Công danh phú quý là những gì mọi người tôn sùng và truy cầu. Tuy nhiên, công danh phú quý không phải vô duyên vô cớ mà có được.
Công danh là những gì con người mong muốn, phú quý là điều con người truy cầu. Tuy nhiên, công danh phú quý không phải tự nhiên mà có được. Câu chuyện ngắn trong “Phú thất trân ngôn” sẽ cho chúng ta một tham chiếu về nguồn gốc của công danh phú quý.
Giúp người hoàn thành ước vọng
Vào thời nhà Thanh có một người gốc Hà Nam tên là Trương Hùng Lược đã kết hôn. Vào đêm tân hôn, tân nương đã khóc lóc không ngừng, Trương Hùng Lược hỏi cô nguyên nhân. Tân nương nói: “Khi thiếp còn nhỏ, phụ thân đã hứa hôn cho thiếp với một người họ Thi. Sau đó, phụ thân do ghét sự nghèo khó của anh ấy và buộc anh ấy phải từ hôn. Cho nên, thiếp mới kết hôn với chàng.”
Sự việc đã đến nước này, Trương Hùng Lược cũng không biết nên làm thế nào. Tân nương liền muốn chết, nhưng Trương Hùng Lược không thể cứ nhìn cô ấy chết, vì vậy anh nói, “Chàng trai họ Thi là người bằng hữu tốt của ta. Ta nên tác hợp cho hai người mới đúng. Nàng nhất thiết không được coi thường mạng sống của mình”.
Đêm hôm đó, Trương Hùng Lược ngủ trong một căn phòng khác. Sáng hôm sau, anh kể cho phụ mẫu nghe chuyện đã xảy ra với tân nương. Họ nhanh chóng cử người đến gọi chàng trai họ Thi và dọn phòng để hai người có thể thành thân.
Nhà họ Trương đã đưa tất cả của hồi môn cho chàng trai họ Thi, và cử bà mối lúc trước đến nói với phụ thân của cô gái rằng: “Con gái của ông đã hứa hôn với chàng trai họ Thi. Bây giờ cô ấy đã kết hôn và ở cùng với anh ta. Nếu ông không đồng ý thì sẽ phải báo quan phân xử”. Phụ thân của tân nương sợ việc phải thưa kiện lên quan nên không dám phản đối.
Ý trời thuận lòng người
Trong năm này, Trương Hùng Lược đã đi thi và liên tiếp đỗ đạt. Sau khi làm quan, anh một mạch làm đến chức Cung Chiêm (là chức quan chủ yếu phụ trách các công việc trong nội cung cho hoàng tử hoặc hoàng đế).
Sau đó, chàng trai họ Thi cũng thi đỗ và vợ anh sinh được một đứa con gái. Sau này, con gái họ gả cho nhà họ Trương, phụng dưỡng người già rất hiếu thuận, là người con gái hiền đức, nổi tiếng khắp cả nước.
Trương Hùng Lược biết sống đạo lý khi giúp bạn mình hoàn thành việc hôn nhân đại sự. Chính vì vậy, ông đã làm quan đến chức Cung Chiêm. Hơn nữa, người con dâu của ông cũng rất hiếu thảo và đức hạnh, phụng dưỡng bậc trưởng bối với lòng kính cẩn. Về điều này trong “Phú thất trân ngôn” bình luận rằng: “Ý trời thuận lòng người, người ham muốn chiếm lợi trước mắt thì làm sao biết được điều này”.
Cách xử sự giúp người hoàn thành ước vọng của Trương Hùng Lược không chỉ duy hộ nhân luân đạo lý vợ chồng, mà còn thuận theo ý Trời. Ông Trời cũng đã an bài thiện quả để Trương Hùng Lược có người con dâu hiền đức. Đây chính ý nghĩa giúp người khác cũng chính là giúp bản thân mình.
Thái Côn Dương trả nợ và giúp đỡ đôi phu thê đoàn tụ
Thái Côn Dương là người huyện Đức Khánh. Vào năm Thuận Trị thứ 11 (năm 1654), ông trúng tuyển trong kỳ thi hương. Lúc đó, ông cũng đã 40 tuổi, nhưng không có con. Phu nhân của ông âm thầm dành dụm được 30 lượng vàng, thay ông mua một thê thiếp. Bà định để nàng sinh con duy trì hương hỏa cho nhà họ Thái.
Sau khi người tiểu thiếp vào phòng, nàng không ngừng khóc lóc. Thái Côn Dương cảm thấy rất lạ và hỏi cô tại sao lại khóc. Lúc đầu, người tiểu thiếp còn rất ngại ngùng và có đôi chút băn khoăn không dám nói. Nhưng dưới sự truy hỏi của Thái Côn Dương, cô ấy mới nói ra sự thật.
Vốn dĩ người tiểu thiếp đã có gia đình rồi. Do người chồng của cô nợ nần quân dịch, nhưng gia sản đã kiệt quệ và không có khả năng trả nợ. Cho nên, mới dẫn tới tình cảnh vợ chồng ly tán.
Thái Côn Dương mau chóng đi suốt đêm để tới nhà chồng của cô và nói: “Việc trả nợ không khó, ta có thể giải quyết giúp anh. Tối nay, ta không thể về nhà được. Một khi về nhà thì không thể nào bày tỏ được tâm ý của ta”. Vì vậy, ông đã ngủ ở nhà chồng của người phụ nữ.
Người chồng trước giờ chưa từng gặp một người trượng nghĩa như vậy, anh vô cùng cảm động. Anh nhận lấy khoản tiền và đưa phiếu vay tiền cho chủ nợ.
Sau đó, Thái Côn Dương phái người khiêng kiệu đưa người phụ nữ về với chồng. Ông còn đưa cho họ 30 lượng vàng để sinh sống.
Công danh phú quý đến từ đức hạnh
Sau sự việc này, phu nhân của Thái Côn Dương mang thai và sinh ra một cậu con trai. Thái Côn Dương cũng được đề tên bảng vàng. Ông đã trở thành trạng nguyên của cả nước vào năm Khang Hy thứ 9.
Trong “Phú thất trân ngôn” có chép rằng: “Thiện báo này là một con người bằng xương bằng thịt. Đây là an bài tỉ mỉ cẩn thận của Ông Trời. Cái gọi là công danh phú quý chính là xuất phát từ âm đức mà người đó mang theo”.
Thái Côn Dương là người trượng nghĩa. Ông không màng đến những mất mát mà mình phải gánh chịu, hơn nữa, còn bảo vệ cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng kia.
Công danh phú quý của ông chẳng phải là có được từ những âm đức mà ông đã tích lũy hay sao?
Theo Epoch Times