Các chuyên gia nuôi dạy trẻ lên tiếng cảnh báo: Đừng để trẻ em chìm đắm quá mức vào sản phẩm công nghệ, cũng đừng để chúng thay thế bạn trong việc nuôi dạy con cái.
Trong thời đại kỹ thuật số, các sản phẩm công nghệ xuất hiện khắp nơi, mang lại sự tiện lợi và thoải mái cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra những tác động tiêu cực, như khiến con người phụ thuộc quá mức, thậm chí là nghiện nó, nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư, suy giảm trí nhớ, v.v.
Các bậc cha mẹ bận rộn thường đưa cho con nhỏ một thiết bị điện tử nào đó để bản thân có thể rảnh tay làm những công việc khác; dần dần trẻ đã trở nên phụ thuộc quá mức vào các thiết bị điện tử mà cha mẹ cũng không thể lường được.
Công nghệ trong nuôi dạy trẻ, là tiện ích hay rủi ro?
Calvina Ellerbe, Phó giáo sư Xã hội học tại Đại học Bắc Carolina (University of North Carolina), đồng thời là nhà văn và chuyên gia nuôi dạy trẻ, đã viết trên trang Psychology Today rằng, nhiều bậc cha mẹ đang ở thế yếu trong cuộc chiến giành lại con cái khỏi sự chi phối của công nghệ.
Ellerbe cho biết, ngay từ khi trẻ chào đời, màn hình điện tử đã được sử dụng để giải trí, dỗ dành và giúp trẻ tiêu khiển, nó dần trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của trẻ. Vậy nên ngày nay không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang mải mê với điện thoại, iPad và TV.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử, và trẻ dưới 5 tuổi không nên sử dụng quá một giờ mỗi ngày.
Ellerbe cho biết, điều này khác biệt rõ rệt so với các chuẩn mực văn hóa truyền thống, khiến nhiều bậc cha mẹ phải bối rối. Tuy vậy, bà vẫn kêu gọi họ luôn ý thức về vai trò của mình và không để công nghệ thay thế việc nuôi dạy con cái.
Bà cho biết, với tư cách là mẹ của sáu đứa con, bà hiểu rằng các bậc cha mẹ thường muốn sử dụng công nghệ như một “bảo mẫu số” để giữ con cái ngoan ngoãn trong phòng. Họ cho rằng điều này giúp kiểm soát con tốt hơn mà không phải lo lắng về những nguy hiểm khi trẻ ra ngoài chơi.
Tuy nhiên, thời gian sử dụng màn hình quá nhiều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây tổn hại đến sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ. Những yếu tố này cũng quan trọng không kém đối với sức khỏe tổng thể của trẻ.
Một lý do khác khiến cha mẹ phụ thuộc vào công nghệ là họ cần thời gian để nghỉ ngơi hoặc làm việc khác. Bật TV hoặc đưa iPad cho con xem thực sự có thể giúp trẻ giải trí liên tục, nhờ đó cha mẹ không phải luôn ở bên chơi cùng con.
Tuy nhiên, trẻ em nên học cách chấp nhận sự buồn chán. Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng buồn chán có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, cải thiện sức khỏe tâm lý và nâng cao kỹ năng xã hội. Dạy trẻ cách thích nghi với sự tĩnh lặng và tìm ra những cách sáng tạo để tương tác với môi trường xung quanh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của chúng.
Chiến lược giành lại quyền kiểm soát từ công nghệ
Ellerbe chỉ ra rằng các bậc cha mẹ không nên để sự tiện lợi, thoải mái hay ảnh hưởng văn hóa quyết định cách họ nuôi dạy con cái. Dưới đây là bốn chiến lược giúp cha mẹ giành lại quyền kiểm soát từ công nghệ và tái thiết lập quyền kiểm soát.
1. Tự giáo dục
Hãy tự làm quen với các công nghệ hiện có và đánh giá chi phí cũng như lợi ích của việc sử dụng mạng xã hội và màn hình điện tử, để hiểu rõ công nghệ ảnh hưởng đến con bạn như thế nào. Kiến thức sẽ giúp bạn có quan điểm rõ ràng, dựa trên sự thật thay vì nỗi sợ hãi. Bạn cũng có thể tương tác với con bằng cách cùng nhau khám phá các nền tảng học tập mới.
2. Sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên thực tế để giao tiếp rõ ràng
Nếu bạn chỉ nói với con rằng: “Trước 18 tuổi, con không được có tài khoản mạng xã hội vì điều đó không có lợi cho con”, thì cách này sẽ không hiệu quả.
Bạn nên giải thích lý do đằng sau quyết định của mình theo cách phù hợp với sự phát triển cá nhân và mục tiêu dài hạn của con. Những lời giải thích rõ ràng và mang tính xây dựng có thể giúp con hiểu hơn và khuyến khích chúng hình thành quan điểm lâu dài về hạnh phúc của chính mình.
3. Làm gương cho con
Ưu tiên tương tác trực tiếp thay vì sử dụng công nghệ. Hãy cố gắng không để con phải chờ đợi sự chú ý của bạn chỉ vì bạn đang bận dùng thiết bị điện tử.
Bạn nên thể hiện rằng mối quan hệ giữa con người với nhau là quan trọng hơn, đồng thời tạo ra một môi trường – nơi sự sáng tạo và tương tác trực tiếp trở thành thói quen.
4. Xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa cha mẹ và con cái
Cha mẹ không thể sống thay cuộc đời của con. Đôi khi, trẻ sẽ trải nghiệm những điều mới mà không có sự giám sát của cha mẹ. Điều quan trọng là xây dựng một mối quan hệ đủ bền chặt để con sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm của mình với bạn.
Khi con trưởng thành, việc duy trì mối quan hệ vững chắc càng trở nên quan trọng hơn. Xây dựng lòng tin và giao tiếp cởi mở sẽ giúp con tìm đến bạn để được hướng dẫn, thay vì phụ thuộc vào những ảnh hưởng bên ngoài.
Ellerbe kết luận rằng trong thời đại kỹ thuật số, việc nuôi dạy con một cách có chiến lược là điều vô cùng quan trọng. Công nghệ tuy mang lại nhiều lợi ích rõ ràng, nhưng không thể thay thế vai trò của sự quan tâm và gắn kết tích cực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Bằng cách tự giáo dục, giao tiếp hiệu quả, làm gương và xây dựng mối quan hệ bền chặt, chúng ta có thể nuôi dạy những đứa trẻ có sự cân bằng, sáng tạo và giỏi giao tiếp.
Hãy giành lại quyền kiểm soát, đảm bảo rằng công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ, chứ không phải là người thay thế cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.
Theo Epoch Times