Site icon Nguyện Ước

Biết người mà không phán xét, biết chuyện mà không rêu rao, biết lý mà không tranh luận

biết mà không tranh luận

Không tùy ý đánh giá người khác là một loại tu dưỡng; cũng là một loại trí tuệ (ảnh cqcb)

Biết mà không nói cũng là một loại cảnh giới: Biết chuyện mà không rêu rao là người thiện lương; biết người mà không phán xét là người khoan dung; biết lý mà không tranh luận là người trí tuệ.

1. Biết chuyện mà không rêu rao là người thiện lương

Một người ở trên mạng đã từng kể lại một câu chuyện: Tôi được nhận nuôi bởi cha mẹ hiện tại của mình; và tôi chỉ biết về điều này khi tôi học lớp ba. Ba mẹ nuôi đối xử với tôi rất tốt; họ chưa bao giờ nói với tôi rằng tôi là con nuôi của họ.

Không ngờ vào một hôm kia, một cô hàng xóm đột nhiên chỉ vào tôi và nói: “Con là do mẹ của con nhặt được, con có biết không?” Tôi sửng sốt một lúc rồi bật khóc. Cô hàng xóm đứng ở một bên và cười ha ha. Nụ cười của cô đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất suốt cuộc đời tôi.

Ai cũng có một vết thương lòng; đừng cười đùa trên nỗi đau của người khác. Biết chuyện mà không nói là thiện ý lớn nhất. Mỗi câu nói nên là ánh mặt trời ấm áp xoa dịu người khác; chứ đừng là lưỡi kiếm làm tổn thương lòng người.

Không nói về chuyện riêng tư, không chế nhạo những khó khăn của người khác; hạn chế bình luận đánh giá; đây là sự tôn trọng lớn nhất đối với một người. Nó cũng thể hiện bạn là một người thiện lương luôn biết suy nghĩ cho người khác.

2. Biết người nhưng không bình luận là thể hiện trình độ tu dưỡng

Biết người mà không nói là thể hiện của sự tu dưỡng và trí tuệ (ảnh Epoch Times)

Sau khi Tăng Quốc Phiên dẹp yên Thái Bình Thiên Quốc, danh sĩ Tương Giang là Vương Khải Vận đã vào Tăng phủ để diện kiến Tăng Quốc Phiên. Lúc này Vương Khải Vận tuổi còn trẻ, còn hăng hái; đối với công danh cũng không cảm thấy có hứng thú. Anh một lòng học hỏi các bậc đế vương thời xưa; chuyên tâm tìm kiếm minh chủ; muốn làm khai quốc công thần.

Sau khi gặp nhau, Vương Khải Vận khuyên Tăng Quốc Phiên không nên trợ giúp triều đình; mà hãy tập hợp lực lượng tự mình đứng lên. Anh cũng nhắc Tăng Quốc Phiên đừng đi vào vết xe đổ của Hàn Tín.

Nhìn thấy Vương Khải Vận nói thao thao bất tuyệt nhưng Tăng Quốc Phiên chỉ mỉm cười không nói lời nào. Tăng Quốc Phiên nhúng tay vào chén trà và viết lên bàn một chữ “Vọng” (ngông cuồng).

Tăng Quốc Phiên không bình luận gì đối với Vương Khải Vận. Ông chỉ im lặng lắng nghe anh ta nói xong rồi nhẹ nhàng viết lên bàn một chữ “vọng”; như vậy sẽ tránh cho Vương Khải Vận khỏi bị xấu hổ. Đây quả là một hành động đầy trí tuệ.

Đừng vội đánh giá người khác bằng nhãn quang của bản thân

Mỗi người đều có con đường riêng, câu chuyện riêng và hướng đi riêng của mình; đừng chỉ dùng con mắt của mình mà đánh giá cuộc đời người khác; bởi vì có thể bạn sẽ không hiểu được hạnh phúc và thành công của người khác. Việc dễ dàng đưa ra bình luận và tùy tiện đánh giá về người khác là thiếu lịch sự; thậm chí nó có thể khiến mối quan hệ đi vào ngõ cụt và cả hai sẽ không còn muốn nhìn mặt nhau nữa.

Tự cho rằng bản thân đã nhìn thấu sự việc. Nhưng sau khi nói xong thì mới phát hiện ra nó không phải là toàn bộ sự thật. Chỉ là “nước đổ khó hốt”, lời đã nói ra và làm tổn thương người khác rồi thì khó có thể rút lại được nữa.

Nó giống như “lý thuyết tảng băng trôi” nổi tiếng trong tâm lý học. Phần nổi của tảng băng trên mặt nước mà mắt chúng ta nhìn thấy chỉ bằng 1/10 tảng băng; còn 9/10 của tảng băng ở dưới nước bị mọi người bỏ qua.

Có một số người và một số việc cũng giống như là tảng băng kia vậy; những điều mắt nhìn thấy chưa chắc đã là toàn bộ sự thật. Nếu bạn không biết thì bạn nên im lặng; bởi vì bạn không bao giờ biết những gì mà người khác đã trải qua. Nếu bạn biết thì bạn lại càng nên im lặng hơn nữa.

Không tùy ý đánh giá người khác là một loại tu dưỡng và cũng là một loại trí tuệ.

Đừng vội đánh giá sự việc chỉ qua bề ngoài (ảnh Aboluowang)

3. Biết lý nhưng không tranh luận là người trí tuệ

Có một câu ngạn ngữ của phương Tây: “Tranh luận kéo dài nghĩa là cả hai bên đều sai”. Tranh luận trong một thời gian quá dài có thể khiến người ta quên đi nguyên nhân thực sự của cuộc tranh luận; lúc này chỉ là chỉ trích lẫn nhau; tìm mọi cách để hạ nhục đối phương.

Biết lý mà không tranh luận là một loại khoan dung; và nó cũng giúp chúng ta tránh được rất nhiều rắc rối.

Có một câu chuyện như sau: Buổi sáng, Tử Cống (học trò Khổng Tử) quét dọn ở trong sân. Có người đến hỏi Tử Cống rằng: “Tôi xin được hỏi về vấn đề thời gian?”

Tử Cống đáp: “Vấn đề này thì tôi biết, tôi có thể trả lời cho anh”.

“Vậy thì anh cho tôi biết một năm có mấy mùa?”, người kia hỏi.

“Bốn mùa.” Tử Cống cười đáp.

“Không, một năm chỉ có ba mùa!” vị khách không hề tỏ ra nao núng.

Và cuộc tranh cãi cứ tiếp tục như thế cho đến trưa. Khổng Tử nghe thấy tiếng mới từ trong sân bước ra. Tử Cống đi đến giải thích cặn kẽ cho Khổng Tử. Lúc đầu Khổng Tử không nói gì, sau khi quan sát một lúc thì ông nói rằng: “Quả thật một năm chỉ có ba mùa”. Vị khách nghe vậy mới cười lớn mà bỏ đi.

Bức tranh Khổng Tử đang giảng cho các học trò của mình (ảnh Epoch Times)

Không tranh luận với người không cùng tầng thứ

Sau khi người đó đi rồi Tử Cống mới vội vàng hỏi thầy: “Việc này sao lại khác với lời ngài dạy! Rốt cuộc thì một năm là có mấy mùa?”

Khổng Tử đáp: “Bốn mùa.”

Tử Cống cảm thấy khó hiểu, Khổng Tử tiếp tục nói: “Bây giờ và lúc nãy là khác nhau, người lúc nãy toàn thân mặc áo màu xanh. Anh ta rõ ràng là châu chấu đồng ruộng; sinh vào mùa xuân và chết vào mùa thu; cả đời chỉ trải qua 3 mùa là xuân, hạ, thu; vậy thì làm sao mà nhìn thấy mùa đông được? Vì vậy, nếu anh tranh luận với một người như vậy trong 3 ngày 3 đêm thì cũng không có kết quả gì. Nếu không thuận theo ý kiến của anh ta thì anh ta có thể vui vẻ mà rời đi được không? Anh tuy bị lừa một chút nhưng đã học được một đạo lý lớn lao”.

Trong cuộc sống, tranh luận với người cùng tầng thứ là để tìm kiếm chân lý; còn đối với những người không cùng tầng thứ thì tranh luận sẽ biến thành một cuộc tranh cãi không hồi kết; lãng phí thời gian và cảm xúc; mà cuối cùng cũng không thể phân định được ai cao ai thấp.

Theo Secret China