Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”, trong trăm điều thiện thì hiếu thảo là tốt đẹp nhất, trong vạn điều ác thì dâm loạn là xấu xa nhất. Vậy một người vừa có lòng hiếu thảo, lại vừa phạm tội dâm loạn, thì nên giáng tội hay ban phúc?
- Tâm thành tắc linh: Cô gái hiếu thảo làm cảm động Thần linh
- Trong mệnh được làm Tể tướng nhưng vì dâm loạn mà bị xóa bỏ
Một viên quan huyện đã tình cờ nghe được các vị Thần linh bàn về vấn đề này và ghi chép lại. Lần đó viên quan huyện có việc nên đi đến Trương Gia Khẩu (Trung Quốc). Bởi vì công việc rất gấp nên phải tranh thủ thời gian, nhưng đêm hôm đó đi đường thì lại bị lạc mất, cuối cùng đành phải trú tạm trong một cái miếu Thần để nghỉ ngơi. Một lát sau ông liền nghe thấy có tiếng người huyên náo, ông đứng dậy xem thử thì thấy bên ngoài đèn đuốc lập lòe, xa xa nhìn thấy một nhóm người đi xe ngựa đang tiến vào miếu Thần.
Viên quan huyện là người học rộng biết nhiều, lập tức hiểu rằng đây là các vị Thần linh, ông liền núp ở một góc trong miếu để quan sát. Lúc này chỉ thấy mấy vị quý quan cùng nhau bước vào từ đường và ngồi xuống. Bên trái dường như là Thành Hoàng, còn 4, 5 vị ở giữa thì không biết là Thần gì. Viên quan âm phủ ôm sổ ghi chép đặt lên trên án, các vị Thần bắt đầu kiểm tra từng cái một. Viên quan huyện cẩn thận lắng nghe xem họ nói gì. Đây là các vị Thần đang kiểm tra việc thiện ác ở một địa phương nào đó.
Có một vị Thần nói: “Có người con dâu phụng dưỡng cha mẹ chồng, về mặt lễ tiết thì cũng coi là hiếu thảo, nhưng về vấn đề tình cảm thì lại làm không tốt. Có người con dâu cũng làm cho cha mẹ chồng vui lòng, nhưng đằng sau lưng lại nói lời oán hận cha mẹ chồng với chồng.”
Có một vị Thần khác nói: “Hiện tại đạo đức suy thoái, lòng người đổi thay, đạo Thần cũng chú trọng đến việc làm điều thiện, giúp đỡ mọi người. Luật pháp ở âm phủ quy định, phụ nữ hiếu thuận kéo dài tuổi thọ thêm 12 năm. Đối với hai cô con dâu này thì giảm đi một nửa, kéo dài tuổi thọ thêm 6 năm là được rồi.” Các vị Thần đều gật đầu nói phải.
Một lát sau, có một vị Thần nói: “Có một người con dâu rất hiếu thuận, nhưng lại cũng rất dâm đãng, vậy thì xử trí như thế nào đây?”
Một vị Thần ở bên cạnh nói: “Cứ theo pháp luật trên dương thế, phạm tội dâm loạn thì phạt đánh gậy, còn nếu bất hiếu thì phải chém đầu, có thể thấy tội bất hiếu là nặng hơn tội dâm loạn. Bởi vì tội bất hiếu nặng hơn, nên phúc của người có hiếu cũng lớn hơn. Tội nhẹ không thể tước đi phúc lớn, nên miễn tội dâm loạn cho cô ta, chỉ cần dựa vào lòng hiếu thuận của cô ta mà tăng thêm phúc.”
Lúc này có một vị Thần không đồng ý nói: “Phụng dưỡng người già, đây chỉ là việc hiếu nhỏ nhặt; hành vi thiếu chuẩn mực làm nhục cha mẹ chồng, đây là tội bất hiếu lớn. Công lao của việc hiếu nhỏ không thể chuộc cho tội bất hiếu lớn được. Vậy nên bất luận cô ta hiếu thuận như thế nào, chỉ cần dựa vào việc dâm loạn của cô ta mà luận tội.”
Một vị Thần khác lại nói: “Hiếu thuận là đại công đức, nhưng cũng không phải vì thế mà những tội ác khác có thể bỏ qua được; dâm loạn là đại tội ác, nhưng cũng không phải vì thế mà những việc thiện khác có thể xóa bỏ đi được. Cần phải có chút báo ứng, tội dâm loạn thì bị ác báo, lòng hiếu thuận thì được thiện báo.”
Lúc này một vị Thần ngồi bên cạnh cung kính hỏi: “Tội và phúc có thể bù lại cho nhau được không?”
Một vị Thần khác nghiêng đầu sang nói: “Dùng dâm loạn để tước đoạt đi phúc của hiếu thuận, vậy thì sẽ khiến người ta hoài nghi là hiếu thuận không đắc được phúc báo; dùng hiếu thuận để miễn trừ đi tội dâm loạn, vậy thì sẽ khiến người ta hoài nghi là dâm loạn cũng không có tội gì. Tội phúc bù lại cho nhau thì e rằng không được rồi.”
Cách đó vài chỗ ngồi, một vị Thần nghiêng người tới trước nói: “Chỉ bởi vì có hiếu mà dù có dâm loạn tới mức nào cũng không tăng thêm tội, điều này chẳng phải sẽ khiến người ta ngày càng coi trọng hiếu thuận hay sao? Chỉ bởi vì dâm loạn mà dù có hiếu thuận đến cỡ nào cũng không tăng thêm phúc, điều này chẳng phải sẽ khiến người ta không dám dâm loạn nữa hay sao? Tội phúc bù lại cho nhau cũng tương đối thỏa đáng.”
Nghe những lời này, vị Thần chính giữa trầm tư hồi lâu rồi nói: “Xử lý chuyện này, quan hệ tương đối trọng đại, chắc phải xin ý kiến của Thiên Tào đã rồi mới đưa ra quyết định được.”
Tiếng nói vừa dứt, toàn bộ các vị Thần đứng dậy, mỗi người đều đi lên xe ngựa của mình và rời đi.
Viên quan huyện đã âm thầm chép lại cuộc hội thoại của các vị Thần. Ghi chép này cứ như vậy mà được lưu truyền cho tới ngày nay.
Theo Vision Times