Thầy Phó Hiệu trưởng nhận thấy Chân Thiện Nhẫn là tốt nên đặt tâm tu luyện. Trên hành trình tu luyện Pháp Luân Công, anh đã gặp không ít thử thách, khó khăn.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1982, hiện sinh sống tại thành phố Ninh Bình. Anh Thắng từng đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng trường THPT Gia Viễn A và trường THPT Gia Viễn C, trước khi về công tác tại trường THPT Hoa Lư A như hiện nay.
Sau 6 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công), thực hành nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống cũng như công việc giảng dạy, anh Thắng muốn chia sẻ với cộng đồng câu chuyện của bản thân; Qua đó, bạn đọc có thêm một góc nhìn về Pháp Luân Công và những người tu luyện Pháp môn này.
- Nữ Tiến sĩ tài năng bị khiếm thị: Từ không tin, rồi được cứu nhờ Pháp Luân Công
- Trang web chính thức của Pháp Luân Công: https://vi.falundafa.org/
Bức ảnh khiến nội tâm xúc động
Do cơ duyên, anh Thắng biết đến anh Đông – là anh trai một người bạn thân. Anh Đông cùng trong ngành giáo dục, giữ chức Phó Hiệu trưởng một trường THCS. Anh đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2012. Cho đến cuối năm 2016, khi về dự đám cưới người bạn, anh Thắng tiện qua nhà anh Đông chơi thì thấy trên tường treo bức ảnh chụp chân dung một người mặc comple, có gương mặt rất đẹp, hiền từ. Anh Thắng nhìn bức ảnh, thấy xúc động lạ thường. Ngạc nhiên, anh hỏi:
– Anh Đông ơi, nhà anh có người làm cha đạo à?
– Không, đó là ảnh Sư phụ Lý. Anh Đông trả lời.
– Sư phụ Lý là ai?
Thấy anh Thắng quan tâm, anh Đông nói sơ qua về Pháp Luân Công.
Tò mò, về nhà anh Thắng lên mạng internet tìm hiểu thêm thông tin. Rồi từ 8h tối đến tận 9h sáng hôm sau, anh nghe một mạch 9 bài giảng Pháp của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Công) mà không hề buồn ngủ. Sau đó, anh tự học động tác theo video hướng dẫn trên youtube.
Do không có ai chỉ giúp, anh Thắng tập sai động tác khá nhiều; như việc anh vắt chân không đúng tư thế trong 6 tháng liền… Anh cũng không biết ở TP. Ninh Bình có ai tập nên anh tập ở nhà. Song thời gian này đã có những điều kỳ lạ xảy ra với anh, như việc anh bị tai nạn xe máy 2 lần, đều là va chạm rất mạnh mà người không hề hấn gì.
Gần 3 năm tìm cuốn sách quý
Có lần, anh bạn sang bảo: “Mày không nên tập nữa vì thấy anh Đông (anh trai) gặp rất nhiều phiền phức từ chính quyền”. Nghe xong, anh Thắng cười tự nhiên và trả lời: “Em thấy pháp môn này rất tốt, dạy con người làm điều tốt theo Chân Thiện Nhẫn. Em không bỏ đâu. Anh cứ kệ em, em đang muốn mua sách đọc mà không được”.
Nghe những lời giảng của Sư phụ Lý về đạo lý làm người, về được mất của con người; nhất là giá trị Chân Thiện Nhẫn mà ai ai cũng nên học và chiểu theo để tu sửa bản thân, anh Thắng xuất tâm tu luyện một cách thuần phác.
Khó một nỗi, anh kể, lúc đó muốn tìm mua cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” (cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện của Pháp Luân Công) nhưng không biết tìm ở đâu. Trong hơn 3 năm, anh hỏi nhiều bạn bè về cuốn sách quý ấy nhưng không ai biết. Có lần, anh nghe nói vợ một người bạn ở Bắc Giang có sách. Anh liền vội tìm lên đó tìm gặp nhưng rồi cũng không được việc. Trong khi ấy, anh không liên lạc được với anh Đông. Nên suốt thời gian đó, anh chỉ thi thoảng nghe lại các bài giảng Pháp trên internet. Anh cũng không nghĩ ra cách lên mạng tìm hỏi, trong khi công việc thì bận rộn suốt ngày.
Khó tu luyện do không thường xuyên học Pháp
Anh Thắng vốn là người nhút nhát, sống thật thà. Khi anh có ý phấn đấu lên cấp quản lý, thì được truyền kinh nghiệm của những người đi trước, rằng “làm lãnh đạo thì cái gì cũng phải biết”. Nghe theo, anh bắt đầu tập chơi bài, rượu chè, hát hò…
Năm 2018, anh Thắng được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng trường THPT Gia Viễn A. Lúc này, anh đã biết đến Đại Pháp được gần 2 năm nhưng vì chưa có sách, chỉ thi thoảng nghe các bài giảng Pháp nên chỗ nhớ chỗ không, cũng không ngộ được nhiều. Anh chỉ biết rằng tu Pháp Luân Công là tốt; người tu luyện thì không được làm điều xấu, hại người, hại nhà nước. Anh chưa chú tâm trong việc tìm cái sai ở mình để tu sửa.
Anh bị cuốn vào công việc bận rộn, lại thường xuyên tiếp khách nên vẫn uống rượu. Anh còn bào chữa một cách nhầm lẫn rằng ‘uống rượu vào về tập bài 3 là hết’. Những lúc uống rượu say, anh còn vướng vào ‘ải sắc tình’ từ trong mơ đến ngoài đời thực mà không cách nào thoát ra.
Nhưng ý niệm muốn tu luyện chân chính thôi thúc anh rằng không thể như thế được. Anh tự hỏi: Mình đã hơn 35 tuổi rồi, sao lại có thể như thanh niên… dậy thì như thế này được?! Mãi sau này, anh mới nhận ra, đó là can nhiễu từ việc uống rượu khiến dục vọng kích động, dẫn khởi tới sắc tình. Anh nghĩ mình phải bớt rượu chè, và quyết định chuyển sang trường THPT Gia Viễn C – một trường nhỏ, cách xa trung tâm.
Thầy phó Hiệu trưởng chịu áp lực vì quyết tâm tu luyện
Thời điểm anh chuyển trường là dịp hết năm học 2018 – 2019. Đến cuối năm 2019, anh nhận được cuốn sách quý “Chuyển Pháp Luân”. Khi đó, anh đã chia sẻ trong lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh các lớp anh dạy và bạn bè về việc anh học Pháp Luân Công.
Khi anh hiểu rằng đây là môn tu luyện thượng thừa của Phật gia, chỉ dẫn con người tu luyện một cách rất nghiêm túc để có thể hồi thăng; do đó cần người tu luyện phải có một tâm thái hết sức ngay chính và sự kiên định. Anh Thắng nhận ra cần thay đổi quan niệm của bản thân với việc tu luyện, tự đặt yêu cầu cao hơn để ước thúc bản thân mình. Và lúc đó, những áp lực xuất hiện như để thử thách anh.
Như có một hôm, bộ phận an ninh ở địa phương tìm đến nhà anh và đưa ra những thông tin không chính xác về Pháp Luân Công. Họ lớn giọng: “Cùng là lãnh đạo, yêu cầu anh giao nộp sách và không được học môn này nữa”. Thoạt đầu anh không tránh được sợ hãi, nhưng anh nghĩ Chân Thiện Nhẫn là tốt, chẳng có gì sai cả. Vậy là anh nói bằng giọng cương nghị:
– Em học Pháp Luân Công không có gì là sai, ngược lại rất tốt. Các anh cần sách thì em cho mượn về nhà đọc xem cụ thể môn này tốt như thế nào. Em không bỏ tu luyện Pháp Luân Công đâu!
Kiên định với đức tin của mình
Cũng có thêm những ‘người khách” như thế đến nhà, được anh Thắng giải thích rằng môn tu luyện này tốt và Nhà nước không cấm. Anh kiên định với đức tin của mình, bởi anh biết rõ làm theo Chân Thiện Nhẫn chỉ giúp cho con người tốt hơn, điều đó đáng được xã hội quan tâm và ủng hộ.
Những ngày đó, thầy Hiệu phó trẻ tuổi chịu rất nhiều áp lực từ các phía. Nhiều người lo lắng cho anh, có người sợ gặp anh phiền phức nên tìm cách tránh mặt… Nhưng sau một thời gian, thấy anh không làm điều gì sai, mà trong các giao tiếp, thể hiện trong công việc – cuộc sống của anh đều tốt hơn trước, nên các mối quan hệ của mọi người với anh đã trở lại bình thường.
Những chuyển biến tốt đẹp từ khi chăm chỉ đọc sách
Đọc Chuyển Pháp Luân rồi học Pháp nhiều, anh Thắng mới hiểu tu luyện thật sự là thế nào. Anh đã nghiêm túc buông bỏ những điều xấu, gồm cả rượu bia, thuốc lá…. Trước đây, ít học Pháp nên anh chưa chú trọng tu tâm tính, không biết tìm ra những tâm bất hảo của bản thân. Giờ minh bạch, anh đã thay đổi hẳn.
Trước anh vốn nhút nhát thái quá, đến nỗi lúc nào cũng khúm núm, chỉ sợ làm sai ý người khác thì nay anh tự tin, đường hoàng và phong thái thản đãng hơn. Anh luôn nhẹ nhàng, vui vẻ, đối xử tốt với mọi người, khiến hoàn cảnh xung quanh thêm hòa ái. Anh ước thúc bản thân mình cần suy nghĩ cho người khác và làm những gì tốt nhất có thể giúp mọi người.
Sau khi đọc sách, học Pháp nhiều lên, sức khỏe của anh được cải biến rõ rệt. Những chứng bệnh trong người, đến lúc này đã khỏi hoàn toàn. Nếu như 3 năm đầu anh biết đến Đại Pháp, chỉ thi thoảng nghe và tập nên cải biến thân thể không nhiều; chứng hắt hơi sổ mũi chỉ đỡ một thời gian rồi quay lại. Nhưng từ khi đọc sách, thay đổi tâm tính thì bệnh tật khỏi hẳn.
Giá trị Chân Thiện Nhẫn nên được lan tỏa
Sau khi có Nghị định về việc tinh giảm cấp Phó tại các trường học; tháng 9/2021, anh Thắng làm đơn xin thôi giữ chức Phó Hiệu trưởng trường Gia Viễn C. Anh xin chuyển về trường THPT Hoa Lư A, tiếp tục công việc giảng dạy của mình.
Hôm chia tay, toàn thể cán bộ, GV và các em HS dành cho anh nhiều tình cảm trân quý. Các em học sinh còn làm cả một clip cảm động để tặng thầy. Tại ngôi trường mới, các cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu, thầy cô, học sinh đều tôn trọng và không ai cản trở đức tin của anh.
Kể lại chặng đường biết đến Pháp Luân Công rồi bước vào tu luyện, nhận được rất nhiều lợi ích; thầy Thắng luôn mong muốn lan tỏa giá trị tốt đẹp của Chân – Thiện – Nhẫn đến tất cả mọi người. Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng cũng để lại số điện thoại 0962 688822 và sẵn lòng chia sẻ với những ai dành sự quan tâm, muốn tìm hiểu môn tu luyện Pháp Luân Công.