Những câu nói kỳ lạ của hai người phụ nữ phải đến mãi về sau Mã Đạc mới có thể hiểu ra, quả thực là con người có định số.
- Con người có định số, nhưng việc thiện ác có thể cải biến vận mệnh
- Dịch bệnh xuất hiện ở đâu và ai có thể bình an, tất thảy đều có định số
Bất ngờ gặp phải một cô gái bị chết bên đường
Mã Đạc là nhân sĩ ở Trường Lạc (nay là huyện Trường Lạc, Phúc Kiến). Năm Vĩnh Lạc thứ 9 (năm 1411), Mã Đạc vào kinh đi thi. Có một ngày, ông đang đi đường thì thấy có xác của một cô gái nằm ở ven đường. Mã Đạc nhìn thấy thế thì không đành lòng, vì vậy đã cởi áo của mình mà đắp cho thi thể. Sau đó đem thi thể đến một khu mộ cổ để an táng.
Làm xong xuôi thì cũng mất khá nhiều thời gian. Lúc này ngẩng lên thì thấy cánh đồng hoang vu mờ mịt, màn đêm thì đã buông xuống. Đang lúc cảm thấy lạnh lẽo và có phần đáng sợ, thì ông thấy phía xa xa có một ánh đèn nhỏ. Ông liền đi tới xem thử, thì ra đó là một căn nhà lá trong rừng thưa.
Ông đánh bạo gõ cửa để xin ngủ nhờ qua đêm. Không ngờ mở cửa ra lại là một thiếu phụ. Người thiếu phụ này sau khi hỏi và biết ý định của Mã Đạc, thì liền đồng ý cho ông ở lại. Việc này lại khiến cho Mã Đạc có phần do dự. Ông quay đầu nhìn lại thì thấy trời đã tối đen như mực, mà bản thân vất vả cả ngày cũng đã rất mệt mỏi; không còn cách nào khác, đành đi vào trong nhà và nghỉ ngơi.
Người thiếu phụ đọc câu thơ khó hiểu
Ông cúi đầu không dám nhìn người thiếu phụ, cũng không nói nhiều, chỉ quay đầu vào ngủ; chắc do quá mệt nên ông nhanh chóng ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh lại thì trời đã sáng rồi, ông liền vội vã cáo biệt người thiếu phụ và lên đường. Người thiếu phụ không nói lời từ biệt, mà chỉ đọc mấy câu:
Hàn dạ đa mông đáo thiếp gia, lô trung vô hỏa vị phanh tra.
Lang quân thử khứ đăng kim bảng, vũ đả vô thanh cổ tử hoa.
Tạm dịch nghĩa:
Đêm rét tối tăm đến thiếp gia, trong lò không lửa không pha trà.
Lang quân lần này đỗ bảng vàng, mưa rơi không tiếng cổ tử hoa (một loại hoa)
Mã Đạc vừa nghe vừa cúi đầu đi ra ngoài, cảm thấy 3 câu đầu đều có thể hiểu được; duy chỉ có câu cuối là không hiểu có ý gì, muốn hỏi một chút cho rõ ràng. Nhưng vừa quay đầu lại thì kinh ngạc phát hiện ra nhà cửa và người thiếu phụ đã biến đâu mất rồi; chỉ thấy có cây cối sum suê, và một khoảng đất trống, chỗ ngủ thì ra chính là một tảng đá lớn.
Gặp người phụ nữ giữa ruộng
Lại có một ngày kia, Mã Đạc đi qua một con đường mòn ở trong ruộng. Con đường mòn này chỉ vừa cho một người đi. Ông đang đi thì có một người phụ nữ gánh củi chặn lại. Mã Đạc muốn lui lại để tránh đi, nhưng nếu như vậy thì phải lui hơn nửa dặm đường (0,5km). Trong tâm ông vì vậy mà có chút chần chừ.
Người phụ nữ kia nhìn thấu tâm tư của ông, liền chủ động lên tiếng: “Nhìn tiên sinh thì chắc là đang vào kinh đi thi. Tôi có một câu đối, nếu ngài đối được thì tôi xin lội xuống bùn nước để nhường đường. Nếu đối không được, vậy ngài chịu khó lội xuống ruộng hoặc là quay đầu lại. Ngài thấy sao?”
Đưa ra vế đối hóc búa
Mã Đạc thầm nghĩ, “Nếu để cho một người nông dân gây khó dễ, vậy thì mình còn vào kinh đi thi làm gì nữa?”. Ông vui vẻ đồng ý. Người phụ nữ đó mới nhấc một cái chân lên đưa về phía Mã Đạc rồi nói:
“Con gái tôi giỏi thêu thùa, hơn nữa rất thích thêu hoa cúc. Đôi giày này là con gái tôi làm đấy. Chỉ là giày của chính nó thì thêu hoa cúc, mà giày của tôi thì lại thêu nhụy hoa cúc. Tôi hỏi nó vì sao lại như vậy, nó nói: ‘Mẹ mỗi sáng sớm đều đi ra ngoài, cỏ ở bên đường có nhiều sương; nhụy gặp phải sương thì không phải là sẽ nở ra hay sao?’
Nhưng cái nhụy hoa cúc trên giày của tôi từ trước tới giờ cũng chưa có nở ra. Cho nên mới nói đùa thành một câu đối là: ‘Thanh hài tú cúc, triêu triêu thích lộ nhị nan khai’ (tạm dịch: Đôi giày thêu cúc, ngày ngày đá sương nhụy khó nở). Nhưng mà câu đối trên tôi thấy chưa hay. Tiên sinh học rộng biết nhiều, xin hãy chỉ bảo cho đôi câu đối này”.
Được chọn làm trạng nguyên
Vừa nghe xong, Mã Đạc cảm thấy cũng không khó đối lắm. Nhưng nghiêm túc suy nghĩ một lát, thì lại cảm thấy là rất khó. Hơn nữa vì đang nóng lòng lên đường đi thi, nên suy nghĩ cũng không thông thoáng cho được. Cứ thế suy nghĩ một hồi, cảm thấy nhất thời cũng không đối lại được, lại cũng không muốn trễ nải thời gian. Vì vậy đang định cởi giày mà lội xuống nước.
Bỗng nhiên lúc này có một âm thanh vang lên. Dường như là có một cái gì đó bay qua. Ông ngẩng đầu lên, thì người phụ nữ kia đã không thấy đâu nữa rồi. Trước mắt chỉ thấy bờ ruộng dọc ngang, đường mòn thẳng tắp thông ra đại lộ. Vậy là ông lại nhanh chóng lên đường, vừa đi vừa nhớ lại tình cảnh lúc nãy; nghiền ngẫm câu đối vừa rồi, trong tâm cảm thấy kinh ngạc.
Cuối cùng cũng đến kinh thành và ông làm bài rất thuận lợi. Sau khi nộp bài trong kỳ thi Đình. Chủ khảo thấy ông hai bên mai tóc lấm tấm bạc, tướng mạo rất giống với hoàng đế Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ), trong tâm tự thấy kỳ lạ. Sau khi đọc qua văn chương của ông, lại thấy bút lực hùng mạnh, trình độ thuần thục; liền hết lòng tiến cử bài thi này, muốn tuyển chọn làm trạng nguyên.
Hoàng đế đích thân thử tài
Không ngờ tể tướng Bạch Vân Khánh có một người con gái mới lớn; muốn tuyển trạng nguyên làm chồng. Người mà tể tướng nhắm đến là Lâm Chí. Lâm Chí là người ở Phúc Châu, khi thi Hương và thi Hội thì đều đứng đầu. Hơn nữa lại là thiếu niên anh tuấn, đúng là rất phù hợp để làm con rể. Lâm Chí tự mình cũng cảm thấy có thể đỗ trạng nguyên. Về sau nghe nói muốn cho Mã Đạc làm trạng nguyên thì trong tâm Lâm Chí không vui, và cảm thấy không phục.
Bạch Vân Khánh hay tin người được chọn làm trạng nguyên là Mã Đạc đã hơn 50 tuổi, thì cũng rất tức giận. Vì vậy dùng hết trăm phương ngàn kế, muốn vì Lâm Chí mà xoay chuyển tình thế. Nhưng vị chủ khảo rất kiên quyết, một bước cũng không nhượng bộ.
Hoàng đế Vĩnh Lạc biết được việc này. Vì vậy mới lệnh cho hai người lên điện để đích thân kiểm tra. Hai người lên điện khấu bái xong thì đứng sang một bên. Hoàng đế thấy Mã Đạc tuổi tác tuy lớn nhưng rất vững vàng; tướng mạo lại rất giống mình, cũng cảm thấy có phần kỳ lạ. Lại thấy Lâm Chí thiếu niên nho nhã, khí vũ hiên ngang, thì cũng thấy ưng ý.
Lúc đó hoàng đế đang cầm một cái quạt trắng có vẽ hoa mai, liền ra đề rằng: “Bạch phiến họa mai, nhật nhật nghênh phong hoa bất động” (tạm dịch: Quạt trắng vẽ mai, mỗi ngày đón gió hoa không động).
Con người có định số
Lâm Chí nhất thời không đối lại được, Mã Đạc lập tức đối ngay: “Thanh hài tú cúc, triêu triêu thích lộ nhị nan khai” (đây chính là vế đối mà người phụ nữ gánh củi đã đưa ra)
Hoàng đế cao hứng gật đầu một cái, lại chỉ vào một chậu linh nhi thảo (một loại hoa) ngoài điện mà ra đề: “Phong xuy bất động linh nhi thảo” (tạm dịch: Gió thổi không lay linh nhi thảo).
Mã Đạc lại tùy ý mà đối rằng: “Vũ đả vô thanh cổ tử hoa” (câu cuối mà người thiếu phụ đã nói).
Hoàng đế thấy Mã Đạc đối đúng mà lại rất nhanh, liền luôn miệng khen ngợi: “Quả là trạng nguyên tài năng! Quả là trạng nguyên tài năng!” Ở phía dưới, các quan đều đồng loạt chúc mừng, Lâm Chí cũng tỏ ra bội phục. Vậy là Mã Đạc đã chính thức trở thành trạng nguyên.
Phải đến lúc này thì Mã Đạc mới hiểu được những lời mà hai người phụ nữ nói với ông có nghĩa là gì. Các vị Thần có thể vì cảm động bởi lòng thiện lương của ông – không quản mệt nhọc mà chôn cất cho thi thể cô gái ở ven đường, nên mới tìm cách diễn vật hóa vật để gợi ý trước cho ông.
Quả thật là con người có định số, muốn sống cho trọn kiếp nhân sinh thì cách tốt nhất đó là hãy lựa chọn thiện lương.
Theo Epoch Times