩ rằng bệnh của anh Đức là bệnh âm dương nên phải cúng bái. Gia đình chị đi khắp nơi dâng lễ, cầu xin Thần Thánh phù hộ. Ai mách gì làm nấy, tiền mất hàng trăm triệu nhưng bệnh tật của anh vẫn không thuyên giảm.
Để nuôi sống gia đình, gánh nặng kinh tế trĩu lên đôi vai chị Uyên. Chị thuê cửa hàng, kinh doanh dịch vụ điện tử, và mở thêm quán nước vỉa hè. Một tay bế con, một tay pha nước cho khách, một tay dắt xe, một tay trông nom cửa hàng… Chị như con thoi, quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến tối khuya. Nhưng công việc này không kéo dài được bao lâu thì chồng chị liên tục kêu đau đầu. Anh Đức không chịu được tiếng ồn, phố xá, mọi âm thanh anh đều không chịu được. Bệnh của anh phát nặng thêm. Không còn cách nào khác, chị Uyên đành phải tìm căn nhà trong ngõ yên tĩnh.
Chị lại vất vả mưu sinh, nhưng khi chị đi làm, anh Đức lại hay bỏ nhà đi lang thang. Anh cứ ngồi mãi ở một quán nào đó của người thân và nhất quyết không chịu về nhà. Anh thường xuyên bỏ bữa nên người ngày một gầy yếu. Thương chồng, chị Uyên đành phải ở nhà để chăm chồng con. Cả gia đình giờ sống tiết kiệm với đồng lương về hưu ít ỏi mà bố chồng cho chị.
Nỗi oán hận chồng chất khi người chồng luôn đánh đập, đuổi chị ra khỏi nhà
Thần kinh không ổn định, trí não không còn minh mẫn nên tính khí của anh Đức rất thất thường. Lúc bình thường thì hiền lành, ngồi yên một chỗ; lúc phát bệnh thì hành vi loạn xạ. Không ai làm gì anh cũng kiếm chuyện, vợ nhìn thì anh nói: “Mày nhìn đểu tao à?”, rồi lao vào đánh vợ. Công tắc điện trong nhà anh cũng yêu cầu chị: “Bật ngón trỏ, tắt ngón cái”. Nếu chị làm không đúng, dù anh không cần theo dõi cũng phát hiện ra và đều yêu cầu chị phải làm lại…
Biết được tính khí của chồng nên chị luôn làm theo yêu cầu của chồng. Tuy anh Đức tự vệ sinh cá nhân nhưng hàng ngày anh thải ra rất nhiều đờm và nhổ lung tung. Vừa phải phục vụ chồng, vừa phải dọn dẹp những thứ ghê bẩn đó, chị Uyên luôn cảm thấy khó chịu trong lòng. Đã vậy, anh còn thường xuyên đánh vợ và đuổi vợ đi. Nỗi oán hận chồng chất lúc nào cũng xâm chiếm tâm can chị…
Người chồng mất trí nhớ và không nhận ra ai ở trong nhà
Sống trong cùng một mái nhà, có người gọi mình bằng chồng, bằng bố nhưng lại không hiểu được vì sao như vậy. Anh Đức thường xuyên nói: “Tao có phải chồng mày đâu mà gọi”, “Tao có phải bố mày đâu mà cứ gọi bằng bố”… Chị Uyên giải thích thế nào anh cũng không nghe, không hiểu. Cuối cùng đành nói: “Con đã gọi quen như thế rồi thì cứ để nó gọi thế”.
Bé Hương – con của hai anh chị, sớm hiểu được hoàn cảnh gia đình nên ngay từ bé rất ngoan ngoãn và nghe lời. Cũng có lần con tủi thân nói với chị: “Bố không nhận con là con của bố…”. Nuốt nước mắt vào trong, chị luôn an ủi con…
Một lần, con bé vui mừng quá đỗi khiến chị Uyên nhớ mãi. Con vui sướng gọi điện cho bà nội, khoe với bà, với mẹ: “Bố nhận ra cháu rồi bà ơi…!”. Ấy là vì bé Hương đi học về, không biết bố đang ở bên ngoài nên khóa cửa lại, anh Đức sợ quá vội gọi: “Quỳnh Hương ơi, mở cửa cho bố”. Đây là lần đầu tiên, bé Hương được nghe anh Đức xưng bố. Tưởng bố đã nhận ra mình, đã tỉnh lại, nhưng ngày hôm sau, mọi chuyện lại trở về như cũ…
Cơ duyên đến với Đại Pháp đã làm thay đổi cuộc đời hai mẹ con chị Uyên
Cuộc đời của chị Uyên cứ lặng lẽ trôi đi như vậy, cho đến một ngày cuối năm 2015, tình cờ nghe người hàng xóm nói chuyện về một cuốn sách hay. Bà nói: “Cuốn sách này hay lắm, chỉ có ai đọc nó mới biết là hay, đọc có thể tiêu được nghiệp…”. Đó là cuốn “Chuyển Pháp Luân” của môn Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Vốn có chút hiểu biết về Phật Pháp khi đi chùa nên hai từ “tiêu nghiệp” đã thu hút chị. Chị có nhã ý muốn mượn sách. Một tháng sau chị có cuốn sách trong tay, nhưng đọc được 1/3 quyển thấy ngang ngang nên không đọc nữa.
Đầu năm 2016, chồng chị ngộ độc thức ăn phải cấp cứu tại viện. Nghĩ muốn có cuốn sách đọc cho đỡ buồn, chị Uyên về nhà tìm sách. Ngạc nhiên khi toàn bộ các sách trong nhà bị chuột cắn hết nhưng cuốn “Chuyển Pháp Luân” vẫn còn nguyên vẹn. Thấy lạ nên chị cầm đến viện đọc.
Lần này càng đọc thì càng thấy hay, trong vòng một ngày đã đọc xong cuốn sách. Chị đã hiểu được pháp môn này là gì và có tâm muốn tu luyện. Chị tìm hiểu và biết ở Hải Dương, gần bệnh viện có điểm luyện công. Chị sắp xếp việc chăm chồng phù hợp, có thời gian chị ra điểm luyện công với mọi người.
Từ đó đến nay, dù trải qua bao nhiêu khó khăn, chị Uyên vẫn kiên định tu dưỡng bản thân theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” của Pháp Luân Công. Cũng từ đây, nhiều chuyện tốt đẹp đã đến với gia đình nhỏ vốn bất hạnh của chị.
Chị từ từ không còn oán hận người chồng mất trí nhớ của mình nữa
Chị đọc sách và chăm chỉ tập luyện trong những ngày anh Đức nằm viện. 15 ngày tính từ ngày chị đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”, bệnh tình của chồng chuyển biến tốt đẹp. Ai cũng nói rằng, nằm ở phòng này ít có người ra, chỉ nằm chờ chết thôi. Vậy mà sau 15 ngày, anh Đức được ra viện, dù lúc này phát hiện thêm anh bị ung thư phổi. Ai cũng nói rằng thật kỳ diệu.
Điều chuyển biến lớn nhất có lẽ lại chính từ chị Uyên. Những lời dạy của Sư Phụ Lý Hồng Chí – người sáng lập Pháp Luân Công đã giúp chị như bừng tỉnh. Chị đã hiểu ra vì sao mình phải chịu khổ, lại rơi vào hoàn cảnh này. Tất cả đều là do nợ nghiệp mà ra, muốn thay đổi điều đó thì chỉ có nghiêm túc tu tâm tính.
Chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn mà tu tâm, buông bỏ đi điều xấu từ sâu thẳm trong tâm. Chị Uyên đã từng bước thay đổi bản thân. Chị coi việc phục vụ anh thành việc thật nhẹ nhàng. Chị bớt dần và mất hẳn tính khí khó chịu, ấm ức, oán hận, than trách,… mà thay vào đó là vui vẻ, nhẹ nhàng, quan tâm, chăm sóc chồng chu đáo hơn… Chị không còn coi việc chăm sóc chồng là nỗi khổ cực nữa; chị hiểu sâu sắc rằng mọi việc đều có quan hệ nhân duyên của nó. Thuận theo việc chị thay đổi bản thân, mọi điều tốt đẹp cũng đến với gia đình chị.
Không khí yên bình trong gia đình nhỏ
Một người tu thì cả gia đình đều được hưởng phúc. Gia đình chị Uyên trước đây chẳng mấy ngày bình yên, nhưng từ khi chị tu luyện Đại Pháp, khi tâm tính chị bình an thì chồng chị cũng có nhiều chuyển biến tích cực khó ngờ. Anh không còn nhiều quy định quái gở trong nhà, không còn chửi, đánh và đuổi chị ra khỏi nhà nữa. Bệnh ung thư phổi của anh đã bước sang năm thứ năm nhưng anh vẫn không bị làm sao. Anh cũng không phải đi bệnh viện lần nào, anh ngủ tốt hơn,… Đó là điều kì diệu mà cả gia đình anh cũng phải kinh ngạc.
Bản thân chị Uyên cũng khỏi nhiều căn bệnh như u xơ cổ tử cung, dạ dày. Mẹ chồng chị thấy nhiều điều tốt đẹp xảy đến, bà biết Pháp Luân Công rất tốt nhưng không theo vì bà đang tu tập Tịnh Độ. Bà ủng hộ con dâu tập và luôn dặn con “Tu luyện cho tốt nhé con”. Chị Hương cũng cho con gái của mình đọc sách và tu tập cùng mình từ khi cháu biết đọc sách. Con gái chị cũng trở lên ngoan ngoãn, có ý thức tu dưỡng bản thân, khiến chị rất mừng…
- Pháp Luân Công: Tác dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ
- Pháp Luân Công là gì? Khỏi bệnh nhờ môn khí công hàng triệu người yêu mến
Ánh sáng Phật Pháp mang đến phúc lành
Chị Uyên hiểu rõ hơn ai hết, để gia đình chị có được những ngày bình an, hạnh phúc đến ngày nay đều nhờ vào ánh sáng Phật Pháp. Nếu chị không biết đến Pháp Luân Công, có lẽ chị sẽ mãi không thay đổi bản thân, mãi than thân trách phận mà thôi. Tháng ngày buồn bã đã qua, giờ mẹ con chị có niềm vui tu luyện, có Phật Pháp dẫn lối, hoàn cảnh gia đình cũng ngày càng tươi sáng hơn.
Để biết thêm chi tiết quý bạn đọc có thể liên hệ với chị Uyên qua số điện thoại: 0868 166 330.