Lừa dối vốn đã không tốt, nhưng nếu tự lừa dối chính mình thì còn tệ hơn, người đó đang sống trong thế giới giả tưởng của chính mình.
Tự lừa dối chính mình là như thế nào? Trước tiên chúng ta thử nói về việc uống cà phê. Một thời gian trước đây, báo chí có phản ánh về tình trạng cà phê bẩn, cà phê hóa chất trộn pin, cà phê mà lại không có caffeine. Khách hàng uống cà phê nhưng thành phần chủ yếu lại là bắp, đậu nành và hương liệu.
Một điều tai hại là sau khi đã uống quen với thứ cà phê hương liệu “đặc, đắng, sánh, bọt” này, người ta lại không thể uống được cà phê nguyên chất nữa. Có người được cho uống cà phê nguyên chất lại chê là loãng và không thơm. Nhưng cà phê nguyên chất lại không loãng như họ nghĩ. Người đã quen với cà phê kém chất lượng thì khi uống cà phê nguyên chất sẽ bị say, buồn nôn, mệt mỏi. Nguyên nhân là vì cà phê nguyên chất chứa nhiều caffeine nên không thể uống quá nhiều.
Cuối cùng thì những người đã quen với cà phê trộn đủ thứ ngũ cốc lại quyết định quay lưng với cà phê thứ thiệt. Chúng ta thử nghĩ xem, đó có phải là cam tâm tự lừa dối chính mình hay không?
Có người từ lúc bắt đầu uống cà phê là đã uống phải cà phê kém chất lượng, nên vô hình trung đã coi cà phê chính là như vậy. Người chưa từng biết thật là như thế nào thì làm sao biết được thế nào là giả? Người chưa từng biết tốt là như thế nào thì làm sao biết thế nào là xấu? Thời nay thật giả chính là lẫn lộn như thế.
Không chỉ cà phê, còn một thứ rất phổ biến với người Việt cũng đang chịu chung số phận: Đó là nước mắm.
Nước mắm truyền thống tuy hương vị rất đặc trưng nhưng thường mặn và phải pha chế thêm khi ăn. Nhận thấy được điều này, các nhà sản xuất đã cho ra nước mắm công nghiệp, bằng cách pha loãng nước mắm truyền thống rồi thêm chất điều vị, tạo màu, chất bảo quản, tạo độ sánh… nói chung là rất vừa miệng ăn, đổ ra là có thể ăn ngay không cần pha chế.
Nhưng cũng như cà phê, người đã quen với hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống thì sẽ thấy nước mắm công nghiệp rất nhạt nhẽo; còn người đã quen với nước mắm công nghiệp thì lại cho rằng nước mắm truyền thống quá mặn, khó ăn. Thị trường của nước mắm truyền thống cứ nhỏ hẹp dần, và rồi tương lai không biết sẽ đi về đâu.
Nhiều người cho rằng, nếu gọi đúng bản chất, thì nước mắm công nghiệp là một loại nước chấm được đặt tên là nước mắm. Vậy nên người ăn thứ ‘nước chấm’ này mà lại cứ nói rằng đang ăn nước mắm thì có phải là đang tự lừa dối chính mình hay không?
Thực trạng xã hội ngày nay chính là như vậy, người ta đang không ngừng tự lừa dối chính mình. Nhiều thứ không còn giữ đúng bản chất của nó, mà nguyên nhân cũng là bởi chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta chỉ muốn ru mình ngủ quên trong những thứ tầm thường giả dối.
Có người làm ăn bất chính, tham ô đủ đường để làm giàu cho bản thân. Sau đó lại đi làm từ thiện, cúng dường cho chùa, họ hy vọng làm như vậy có thể giảm bớt tội lỗi; làm như thế có khác nào dùng tiền để mua chuộc Thần Thánh? Đây chẳng phải là họ đang tự lừa mình hay sao?
Người xưa nói “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”, vậy mà có người đi đường cứ tiện tay đâu là vứt rác ở đó, mặc dù thùng rác cách chỗ họ không xa, họ tự an ủi bản thân rằng: “Xả có tí rác thì ảnh hưởng gì đâu?” Nhưng như mọi người có thể thấy, vào những đợt mưa lũ, nước dâng lên cao và rác cũng theo đó mà nổi khắp mặt đường, trôi cả vào nhà dân. Quả đúng với câu nói, từng việc chúng ta làm đều sẽ quay trở lại với chính chúng ta.
Hoặc như có người dũng cảm nói lên những sai phạm ở đơn vị công tác, nêu lên những vấn đề nhức nhối trong xã hội, cất lên tiếng nói lương tri, thì lập tức lại có người nói rằng họ lo chuyện bao đồng, làm những chuyện vô ích. Tuy nhiên, khi chính bản thân họ trở thành nạn nhân của bất công xã hội, thì họ lại chạy đi khắp nơi để nhờ giúp đỡ, thậm chí tìm đến cả những người mà trước đây họ cho là “vác tù và hàng tổng”. Bạn thấy đó, nếu bạn bàng quan với xã hội, phóng túng với bản thân mình, thì rồi chính bạn sẽ phải chịu hậu quả.
Muốn xã hội thay đổi thì trước hết chính bản thân chúng ta cũng phải thay đổi, mà muốn bản thân thay đổi thì phải thường xuyên tự cảnh tỉnh và cải biến chính mình. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, đường dù ngắn không đi không đến, việc tuy nhỏ không làm không thành.
Bàn về việc sửa sai, Mạnh Tử từng nói rằng: Nếu như có một người mỗi ngày bắt trộm một con gà của hàng xóm. Có người khuyên bảo y rằng: “Đây không phải hành vi của người đúng đắn, anh hãy mau mau sửa sai hướng thiện mới đúng.” Người ăn trộm gà nói: “Tôi đã có một kế hoạch, chính là dần dần giảm thiểu số lần bắt trộm gà. Sau này mỗi tháng chỉ bắt trộm một con gà. Đợi đến sang năm, ngay cả một con gà cũng không còn trộm nữa. Như thế được không?”
Chắc mọi người cũng có thể nhận ra điều bất ổn ở đây, nếu như đã biết việc làm của bản thân mình là không đúng thì nên lập tức dừng lại, cớ sao lại còn phải chờ đến năm sau?
Hơn nữa, điều nguy hại nhất của việc dung dưỡng cái sai của bản thân, đó là đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không thể nào phân biệt được đúng sai nữa, lấy điều giả dối cho là chân thực, những điều chân thực thì lại không tiếp nhận được, và cho là có vấn đề.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi thường, khi mà khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, hoàn cảnh sống thay đổi một cách chóng mặt, các chuẩn mực đạo đức cũng liên tục biến đổi khiến nhiều người trở nên bối rối, không biết nên làm như thế nào mới là đúng.
Thiết nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta quay về với những giá trị truyền thống, học hỏi những điều tốt đẹp của người xưa, tìm cách vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, sống thuận theo tự nhiên, thuần tịnh, chất phác, như vậy nội tâm mới có thể an ổn và không bị cuốn theo sự hối hả của cuộc sống hiện đại.