Nhiều người vì không thấy không tin mà làm nhiều việc xúc phạm Phật Pháp, đốt kinh sách, phá hủy chùa chiền… hậu quả khó có thể tránh khỏi.
Đốt kinh sách, bất kính Phật Pháp
Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Minh, ở phía Tây huyện Vũ Công, tỉnh Thiểm Tây có một ngôi chùa, kinh sách trong chùa bị vứt bỏ bừa bãi và hư hại rất nhiều. Khi còn nhỏ, Khang Đối Sơn từng cùng với 5 người bạn ở trong chùa này đọc sách. Lúc đó tiết trời giá rét, 4 người đã lấy kinh sách đốt lửa để sưởi ấm; một người đốt sách để đun nước rửa mặt. Khang Đối Sơn tuy trong tâm thầm trách họ bất kính với kinh sách nhưng lại không dám nói ra.
Buổi tối hôm đó, Khang Đối Sơn mơ thấy 3 vị quan viên khai đường, tức giận trách mắng những người đã đốt sách, nên đã quyết định cắt giảm tuổi thọ của họ; lại phán rằng người đã đốt sách đun nước rửa mặt đi thi không đậu. Cuối cùng chỉ trích Khang Đối Sơn mà nói: “Ngươi vì sao không khuyên can họ?” Khang Đối Sơn nói: “Trong tâm tôi biết họ không đúng, nhưng tôi còn nhỏ nên không dám nói”.
Viên quan nói: “Một câu nói khuyên giải có thể miễn đi tội nghiệp cho 5 người; bây giờ tạm thời không truy cứu sai lầm của ngươi”. Khang Đối Sơn sau khi tỉnh dậy thì mang giấc mơ này ghi lại ở phía sau của sách. Không lâu sau, 4 người đốt kinh sách để sưởi ấm, cả nhà đều mắc ôn dịch mà chết. Người đốt kinh sách để nấu nước rửa mặt thì nhiều lần đi thi mà không đậu, cuối cùng đành phải về nhà dạy học cho đến cuối đời.
Làm nhục thiền sư, bị mất chức quan
Vào thời nhà Đường, thiền sư Quốc Thanh hoằng dương Phật Pháp, thiện hóa chúng sanh, người đến nghe giảng kinh rất nhiều. Nhưng có một vị quan từ trước tới giờ không tin Thần Phật; nhìn thấy rất nhiều người đến nghe giảng thì rất tức giận, liền trói thiền sư lại và đánh cho 20 gậy.
Vào ban đêm, viên quan này mơ thấy người cha quá cố rất tức giận, hơn nữa khóc thầm mà nói với ông ta: “Ngươi dám làm ô nhục thiền sư, Diêm La Vương vì việc này mà đánh ta 20 roi sắt; ngay cả chức quan của ngươi cũng bị tước mất rồi!” Viên quan này không lâu sau thì bị cắt chức.
Không tin Thần Phật
Vào thời nhà Đường, Thái sử lệnh Phó Dịch học rộng và giỏi biện luận. Ông nghiên cứu rất nhiều về thiên văn lịch số. Ông không tin vào Phật Pháp, nghĩ đủ mọi cách để phỉ báng; dâng tấu chương hủy bỏ kinh Phật; khinh thường người tu hành; lấy tượng Phật làm gạch ngói để sử dụng. Lúc ấy 3 người Phó Dịch, Phó Nhân Quân và Tiết Trách đều là Thái sử lệnh.
Tiết Trách thiếu nợ Phó Nhân Quân năm ngàn đồng chưa trả thì Phó Nhân Quân đã qua đời. Tiết Trách có lần nằm mơ thấy Phó Nhân Quân nên nói với ông ấy: “Tôi trước kia thiếu tiền ông, giờ làm sao để trả đây?” Phó Nhân Quân nói: “Có thể trả cho người Nê lê!” Tiết Trách hỏi: “Ai là người Nê lê?” Phó Nhân Quân đáp: “Thái sử lệnh Phó Dịch chính là người Nê lê”.
Tiết Trách trong lúc hoảng hốt lại thấy tới một nơi nào đó. Nơi đó có rất nhiều người đã qua đời. Tiết Trách lại hỏi: “Trong Kinh Phật nói về báo ứng, tạo ác đắc tội, tạo thiện đắc phúc, không biết là có đúng hay không?” Những người đã chết đó trả lời: “Đương nhiên là đúng rồi!”
Bị đày xuống địa ngục
Tiết Trách lại hỏi: “Loại người như Phó Dịch cả đời không tin Phật Pháp, chết rồi sẽ bị báo ứng như thế nào?” Những người đã chết đó nói: “Thiện ác tội phúc nhất định là có, Phó Dịch đã bị đày xuống địa ngục Nê lê rồi”. Lúc này Tiết Trách liền tỉnh lại, than thở nói rằng tội phúc không thể không tin.
Ngày hôm sau, Tiết Trách theo như giấc mộng mà đưa tiền cho Phó Dịch, cũng đem chuyện trong giấc mộng nói cho ông ta. Vài ngày sau, Phó Dịch đột nhiên mắc bệnh rồi qua đời.
Thiện ác hữu báo là thiên lý, đốt kinh sách, nhục mạ tăng nhân, hủy hoại tượng phật đều sẽ phải chịu quả báo nặng nề.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: