Có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn việc ác thì tà dâm là đứng đầu. Sách sử có chép nhiều câu chuyện về cự tuyệt nữ sắc mà được phúc báo.
- Từ chối nữ sắc đắc phúc báo, phóng túng dâm loạn mất công danh
- Nếu có thể coi nhẹ được tâm sắc dục thì tránh được rất nhiều tai họa
Đối mặt với cám dỗ nếu không kiềm chế mà mặc kệ để nó phát triển, thì rất dễ phạm phải sai lầm lớn. Trong “Thọ khang bảo giám” có ghi chép lại câu chuyện liên quan đến cự tuyệt nữ sắc mà đắc phúc báo.
Bảo vệ trinh tiết cho cô gái, để lại phúc âm cho con cháu
Diêu Tam Cửu vốn có họ là Biện, là người học rộng, hơn nữa còn giỏi thơ ca. Ông từng dạy học trong nhà của một gia đình họ Hoài. Lúc đó, có 1 cô gái thường nhìn trộm ông, nhưng ông luôn nghiêm túc và phớt lờ cô. Một hôm, khi ông đang phơi giày ngoài sân, cô gái này liền viết cho ông một lá thư giấu trong giày. Sau khi đọc bức thư, họ Biện liền xin thôi dạy và trở về nhà.
Viên Di Hạnh đã làm một bài thơ để khen ngợi ông, trong đó có câu “Nhất điểm trinh tâm kiên phỉ thạch, xuân phong đào lý mạc tương sai” (ý nói rằng, tấm lòng trong trắng của cô gái không thể vững bền như tảng đá, nhưng mỹ sắc đối với ông mà nói thì không có chút tác dụng gì).
Diêu Tam Cửu không đồng ý với Viên Di Hạnh, nên ông đã viết thư hồi âm, cố gắng hết sức phản bác rằng không có chuyện đó. Ông không muốn làm tổn thương cô gái họ Hoài và muốn bảo vệ danh tiết của cô. Viên Di Hạnh niêm phong thư hồi âm của ông và viết trên đó: “Đức chí hậu dĩ, tử tôn tất xương”. Có ý là người này có phẩm đức sâu dày, con cháu đời sau nhất định vô cùng hưng thịnh phồn vinh.
Sau đó, con trai của Diêu Tam Cửu là Biện Kham và chắt của ông là Biện Tích đều đỗ tiến sĩ, đây chẳng phải là phúc báo nhờ giữ gìn trinh tiết cho người khác hay sao?
Từ chối nữ sắc, đạt được công danh
Lục Công ở Thái Thương có dung mạo tuấn tú khôi ngô. Vào năm Thiên Thuận thứ 3 triều đại nhà Minh, anh đến Nam Kinh để tham dự kỳ thi. Người chủ quán trọ có một cô con gái, bỗng nhiên buổi tối cô muốn đến chỗ Lục Công để ngủ cùng. Lục Công giả vờ ốm, hẹn cô tối hôm sau gặp lại.
Sau khi cô gái rời đi, Lục Công đã viết một bài thơ: “Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư, hữu nữ lai khuy tiếu độc thư, dục bả cầm tâm thông nhất ngữ, thập niên tiền dĩ bạc Tương Như” (Dịch thơ là: Song thưa gió mát trăng thanh, cô gái ngấp nghé trêu anh học trò, mượn đàn toan những hẹn hò, mười năm trước đã phụ phàng Tương Như).
Sáng sớm hôm sau, Lục Công liền lấy cớ rời đi. Trước đó, cha của Lục Công nằm mơ thấy Quận trưởng gửi cờ hiệu đến để chúc mừng, trên tấm bảng có dòng chữ: “Nguyệt bạch phong thanh”, cha của Lục Công còn tưởng rằng đây là lời tiên tri rằng bản thân sẽ qua đời. Ông đã viết di thư gửi Lục Công, Lục Công cảm thấy vô cùng sợ hãi. Sau đó, Lục Công thi đỗ tiến sĩ, hơn nữa còn làm quan đến chức Tham chính.
Cự tuyệt nữ sắc, đắc được phúc báo
Đây cũng là câu chuyện mà một người phụ nữ yêu cầu ngủ cùng. Ở Tùng Giang có một người họ Tào chuẩn bị đi thi, đột nhiên có một người phụ nữ đã có chồng bước vào quán trọ và nói rằng cô muốn ngủ với anh.
Người họ Tào vô cùng sợ hãi, liền vội vàng đi kiếm một quán trọ khác để tránh mặt cô. Trên đường đi, anh thấy một nhóm người cầm đèn vừa đi vừa la hét dẹp đường. Nhóm người này đi vào một ngôi chùa cổ và đánh trống thăng đường. Người họ Tào liền nấp ở trước cửa chùa để quan sát, không ngờ anh nghe thấy tên của người đỗ trong danh sách bảng vàng.
Khi đọc đến tên người thứ 6, vị quan bẩm báo rằng: “Người này gần đây có hành vi thất đức, nên đã bị Thượng Thiên cắt tên trong bảng vàng. Bây giờ không biết nên thêm ai vào?” Có vị Thần trong số họ nói: “Tùng Giang có một thư sinh họ Tào, từ chối dâm loạn với người phụ nữ trong quán trọ, thật đáng ngưỡng mộ, hãy lấy tên của anh ta bổ sung vào đi!” Thư sinh họ Tào nghe xong vừa mừng vừa lo, anh cũng cảm thấy bán tín bán nghi. Sau đó, khi danh sách được công bố, anh thực sự đã đỗ ở vị trí thứ 6.
Xem ra, những phúc phận trong đời người không phải tự nhiên mà có. Người có hành vi đoan chính, khi ở nơi bóng tối không ai biết vẫn giữ trọn tiết tháo thì nhất định sẽ được phúc báo.
Theo Vision Times