Cách tốt nhất để hòa hợp với mọi người là phải chấp nhận được sự khác biệt, đồng thời tìm ra điểm mạnh của người khác để học hỏi.
- Người hay nói ra những lời này thì cần cân nhắc khi giao tiếp
- Đừng cho lòng tốt của người khác là điều đương nhiên
Triết gia Bertrand Russell từng nói: Chúng ta cần biết rằng sự đa dạng của cuộc sống này chính là nguồn gốc của hạnh phúc.
Trong cuộc sống, mỗi sinh mệnh đều là một cá thể riêng biệt, có sở thích, tính cách, đặc điểm khác nhau. Nếu bạn chỉ dùng tiêu chuẩn của cá nhân để đo lường tất cả mọi người thì bạn chỉ thấy những người khiến bạn chán ghét và những điều làm bạn không hài lòng. Cho nên, hãy nhìn vào điểm mạnh của người khác để học hỏi và mở rộng lòng bao dung để chấp nhận những điều khác biệt.
Học hỏi điểm mạnh của người khác
Tư Mã Ý từng nói: “Nhìn khuyết điểm của một người thì thiên hạ không có ai để làm bạn; Nhìn vào ưu điểm của một người thì tất cả mọi người trên thế gian đều là thầy của ta”.
Sách Luận Ngữ viết rằng: “Ba người đi cùng tất có người là thầy của ta”.
Trên đời này không có ai hoàn hảo mà không có một khuyết điểm nào. Thế nên, khi bạn có thể tập trung vào điểm mạnh của đối phương, bạn sẽ phát hiện rằng, bất kỳ ai trên đời cũng đều có điểm đáng để bạn học hỏi và tôn trọng.
Một sinh mệnh hoàn hảo không phải vừa sinh ra đời đã là một sinh mệnh tuyệt vời, mà vì họ không ngừng hoàn thiện bản thân và khiêm tốn học hỏi từ người khác.
Nếu bạn chỉ tập trung vào khuyết điểm của người khác thì bất kỳ hành vi nào của họ cũng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, hãy chú ý nhiều hơn đến điểm mạnh của người khác và khiêm tốn xin lời khuyên của họ, thì tự nhiên bạn sẽ trở nên ngày càng ưu tú hơn.
Có một người tu hành phàn nàn với một vị đại sư: “Thầy của con không đủ giỏi. Thầy thường làm những điều vi phạm giới luật, nên con không thể học được từ thầy”.
Vị đại sư nghe xong liền lấy một nắm đường ném xuống cát. Một lúc sau, đàn kiến đi thành từng nhóm để mang đường đi.
Vị đại sư chỉ vào đàn kiến và hỏi: “Hãy nhìn những con kiến này, tại sao chúng chỉ đem đường đi mà không đem cát đi?”
Người tu hành đáp: “Con kiến không ngu ngốc, chúng đem cát đi cũng vô ích mà thôi, tất nhiên chúng chỉ đem đường đi rồi.”
Vị đại sư mỉm cười rồi hỏi: “Vậy tại sao con luôn nhìn vào khuyết điểm của thầy mà không học những điều có ích cho mình? Học theo cách này chẳng phải sẽ hiệu quả hơn sao?”
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là “hiệu ứng hào quang”, khi một người có ấn tượng tốt hay xấu về người khác thì ấn tượng đó sẽ lan rộng ra toàn diện con người của đối phương, cho rằng toàn bộ con người của đối phương đều có những đặc điểm như vậy.
Khi bạn tập trung vào những khuyết điểm của người khác, bạn sẽ tự động bỏ qua những ưu điểm của họ và coi thường họ ở mọi phương diện.
Một người thực sự thông minh có thể phát hiện ra những điểm sáng ở người khác để bù đắp những khuyết điểm của bản thân và giúp bản thân hoàn thiện mỗi ngày.
Bao dung cho sự khác biệt của người khác
Trang Tử nói: “Người đời đều thích những người giống mình mà ghét những người khác với mình”.
Kỳ thực, trên đời không có hai chiếc lá giống hệt nhau, nếu không thể chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác thì bạn không có cách nào có thể sống hài hoà với người khác được.
Trong một quyển sách có một câu chuyện như vậy:
Sau khi tốt nghiệp, Gaspar vào một công ty, nhờ tính cách vui vẻ, anh nhanh chóng chiếm được tình cảm của đồng nghiệp.
Hàng ngày trong giờ nghỉ trưa, mọi người đều thích trò chuyện với anh.
Theo thời gian, Gaspar nhận thấy anh không còn hứng thú với việc trò chuyện cùng họ và cho rằng nói chuyện với họ chỉ lãng phí thời gian.
Sau đó, mọi người nhận thấy tâm lý bài xích của Gaspar và ngừng mời anh tham gia các hoạt động.
Dần dần, anh cảm thấy trong lòng vô cùng cô đơn, lúc làm việc cũng không thể tập trung được.
Ông chủ nhận thấy tâm trạng của anh thay đổi, nên vào một ngày cuối tuần, ông mời anh đến sân trượt băng để xem con trai của ông trượt băng.
Gaspar nghi hoặc hỏi: “Anh đã tới sân trượt băng rồi, tại sao không đi trượt băng?”
Ông chủ mỉm cười nói: “Tôi không thích trượt băng, nhưng con trai tôi thì thích. Tôi tôn trọng cách sống của nó và cùng tận hưởng niềm vui với nó”.
Nhìn vẻ mặt khó hiểu của Gaspar, ông nói đầy ẩn ý: “Vạn vật đều có cách sống riêng, mây sống cách của mây, mưa sống cách của mưa. Sở dĩ thế giới này đẹp đẽ như vậy là vì khi chúng ta kiên quyết theo đuổi cách sống của riêng mình, chúng ta cũng đang bao dung chấp nhận những cách sống của người khác”.
Sau cuộc trò chuyện, Gaspar bắt đầu chủ động tham dự các buổi họp mặt đồng nghiệp và lắng nghe cẩn thận ý kiến của người khác.
Anh nhận thấy rằng những chủ đề mà anh từng bài xích hay coi thường hóa ra lại rất thú vị, và nhiều cách nhìn độc đáo đã khiến anh thấy như là mình được khai sáng.
Khi ngày càng thấu hiểu mọi người, anh đã xây dựng được mối quan hệ sâu sắc với các đồng nghiệp của mình.
Một lần, anh tham gia một cuộc thi hùng biện và rất ngạc nhiên khi biết rằng một nửa số khán giả là đồng nghiệp và bạn bè của anh.
Russell nói: Khi hoa hồng và hoa nhài cùng nở, khu vườn sẽ mang một vẻ đẹp độc đáo.
Sự tươi đẹp muôn màu của cuộc sống không thể thiếu được sự đa dạng và khác biệt giữa từng cá thể.
Nếu bạn bị giới hạn trong thế giới của riêng mình, bạn sẽ chỉ thấy một góc giếng nhỏ bé; nhưng nếu bạn chấp nhận sự khác biệt của người khác, bạn mới có thể thấy được một bầu trời rộng lớn xung quanh.
Một người có thể dung hòa và tôn trọng người khác, đương nhiên sẽ có thể nhìn thấy nhiều cảnh đẹp hơn và gặp được nhiều người thú vị hơn.
Theo 360doc