Mẹ tôi và bố tôi đến với nhau khi cả hai cùng từng có một gia đình trước đó, chỉ khác một chỗ là vợ cũ của ông mất sớm, còn chồng cũ của bà thì còn.
- 3 câu chuyện tình yêu cảm động vợ chồng nào cũng nên đọc
- Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa – câu chuyện cảm động với bao người
Chồng cũ của mẹ trở thành bạn thân với bố tôi
Mẹ tôi từng tâm sự, thực ra mẹ và người chồng trước vẫn thương nhau lắm; chẳng qua do phía đằng chồng quá quắt nên mới khiến họ không thể sống cùng nhau. Mẹ bế con nhỏ về bà ngoại, rồi mấy năm sau mẹ gặp bố tôi nên vợ nên chồng.
Tuy chia tay rồi nhưng các cụ văn minh lắm. Ông với bố mẹ tôi trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Chồng cũ của mẹ có cuộc sống rất tự do, làm nghề đan lát thủ công mỹ nghệ. Cuộc đời của ông là những chuyến đi; ông được làm nghề mình yêu thích, được đi đây đi đó.
Ông vui tính mà cũng rất tài hoa; ông đến vùng nào người ta cũng yêu quý và đặt hàng. Ông di chuyển liên tục hết vùng này sang vùng khác; đi dọc hết dải đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều. Khi sinh thời, cứ khoảng ít tháng tôi lại thấy ông về nhà tôi chơi. Ông ngồi ăn cơm và uống rượu với bố tôi, nói những chuyện thân mật.
Ông đan ông đục, hai người đàn ông trở thành tri kỷ
Bố và ông coi nhau như tri kỷ. Hai người đàn ông đối ẩm, đánh cờ và nói chuyện rất hợp ý nhau. Sau này tôi hỏi bố, khi nói chuyện, bố và ông có bao giờ nói về mẹ không, bố tôi trả lời “không”. Bố bảo, cả hai người đàn ông đều lấy một người phụ nữ thì còn gì mà nói nữa? Vì có nói gì đi nữa thì cũng chỉ có một bà và hai ông; nói nữa thì cũng có thành hai bà được đâu.
Bố tôi làm mộc, cũng có tiếng ở trong vùng, có nhiều khách đến đặt hàng. Khi khách thấy có một ông đan hàng thủ công mỹ nghệ trong nhà thì họ cũng đặt hàng cho ông luôn. Hai ông cùng nhau, người đan người đục.
Có khi hàng nhiều, ông ở nhà tôi rất lâu. Hai người vừa làm vừa hát. Có lần bố tôi còn tính làm mai cho ông vài cô trong vùng, nhưng ông không chịu. Ông nói thích đi đây đó, lấy vợ làm gì cho khổ vợ khổ con.
Ông đi khắp nơi, mỗi vùng tá túc ít tuần rồi lại khăn gói ra đi. Ông chọn nhà tôi là điểm để trở về. Mỗi lần về ông lại mang rất nhiều đặc sản nơi ông đã đi qua để thiết đãi cả nhà.
Ông trở thành một thành viên trong gia đình
Mẹ tôi kể một chuyện, trước khi sinh anh trai tôi, ông đoán được ngày sinh nên dù ở xa cũng nhanh chóng đi về. Ông mang theo một bao gạo to và một túi cả; vì ông biết nhà tôi lúc đó thiếu thốn lắm.
Ông nói với bố “Anh ướp muối chỗ cá này và để gạo trên kẻo mốc. Thằng này con ông nhưng cũng là con tôi. Chăm sóc con tôi cho tốt”. Hai người cười khà khà mà không có chút ghen tuông nào. Khi tôi lớn, có lần tôi hỏi tại sao mẹ và ông lại tan vỡ. Mẹ khóc và nói rằng đó là nỗi ân hận của mẹ.
Khi ông khỏi bệnh đi tìm mẹ thì mẹ đã có bố tôi rồi; tôi thực sự không biết lúc đó khi gặp lại nhau thì họ cảm thấy như thế nào. Nhưng tôi không dám hỏi thêm, vì đó là điều thuộc về người lớn.
Tôi chỉ biết rằng mẹ đã nói với bố về những gì đã xảy ra. Chính bố là người muốn chồng cũ của mẹ về nhà chơi như một người thân. Họ đã vượt qua mọi trở ngại để hồn nhiên sống như những người bạn. Mà đã là bạn thì phải đối tốt với nhau. Kể từ đó nhà tôi có thêm một thành viên.
Người xưa đối xử với nhau thật văn minh
Cho đến tận bây giờ tôi cũng không sao hiểu được, họ là những người có học thức không cao, vậy mà tại sao lại có thể xử sự được như thế. Họ có thể vượt qua nhiều thứ để sống trong trẻo như thế. Cả một đời rong ruổi, ông nói, cứ đi thôi, lúc nào chết thì có người đóng quan tài hộ rồi (ý nói bố tôi); còn người đội khăn tang thì không cần thiết lắm; vì sống là để yêu thương, nếu đã không thương thì khóc cũng có nghĩa gì đâu.
Rồi một ngày ông mất. Mẹ là người đội khăn xô trong cái đám tang vắng vẻ lành lạnh ấy. Tiễn ông đi rồi, có một người đàn ông ngồi lặng lẽ rất lâu. Tôi hiểu sự im lặng ấy, sự im lặng của một người đã vĩnh viễn mất đi một người bạn tri kỷ. Thời gian trôi đi, rồi bố tôi cũng như ông, đi đến nơi cuối cùng trong hành trình sinh mệnh.
Có những điều đẹp hơn cả tình yêu tồn tại cùng tình yêu, mãi mãi…
Chồng cũ tốt như vậy, sao mẹ lại bỏ?
Chắc nhiều người cũng thắc mắc, một người tốt và tuyệt vời như ông Long, sao lại có thể trở thành ‘chồng cũ’. Bao năm nay tôi cũng tự hỏi điều này, nhưng không dám hỏi mẹ vì đó là sự riêng tư…
Một buổi chiều xuân muộn năm 2021, nhân chuyến về thăm, mẹ tôi đã trải lòng những điều chôn vùi trong quá khứ suốt 70 năm qua…
Mẹ về làm dâu nhà người ta khi mới 20 tuổi, cách nhà mẹ 2 xã, ấy là vào năm 1954.
Cuộc hôn nhân là sự sắp đặt từ phía gia đình. Hồi đó, ông bà ngoại thấy anh thanh niên to cao đẹp trai, hiền lành siêng năng, chuyên làm nghề đan rổ rá, con mồ côi; thấy thương quá nên muốn gả con gái mình cho người ấy.
Mẹ về với ông rồi thì cũng yêu thương gắn bó. Ông đan lát, mẹ cũng đan lát. Cuộc sống cũng tạm ổn, không đói nhưng cũng không giàu có gì. Mẹ sinh cho ông 2 người con gái rất xinh đẹp.
Ông mất cha mẹ từ nhỏ, phải sống nhờ gia đình ông chú, coi chú như cha. Cũng vì vậy mà sau này ông biết ơn và yêu thương hết thảy.
Có lần mẹ hỏi, sao ông lại hào phóng với mọi người như thế? Ông nói, người cho mình thì mình cho lại, đó cũng là cái nghĩa. Mẹ hiểu và tôn trọng lối sống đó của ông; dù trong lòng thì cũng không vui lắm.
Chồng cũ hào phóng, coi nhẹ vật chất
Hai vợ chồng chịu khó làm ăn, cuối cùng thì cũng có ruộng, có bò to, có xe đạp, có đài nghe. Ông dù nhà nghèo, lại con mồ côi, nhưng cốt cách thoáng đãng, không để cơm áo gạo tiền đè nặng tâm trí.
Nhưng ông còn có vợ con, không phải ai cũng suy nghĩ giống như ông được. Và mọi vấn đề bắt đầu từ đây.
Hai con bò lớn ông cho chú và em con chú mượn đề cày ruộng. Chiếc xe đạp cũng cho em gái con của chú đi. Những đồ đạc trong nhà cứ thế mang đi cho người thân mượn. Ông đúng là sống để cho đi, ông không giữ lại gì cho mình cả.
Nhưng người ta ‘mượn’ rồi cũng không thấy trả. Là người phụ nữ, thấy mồ hôi nước mắt của mình và chồng bị người khác chiếm dụng như vậy thì lên tiếng đòi công bằng.
Gia đình ông chú đã không trả lại mà còn nặng lời, thậm chí đánh mẹ. Nhưng mẹ buồn nhất vẫn là cách cư xử của ông: Đã không bảo vệ mẹ, ông còn nói rằng của mình cũng như của chú, ai dùng mà chả được.
Mẹ nói rằng: “Anh cứ như vậy thì có ngày chết đói, lúc đó có ai thương mình không?” Ông im lặng.
Cái chết của chị tôi là giọt nước tràn ly
Thời gian trôi đi, ông thì vẫn thế, vẫn tốt vô điều kiện. Mẹ thì cứ thế, nỗi buồn ấm ức ngày càng chồng chất. Năm đó chị thứ 2 bệnh nặng, cần tiền để lo thuốc thang mà không đủ.
Chị mất, mẹ bị trầm cảm nhiều tháng liền. Về sau mẹ nói, anh ơi anh đừng có tốt như vậy nữa được không; con mình mất vì không đủ tiền mua thuốc, anh đừng thế nữa. Nếu không em về sống với bố mẹ, anh ở đây sống với gia đình anh đi…
Ông mượn một câu ca dao để trả lời mẹ: “Người ăn người ở người đi; ta ăn ta ở cậu dì của ta”.
Mẹ giận nói: “Vậy thì ông cứ ở với cậu dì của ông. Tôi không còn gì để nói”.
Mẹ dắt chị đầu về nhà bà ngoại, không ngoái đầu nhìn lại. Mấy năm sau, mẹ gặp bố tôi và nên duyên.
Mẹ tôi vốn lạnh lùng, nói bỏ là bỏ. Nhưng ông thì khác, vẫn thương, vẫn nhớ, đến mức đổ bệnh, phải vào bệnh viện tâm thần.
Khi khỏi bệnh ông lại thúng mủng rổ rá lên đường đan lát, và ông đi tìm mẹ…Lúc gặp lại, mẹ đã con bồng con bế và bước đi bước nữa. Ông khóc như mưa, rồi cất bước đi không nói gì cả.
‘Lấy người quá tốt cũng khổ và thiệt thòi lắm con ạ!”
Chính bố tôi là người giữ ông ở lại với gia đình, xem như một người bạn. Bố nói, đang chiến tranh loạn lạc, ông đi đâu bây giờ? Ngoài đường người chết la liệt vì bom đạn, thôi thì cứ ở tạm đây; tôi cũng chẳng nghĩ gì, còn bà ấy thế nào thì cả ông và tôi đều biết rồi…
Thế là ông ở lại, người làm mộc, người đan lát, bà thì cơm nước. Hai người đàn ông đến trước đến sau trong cuộc đời một người đàn bà, giờ lại trở thành bạn thân của nhau. Họ cùng nhau vượt qua chiến tranh, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ông ở ít bữa lại đi, rong ruổi khắp nơi. Nhưng ông vẫn luôn coi đây là một nơi để trở về.
Rồi đến năm 1993, chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời ông đã khép lại; bỏ lại những không những được những mất lại cho cuộc đời.
Ông tuy chẳng có được gì về vật chất, nhưng có lẽ ông là người đàn ông có nhiều nhất.
Nhớ về cuộc hôn nhân ngắn ngủi với chồng cũ, mẹ tôi nói: “Thực sự thì lấy được người tốt là trời cho, nhưng lấy người quá tốt thì cũng khổ và thiệt thòi lắm con ạ!”