Vẫn thường nghe nhiều câu chuyện về việc hổ vồ chết và ăn thịt người, nhưng học giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh đã tiết lộ một bí mật khiến nhiều người kinh ngạc, đó là “hổ không ăn thịt người, chỉ ăn cầm thú”.
Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”, học giả Kỷ Hiểu Lam đã chép lại một câu chuyện kể rằng, mẹ của Kỷ Hiểu Lam là Trương Thái phu nhân, từng mướn một người cùng họ Trương giúp trông coi việc bếp núc trong nhà. Bà Trương quê ở Phòng Sơn, Bắc kinh, nhà bà ở sâu trong vùng núi phía tây.
Người đàn ông vô tình gặp Thần hổ
Bà Trương kể lại rằng, quê bà có một người đàn ông rất nghèo, vì quá khó khăn nên đành rời bỏ quê hương đi nơi khác tìm đường mưu sinh.
Anh đi bộ hơn nửa ngày, tới khi trời chạng vạng tối thì cảm thấy như lạc đường. Nhìn đường núi quanh co gập ghềnh, mây đen u ám, không biết phải làm sao. Bất đắc dĩ, anh đành ngồi xuống một gốc cây khô, chờ trời sáng tìm đường rồi đi tiếp.
Đột nhiên, anh trông thấy một người từ trong rừng đi ra, theo sau có ba, bốn người nữa. Những người này tướng mạo dữ tợn, thân hình cao lớn, không giống người bình thường. Anh nghĩ rằng đó là thần núi hoặc quái vật, không thể trốn được nên đành khom người quỳ lạy, khóc lóc kể rõ sự khốn khổ của mình.
Người kia bèn nói: “Ngươi không cần phải sợ, ta sẽ không làm hại ngươi. Ta là Thần hổ, chuyên phụ trách về loài hổ, hôm nay ta đến phân chia thức ăn cho hổ. Chờ hổ ăn người nào xong, ngươi hãy lấy quần áo của người đó, cũng có thể đủ sống”.
Thế là người đó dẫn anh ta đến một chỗ an toàn. Sau đó Thần hổ gầm lớn một tiếng, hổ từ khắp nơi lao tới tụ tập, Thần hổ giơ tay ra lệnh, rồi nói những lời gì đó với đám hổ mà người thường không thể hiểu được. Một lúc sau, đàn hổ tản đi, chỉ còn lại một con hổ nằm trong bụi cỏ.
Một lúc sau, có một người đàn ông gánh hàng đi tới, lúc gánh ngang qua núi, con hổ nhảy tới định vồ nhưng lại bất ngờ tránh ra và lui xuống, người kia vội bỏ chạy. Một lúc sau, có một người phụ nữ đi ngang qua, con hổ nhanh chóng lao ra ăn thịt cô ta.
Hổ chỉ ăn thịt cầm thú, không ăn thịt người
Sau khi hổ ăn xong, Thần hổ nhặt quần áo của người phụ nữ kia lên, lấy ra mấy lạng bạc đưa cho anh ta rồi giải thích:
“Hổ không ăn thịt người, chỉ ăn thịt cầm thú. Người mà nó ăn tuy mang hình người, nhưng không có tính người”.
“Những người vẫn còn lương tâm, trên đầu nhất định có linh quang – là một vầng sáng bao quanh đầu, hổ thấy vậy thì sẽ tránh đi. Còn những kẻ táng tận lương tâm, linh quang trên đầu đã mất hết, tức là kẻ đó không khác gì cầm thú, hổ biết đó là thức ăn”.
“Người đàn ông gánh hàng khi nãy, mặc dù tính tình thô bạo, thậm chí có lúc cướp giật, không nói đạo lý. Nhưng những đồ cướp được, hắn không quên nuôi chị dâu góa bụa và đứa cháu nhỏ, giúp mẹ con họ không bị đói rét. Vì một thiện niệm này, mà linh quang trên đầu hắn còn một chút sáng. Hổ thấy dù chỉ một điểm linh quang nhỏ còn lưu lại, cũng sẽ tránh, không dám ăn”.
“Còn về người phụ nữ kia, cô ta bỏ rơi chồng mình, tự ý lấy người khác. Hơn nữa còn ngược đãi con riêng của chồng mới, đánh đập đứa nhỏ tới nỗi thương tích đầy mình. Lại còn trộm tiền của chồng, cho con gái riêng của mình, đó chính là số tiền trong quần áo của cô ta. Người đàn bà này đã làm rất nhiều việc ác, nên linh quang tiêu tận, trong mắt hổ thì đã không còn là người mà chỉ là thức ăn”.
“Ngươi hôm nay gặp được ta, cũng là vì ngươi tâm địa thiện lương; một lòng phụng dưỡng, hiếu thuận với kế mẫu. Trên đỉnh đầu ngươi có linh quang cao hơn một thước, nên ta mới giúp ngươi; chứ không phải vì ngươi quỳ bái ta mà ta giúp ngươi. Ngươi hãy làm thật nhiều việc thiện, chắc chắn sẽ có hậu phúc”.
Thần hổ nói xong thì chỉ đường cho anh ta về nhà. Anh ta đi mất một ngày một đêm cuối cùng cũng về tới nhà.
Về tới nhà, anh ta đã kể cho mọi người nghe về câu chuyện mà mình đã tận mắt chứng kiến, cũng như những lời dặn dò của Thần hổ. Sau khi nghe được câu chuyện này, rất nhiều người đã trở nên lương thiện hơn.
Qua câu chuyện có thể thấy, Thần luôn thông qua những người thiện lương để truyền tới thế nhân những lời nhắc nhở, khuyên con người hướng thiện để tránh tai họa và đắc phúc báo.
Ngày nay, dịch bệnh giáng xuống, giống như mãnh hổ lao tới, Thần cũng là thông qua ôn dịch mà muốn nhắc nhở con người đạo lý “hổ không ăn thịt người, chỉ ăn thịt cầm thú”, dịch bệnh cũng chỉ trừng phạt người đã mất hết lương tâm, chứ không làm hại người tốt.
Theo Vision Times