Khi bạn bè, người thân phàn nàn về hôn nhân trục trặc, chúng ta nên khuyên hàn gắn hay khuyên ly hôn? Nên cư xử thế nào để tránh làm tổn thương người khác và chính mình?
Trong bộ phim “Vây thành” từng có một câu nói: “Những người ở ngoài thành đều muốn xông vào, những người ở trong thành lại chỉ muốn thoát ra. Hôn nhân hay sự nghiệp cũng đều vậy. Phần lớn những mong muốn của con người đều như thế.”
Người xưa thường nói “dĩ hòa vi quý”, nên hòa chứ không nên ly. Thực ra, hôn nhân giống như đôi giày, vừa chân hay không chỉ bản thân mình mới biết. Vì vậy người ngoài tốt nhất không nên khuyên hòa giải, lại càng không nên khuyên ly hôn.
Hôn nhân trục trặc không nên khuyên ly hôn
Bạn sẽ làm gì khi có người phàn nàn về cuộc hôn nhân của họ?
Lúc này, đa số mọi người sẽ nói: “Cứ ráng sống qua ngày, hôn nhân ai chả thế”. Cũng lại có người nói: “Không thể tiếp tục thì ly hôn đi, ai rời bỏ ai thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục”.
Trên đời này không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo. Tìm đại một chút thôi cũng đã có rất nhiều lý do để ly hôn. Những người nắm tay nhau đi hết cuộc đời, không phải họ không có mâu thuẫn, mà là vì họ không muốn tìm lý do để ly hôn, hoặc họ có thể bao dung những lý do ấy.
Khi người khác tâm sự với bạn về hôn nhân của họ, bạn nên lắng nghe nhiều hơn những gì họ nói, và đừng vội bày tỏ quan điểm của mình.
Có lẽ, sau khi tâm sự xong, tâm trạng của họ sẽ tốt hơn nhiều, và họ cũng không còn muốn ly hôn nữa. Những người thích tâm sự thường chỉ đơn giản là mong có ai đó thấu hiểu mình, chứ không thực sự muốn hủy hoại gia đình của mình.
Đừng cố khuyên người khác kết hôn
Những người luôn “do dự, lưỡng lự” trong tình yêu, phần lớn là khó có kết quả tốt trong hôn nhân. Ngay từ lúc yêu đã bộc lộ dấu hiệu ly hôn cho sau này.
Ví dụ, một cô gái phát hiện người đàn ông mình yêu có hành vi bắt cá hai tay, muốn rời bỏ anh ta, nhưng lại cảm thấy anh ấy rất ưu tú nên không thể quyết định dứt khoát. Hay một ví dụ khác, một cô gái quen phải chàng trai có điều kiện kinh tế kém, và luôn cảm thấy bản thân có chút thiệt thòi.
Tình yêu như vậy, rốt cuộc có thể tiến tới hôn nhân hay không? Điều đó cần chính người trong cuộc tự cân nhắc, tự quyết định, và tự chịu trách nhiệm.
Nếu bạn không hiểu rõ tình hình thực tế mà đã đi tác hợp hôn nhân cho người khác, có thể sẽ làm hại họ. Muốn tác hợp hôn nhân cho người khác, bạn cần phải gánh vác một phần trách nhiệm.
Kết hôn hay ly hôn đều là do duyên phận
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Nếu thật sự có duyên thì dẫu cách xa vạn dặm rồi cũng sẽ gặp nhau, không có duyên thì đối diện cũng chẳng thành. Người với người gặp gỡ nhau, hoặc kết thành đôi lứa đều dựa vào duyên phận.
“Tỉnh thế nhân duyên truyện” tương truyền là do Bồ Tùng Linh viết – tác giả của “Liêu trai chí dị”. Sách kể về nhân quả báo ứng qua hai kiếp, kéo dài từ thời Anh Tông nhà Minh trong những năm Chính Thống đến thời Hiến Tông trong những năm Thành Hóa.
22 hồi đầu của cuốn sách kể về nhân duyên tiền kiếp. Nhân vật chính, Triều Nguyên, đã bắn chết một con cáo được trời ban linh khí, rồi cưới kỹ nữ Trân Ca làm thiếp. Sau đó, Triệu Nguyên dung túng cho tiểu thiếp hành hạ vợ cả, khiến người vợ là Kế Thị không chịu nổi sự ngược đãi mà treo cổ tự vẫn.
Từ hồi 23 trở đi kể về nhân duyên kiếp này. Triệu Nguyên đầu thai làm Địch Hi Trần, con cáo đầu thai làm vợ của Địch Hi Trần là Tiết Tố Tả, Kế Thị đầu thai làm thiếp của Địch Hi Trần là Ký Tả, còn Trân Ca đầu thai làm tỳ nữ của Ký Tả tên Trân Châu. Theo nhân quả báo ứng, Trân Châu cuối cùng bị Ký Tả ép đến chết, còn Địch Hi Trần thì bị Tố Tả và Ký Tả hành hạ đủ đường, đặc biệt là Tố Tả vô cùng tàn nhẫn. Bà ta dùng mọi cực hình với Địch Hi Trần như giam cầm, châm kim, đánh đập, thiêu đốt, không thứ gì là không áp dụng.
Sách “Tỉnh Thế Nhân Duyên Truyện” giúp ta hiểu rằng gieo nhân nào gặt quả ấy. Quy luật nhân quả chính xác không chút sai lệch, và không phụ thuộc vào ý muốn của con người.
“Tu mười năm mới đi chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”. Câu nói này bề mặt là khuyên con người nên trân trọng nhân duyên giữa người với người từ góc độ duyên phận. Nhưng ý nghĩa thực sự là nhắc nhở con người rằng, tất cả mọi thứ trên đời đều do nhân duyên mà hợp thành.
Bất kể duyên phận của chúng ta được hình thành như thế nào, dù là tốt hay xấu, đều cần trân trọng hiện tại, hóa giải ác duyên, duy trì thiện duyên và kết thúc hết thảy ân oán.
Vậy nên khi hôn nhân trục trặc ắt cũng có nhân duyên của nó, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ và họ phải chịu trách nhiệm với bản thân mình, người ngoài cuộc tốt nhất chỉ nên lắng nghe cho họ vơi bớt nỗi lòng.
Theo Vision times