Người xưa kinh doanh để sinh lợi, nhưng không vì tiền mà đánh mất đạo nghĩa. Áp dụng được 7 đạo lý dùng tiền này, tiền bạc sẽ trở thành “dược liệu” giúp người sống an lạc, như lời Trương Duyệt từng viết.
Hơn một thiên niên kỷ trước, Tể tướng Trương Duyệt thời Khai Nguyên, dưới triều Đường Huyền Tông, đã viết tác phẩm “Tiền bản thảo” khi ông vừa tròn 70 tuổi. Với hơn 200 chữ, bài văn này đã truyền tải sâu sắc triết lý về tiền bạc và cách sử dụng nó.
“Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc. Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải khốn khó có hiệu nghiệm ngay.
Tiền có thể lợi cho quốc gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm. Người tham uống thuốc ‘tiền’, thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn.
Thuốc tiền thu hái không theo thời vụ. Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần.
Tiền rất thịnh hành, có thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ. Nếu tích lũy mà không phân tán thì sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh bệnh đói rét khốn khó.
Vừa tích lũy vừa phân tán thì gọi là đạo. Không coi nó là trân quý thì gọi là đức. Nhận và cho hợp lễ nghi thì gọi là nghĩa. Không cầu tiền không phải của mình gọi là lễ. Thí xả rộng rãi cứu tế dân chúng thì gọi là nhân. Chi trả không sai hẹn gọi là tín. Người không vì thuốc ‘tiền’ làm tổn hại đến mình thì gọi là trí.
Tinh luyện 7 thuật này thì mới có thể uống thuốc ‘tiền’ lâu dài, khiến người trường thọ.
Nếu uống thuốc ‘tiền’ mà không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải kiêng kỵ.”
Trương Duyệt ví tiền như một liều thuốc. Thực ra, tiền là miếng ăn trên bàn, là y phục trên thân, là mái nhà che mưa nắng, là những ngày sống thoải mái, nên có “vị ngọt”. Tiền dễ làm người mê đắm, say sưa, đến mức cả đời chỉ biết đến nó. Những ai như thế được xem là “nhiễm độc”, bị nặng sẽ dẫn đến suy vong. Vậy phải làm sao để dùng tốt “dược liệu tiền” này? Trương Duyệt đã chỉ ra 7 đạo lý dùng tiền, và dưới đây là 7 câu chuyện minh họa từng đạo lý dùng tiền ấy.
7 đạo lý dùng tiền khiến người đời thụ ích
1. Đạo – Một tích một tán
Hơn 2000 năm trước, Phạm Lãi, một bậc kỳ tài, đã phò tá Việt vương Câu Tiễn 20 năm để khôi phục quốc gia. Sau khi thành công, ông từ chối mọi ban thưởng, tay trắng rời khỏi nước, đến Tề quốc.
Tại Tề, ông dựng nghiệp từ tay trắng và nhanh chóng phát triển. Được vua Tề mời làm tướng quốc, ông lại phân chia hết tài sản và rời đi, đưa cả nhà chuyển đến đất Đào.
Ở đất Đào, ông lại kinh doanh, trong 19 năm đã ba lần tích lũy gia tài nghìn lượng vàng, rồi lại ba lần phân chia hết. Nhà thơ Lý Bạch viết: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tận hoàn phục lai” – trời sinh ta có tài, tiêu hết ngàn vàng lại có. Câu thơ ấy nhắc về câu chuyện Phạm Lãi, người đời gọi ông là Thương Thánh, vì trong mắt ông, quan tước và gia tài chỉ là vật ngoài thân, từ bỏ thì sẽ lại đắc được.
Điều này không chỉ là chuyện xưa. Đại thương nhân Triều Tiên thế kỷ 19, Im Sang-ok, cả đời không để lại di sản nào, mà quyên toàn bộ tài sản cho quốc gia.
Tiền là để lưu thông, phục vụ xã hội, giống như dòng chảy sinh sôi nảy nở không ngừng.
2. Đức – Không coi tiền là báu vật
Lý Giác, người Giang Dương, Quảng Lăng, sống bằng nghề buôn bán lương thực. Khác với những người thường, ông luôn đo đong cho khách hàng tự tay cân, không tính giá đắt rẻ. Nhiều năm sau, gia đình ông ngày càng giàu có.
Cha ông ngạc nhiên hỏi nguyên do, và Lý Giác kể lại. Người cha nói:
“Khi cha kinh doanh lương thực, cha chỉ dùng một loại thăng và đấu để mua bán, thời gian cũng rất lâu rồi, tự cho rằng không có sai lệch gì. Giờ đây con đổi thành mua bán tự cân đong, quả là cha không bằng con rồi. Nhưng để người mua bán tự đong mà lại trở nên giàu có, lẽ nào là Thần linh trợ giúp con chăng?”
Lý Giác sống đến hơn 100 tuổi và khi qua đời, dân gian truyền rằng ông đã “thoát xác” như ve sầu, hóa Tiên mà rời đi.
3. Nghĩa – Lấy bỏ hợp lý
Giữa triều Minh, một tú tài họ Chu nghèo khó, thuê nhà sống. Một ngày, vợ anh tình cờ phát hiện 2 nén bạc dưới viên gạch trong bếp lò. Tú tài Chu nói: “Đây không phải tiền của mình, sao có thể chiếm giữ được?”
Anh ghi lên bạc: “Nếu là của tôi thì hãy cho tôi rõ ràng.” Rồi anh ném bạc xuống sông.
Lạ thay, mùa thi năm đó, Chu đỗ cử nhân. Khi mở tiệc khoản đãi, quan thái thú đặt trước mặt mỗi người một nén bạc làm quà. Hai nén bạc trước mặt Chu chính là những nén mà anh đã bỏ đi.
4. Lễ – Không tham tiền của người khác
Tạ Đình Ân, thương nhân nổi tiếng thời Thanh, từng phát hiện khách hàng trả thừa tiền cho mình. Ông không lấy, mà tìm đến trả lại. Tạ Đình Ân sau trở thành đại phú. Người xưa biết rằng tích đức còn hơn tích tài.
5. Nhân – Giúp đỡ người khác trong hoạn nạn
Hồ Tuyết Nham, doanh nhân cuối thời Thanh, đã giúp một thương nhân thua lỗ bằng cách mua lại tài sản với giá thị trường, thay vì trả rẻ. Câu chuyện về sự nhân nghĩa của Hồ Tuyết Nham đã khiến ông được nhiều người kính trọng và công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi.
6. Tín – Giữ lời hứa
Quý Bố thời Tây Hán luôn giữ lời hứa, dù khó khăn đến đâu. Người đời truyền rằng, được ngàn vàng không bằng một lời của Quý Bố, xuất phát từ uy tín của ông.
7. Trí – Không để tiền làm tổn hại đạo nghĩa
Sách “Hoài Nam Tử” kể rằng Tần Mục Công, vì nghe lời thương nhân Huyền Cao cảnh báo, mà rút quân khỏi nước Trịnh. Khi được Trịnh quốc thưởng, Huyền Cao từ chối, vì nhận thưởng nhờ thủ đoạn không phải là điều ông muốn. Người xưa kinh doanh để sinh lợi, nhưng không vì tiền mà đánh mất đạo nghĩa.
Áp dụng được 7 đạo lý này, tiền bạc sẽ trở thành “dược liệu”, giúp người sống an lạc, như lời Trương Duyệt từng viết.