Kiếp người hữu hạn, vụt qua một thoáng. Có người ham ăn ham ngủ, vùi mình trong mê mẩn trần thế, có biết đâu thời gian của bản thân cũng sắp hết rồi…
Vị tỳ kheo ham ngủ
Đức Phật Thích Ca thường dạy các đệ tử của ngài khi học Phật Pháp phải thật nghiêm túc, phải dụng tâm, tuyệt đối không được lười biếng. Đa số các đệ tử đều tuân theo lời căn dặn của Đức Phật, chăm chỉ tu hành; rất nhiều đệ tử vì vậy mà đã chứng đắc được quả vị, tiêu trừ được rất nhiều phiền não và thống khổ. Nhưng lại có một vị tỳ kheo không chịu cố gắng, khi người khác đả tọa tu hành thì ông lại ngủ. Các sư huynh khuyên ông nhiều lần, nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy.
Tật xấu lớn nhất của vị tỳ kheo này chính là ngủ. Mỗi ngày cứ ăn no xong là lại ngủ, lúc ngủ còn đóng chặt cửa lại, một mình ở trong phòng nằm ngủ; người khác gọi thế nào cũng không dậy.
Một buổi trưa nọ, vị tỳ kheo sau khi đi khất thực trở về, liền trở về phòng của mình và nằm xuống ngủ. Ông ngủ ngáy lên như sấm, cứ như thế cho đến tận ngày hôm sau.
Sáng hôm sau là ngày Đức Phật thuyết pháp trước đại chúng. Tất cả đệ tử đều tới, duy chỉ có vị tỳ kheo kia thì vẫn đang ngủ nên không tới.
Đức Phật hỏi: “Đệ tử ham ngủ đó tại sao không đến?”
Một đệ tử vội vàng đứng lên trả lời: “Bạch Thế Tôn! Ông ấy ngủ từ trưa hôm qua đến giờ còn chưa dậy; chúng con gọi thế nào ông ấy cũng không dậy”.
Cứ mãi mê man, đâu biết thời gian của bản thân đã sắp hết
Đức Phật nhớ ra rằng, người tỳ kheo ham ngủ này chỉ còn sống được 7 ngày nữa; nếu cứ để ông ta chết trong ngủ mê man như thế, vậy thì cuối cùng ông ta sẽ không đắc được gì cả. Đức Phật động lòng thương xót, vì vậy trước tiên để cho các đệ tử tụng đọc kinh sách, còn ngài đi với A-nan đến phòng của người tỳ kheo ham ngủ.
Đức Phật và A-nan còn chưa đi tới thì từ xa đã nghe thấy tiếng ngáy như sấm, cứ hết trận này đến trận khác. Sau khi đẩy cửa phòng ra, tiếng ngáy lại càng lớn hơn. Vị tỳ kheo kia vẫn nằm cuộn tròn ở trên giường, ngủ say không biết gì.
A-nan trước tiên gọi mấy tiếng, nhưng vị tỳ kheo không có phản ứng chút nào. Sau đó Đức Phật đi đến trước giường của người tỳ kheo, dùng ngón tay nhẹ nhàng lay ông ta, người tỳ kheo lúc này mới tỉnh dậy.
Vị tỳ kheo thấy Đức Phật đứng ngay phía trước thì vội vàng đứng dậy đảnh lễ nói: “Đức Phật tôn kính xin thứ lỗi cho đệ tử vô lễ”.
Đức Phật nói với ông rằng: “Con chỉ còn sống được 7 ngày nữa thôi. Ta không thể nhẫn tâm nhìn thấy con chết trong mê man mà không đắc được chính quả; vì vậy mới đặc biệt đến đây đánh thức con”.
Vị tỳ kheo kinh ngạc, ông không ngờ rằng mình chỉ còn sống được 7 ngày nữa; ông sợ hãi không biết phải làm như thế nào.
Sửa chữa lỗi lầm, đắc quả vị
Đức Phật an ủi rằng: “Đây là số mệnh của con. Mấy đời trước con đi tu nhưng chỉ biết ăn ngủ, chưa hề suy nghĩ đến Phật Pháp, cũng không tuân thủ giới luật. Bởi vì con đã không gieo được phúc đức gì, cho nên cuối cùng đã chuyển sinh thành sâu gạo, cứ như vậy trải qua 50.000 năm. Sau đó lại chuyển sinh thành ốc, trai và con sâu trong thân cây, mỗi lần như vậy đều trải qua 50.000 năm.
Đời trước của con đều thích ở tại những nơi mờ tối không có ánh sáng. Hơn nữa rất yêu quý thân thể và sinh mệnh của bản thân. Đặc biệt hơn là 4 loại sinh mệnh đó đều thích ngủ, mỗi lần ngủ là hơn 100 năm; hoàn toàn không biết làm thế nào để cầu tiến. Trải qua 200.000 năm, con mới chuộc được tội nghiệp trong tiền kiếp, cho nên kiếp này con mới có thể đầu thai thành người. Hơn nữa lại có thể xuất gia làm tỳ kheo.
Vì vậy khi làm tỳ kheo con nên siêng năng tu hành, nghiêm túc nghiên cứu, bù đắp cho những nuối tiếc của mình. Không ngờ bây giờ con lại ham ăn ham ngủ giống như 200.000 năm trước; vì sao con ngủ mãi mà vẫn không thấy đủ? Con đừng quên kết cục của 200.000 năm trước”.
Vị tỳ kheo nghe Đức Phật nói xong thì xấu hổ đến đỏ mặt, vội vàng hướng Đức Phật sám hối. Ông tự trách mình và ăn năn hối cải; từ đó tiêu trừ hết tạp niệm, tinh tấn tu hành và cuối cùng cũng đắc được quả vị A la hán.
Người tu luyện phải dũng mãnh tinh tấn
Đôi khi bạn nghĩ cuộc đời còn dài lắm, nhưng không biết cái chết sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Đến lúc đó thì những điều bạn muốn làm và nên làm thì bạn đã làm xong chưa? Có lẽ chỉ có thể là tiếc nuối.
Người tu luyện phải dũng mãnh tinh tấn, nắm chắc từng phút giây, bớt ham ngủ đi một chút, tu luyện nhiều hơn một chút, như vậy mới có thể thành chánh quả.
Theo Epoch Times