Trong “Khổng Tử thế gia” của bộ “Sử ký”, Tư Mã Thiên ghi lại cuộc trò chuyện giữa Tử Lộ và vị ẩn sĩ Kiệt Nịch. Khi biết Tử Lộ là học trò yêu của Khổng Tử, Kiệt Nịch nói: “Thiên hạ như nước chảy cuồn cuộn đều thế cả. Vả lại, ông theo một kẻ sĩ lo tránh người chi bằng theo một kẻ sĩ lo tránh đời”…
Sau này, nghe Tử Lộ thuật lại câu nói đó, Khổng Tử đã bùi ngùi thốt lên rằng không thể lúc nào cũng sống cùng chim muông. Nếu thiên hạ có lúc nào cũng có đạo thì còn cần ai nữa.
Nhập thế không tránh đời
Làm kẻ sĩ, ai cũng cần phải lo thân. Nhưng lớn hơn nỗi lo đó phải là nỗi lo cho thiên hạ. Mà trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, muốn góp sức mình lo cho thiên hạ thì kẻ sĩ gần như chỉ có một con đường duy nhất là phải nhập thế. Và Khổng Tử cũng đã chọn con đường này.
Lớn lên trong một gia cảnh nghèo khó, nhờ những nỗ lực tu thân dưỡng tính không mệt mỏi mà Khổng Tử trở thành một bậc danh trí đương thời. Thông tuệ nhưng ông không bao giờ kiêu căng: “Ta chẳng phải sinh ra đã biết tất cả, là do ưa thích đạo cổ xưa, cần mẫn tìm học hỏi mà nên”. Tự trọng nhưng không cố chấp, ông từng nói: “Bá Di, Thúc Tề không nhớ oán giận cũ, nên hiếm người giận họ”. Ông được rất nhiều bậc vương giả trọng dụng, hầu như đến đâu ông cũng được vời vào cung cấm để bàn chính sự.
Khi một môn đệ của ông là Tử Cầm hỏi bạn đồng môn là Tử Cống về bí quyết khiến Khổng Tử hay được vời vào tham dự chính sự, đó nhờ “do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu”. Tử Cống lý giải: “Thầy Khổng có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường nhịn nên được như vậy. Cách cầu việc của thầy khác với lối xin việc của người khác”.
Không thể tránh đời, điều quan trọng là phải có đức
Không thể tránh đời không hợp mà chỉ có thể tránh người không hợp. Ai ai cũng vật nên Khổng Tử chủ trương giảng dạy những tiêu chí để ngày càng có nhiều hơn những người có đức. Trong cách nhìn của ông, không cứ phải đứng ra cầm quyền mới là làm chính trị. Khi Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử rằng làm chính trị thì phải như thế nào, ông đáp: “Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải phải theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con!”
Muốn mọi người làm theo đúng phận sự của mình thì người cầm quyền cũng cần phải biết cách sắp xếp mọi người vào đúng chỗ của họ. Khi Lỗ Ai Công, vị vua thứ 27 của nước Lỗ hỏi cách làm sao cho dân phục, Khổng Tử đã nêu ra rất ngắn gọn nguyên tắc mà có lẽ ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời nào cũng có thể áp dụng: “Bổ nhiệm người ngay thẳng lên trên kẻ ác, ắt dân phục. Đặt kẻ ác lên trên người ngay thẳng thì dân không phục”.
Theo cách nhìn của ông, trong một xã hội, một quốc gia, có ổn định và phồn vinh hay không phụ thuộc vào cách hành xử của người cầm quyền. Muốn xã hội ổn định thì người cầm quyền phải có đức, phải hành xử theo các nguyên tắc đạo đức. Khổng Tử nhắc nhở các bậc quân vương: “Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh”. Khổng Tử nêu rõ chủ trương nhân trị: ”Lãnh đạo dân bằng pháp luật tức là dùng hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ nghĩa khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa”.
Cần nói được làm được
Khi Tử Lộ hỏi về người quân tử, thì Khổng Tử nói: “Tu dưỡng mình kính cẩn”. Tử Lộ lại hỏi tiếp: “Như thế là đủ ư?” thì lời đáp là: “Tu dưỡng mình để làm yên người khác.” Tử Lộ lại lặp lại câu hỏi thứ hai thì Khổng Tử mới nói: “Tu dưỡng bản thân để làm yên trăm họ”.
Với chủ trương hành đạo rồi mới truyền đạo (sách Luận ngữ chép: “Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng Tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra”), nên Khổng Tử trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời, dù oái oăm đến mấy, đều luôn giữ được một tinh thần lạc quan: “Chẳng lo buồn vì không có địa vị, chỉ lo không có đức tài xứng với địa vị ấy. Không cần lo người khác không hiểu mình, nên lo làm sao có năng lực khiến cho người khác biết mình”.
Thông thường, Khổng Tử luôn giữ thái độ khiêm nhường và không bao giờ quá cáu giận khi những lời khuyên bảo anh minh của ông không được những đối tượng cần tới chúng thực hiện. Nhưng khi đã cầm cờ trong tay thì ông cũng thừa đủ kiên quyết để thực hiện đúng theo những nguyên tắc mà ông đã chủ trương. Được nắm quyền tướng quốc của nước Lỗ, Khổng Tử thực sự góp phần làm cho tình hình ở đó thay đổi một cách rõ rệt.
Mặc dù là người nhân nghĩa nhưng ông cũng không ngại ra lệnh giết quan đại phu mắc tội làm rối loạn chính sự nước Lỗ là Thiếu Chính Mão. Những biện pháp cai quản đất nước nghiêm túc của ông đã mau chóng dẫn tới kết quả. Sách Sử ký của Tư Mã Thiên kể: “Sau khi (Khổng Tử) tham dự chính quyền trong nước ba tháng, những người bán cừu bán lợn trong nước không dám bán thách, con trai con gái ở trên đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan, bởi vì người ta đều xem họ như người trong nhà…”.
Người quân tử không tránh đời, làm cho được ‘người trước, mình sau’
Khổng Tử đã tổng hợp lại rất nhiều quy tắc dành cho các bậc quân tử, tức là hình mẫu mà cả người trên lẫn người dưới trong xã hội đều muốn noi theo hoặc trở thành người quân tử. Khổng Tử luôn đặt vai trò người quân tử trong xã hội lên vị trí chủ đạo, coi đây là động lực phát triển chính yếu của sự phát triển. Hình mẫu bậc quân tử trong cách nhìn của ông như sau: “Quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học”.
Tử Cống hỏi: “Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa?”, Khổng Tử đáp: “Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa”. Đúng là người nghèo mà luôn có thái độ lạc quan, người giàu luôn muốn học hỏi lễ nghĩa thì tội nợ nào cũng sẽ hoàn trả được, phúc phận lớn sẽ chờ đón họ.
Khổng Tử có cách nhìn rất chuẩn mực về lối sống lành mạnh của người quân tử: “Quân tử nói năng chậm rãi, thực hành thì nhanh nhẹn”.
Ông đúc rút lại mấy câu truyền lại cho hậu thế về người quân tử, đó là: “Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi… Quân tử nghĩ đến đạo đức, tiểu nhân nghĩ đến đất đai… Quân tử coi trọng hình thức phép tắc, tiểu nhân chỉ mong ân huệ…”. Hơn nữa, trong đời sao tránh khỏi gặp phải cả những người hiền và những kẻ bất lương, do vậy ông khuyên nhủ: “Nhìn thấy người hiền thì noi theo, thấy kẻ không hiền thì xem xét lại mình”.
Khổng Tử nhân ái nhưng không phải là người dung thứ cho cái xấu. Tử Cống hỏi: “Người quân tử có ghét ai không?”, Khổng Tử nói: “Có ghét. Ghét kẻ đi nói xấu người khác, ghét cấp dưới gièm pha cấp trên, ghét người dũng mà không giữ lễ, ghét người quả quyết mà không thông hiểu lý lẽ…”.
Khổng Tử được tôn vinh là bậc quân tử không chỉ của một thời mà của muôn đời.
Theo Pháp Luật