Lãnh đạo giỏi không phải là người có thể làm được tất cả mọi việc, mà là biết cách dùng người; giao đúng người, đúng việc; đặc biệt là dám đề bạt những người giỏi hơn mình.
Đề bạt người giỏi hơn mình
John Adams là tổng thống thứ hai trong lịch sử của Hoa Kỳ; ông đã có nhiều đóng góp cho nền độc lập của Hoa Kỳ.
Khi Adams kế nhiệm Washington làm tổng thống, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pháp đang trở nên căng thẳng. Vào cuối năm 1797, hai nước đang đứng trước một cuộc chiến vô cùng ác liệt và dữ dội.
Để có thể giành chiến thắng trong một trận chiến thì bạn phải có một chỉ huy mạnh mẽ; nhiều người đã thuyết phục Adams đích thân chỉ huy quân đội; nhưng ông lại cho rằng mình không có tài năng quân sự đặc biệt nào. Sau khi suy nghĩ thật kỹ, ông tin rằng Washington là vị chỉ huy duy nhất có thể khơi dậy tinh thần của quân đội và đoàn kết người dân Mỹ. Cuối cùng ông đã quyết định mời Washington xuất trận.
Những người thân tín của Adams khi biết được việc này thì đều phản đối. Họ tin rằng nếu Washington quay trở lại, điều đó sẽ một lần nữa khơi dậy lòng kính trọng và nỗi nhớ của người dân đối với ông; điều này chắc chắn sẽ đe dọa uy tín và địa vị của Adams.
Tấm lòng khoáng đạt, đặt lợi ích quốc gia lên trên
Ngàn quân dễ kiếm, thống soái khó tìm. Adams không hề dao động và tin rằng lợi ích và vận mệnh của đất nước là trên hết. Ông ủy quyền cho Hamilton ngay lập tức viết một bức thư cho Washington; đề nghị Washington một lần nữa giữ chức tổng tư lệnh quân lục địa, chỉ huy quân đội Mỹ đánh bại quân xâm lược.
Đồng thời, ông đích thân viết thư cho Washington, bức thư thành khẩn nói rằng: “Khi tôi nghĩ đến việc tổ chức quân đội như một phương sách cuối cùng; tôi không chắc mình nên sử dụng các tướng lĩnh thế hệ trước hay là sử dụng các nhân vật mới; vì vậy tôi phải tùy thời mà hỏi ông để xin lời khuyên. Nếu như ông đồng ý, chúng ta phải mượn đại danh của ông để vận động nhân dân; bởi vì danh tiếng của ông còn hơn cả một đạo quân”.
Sau khi nhận được bức thư, Washington đã rất xúc động và bày tỏ sẵn sàng gánh vác trách nhiệm nặng nề ngay lập tức. May mắn thay, trước khi Washington xuất quân ra trận, Adams đã thông qua ngoại giao mà đạt được thỏa thuận với Pháp.
Bài học từ việc đào mương
Sự việc này đã được người dân Mỹ truyền lại như một giai thoại; sự chính trực và rộng lượng của Adams cũng được truyền tụng rộng rãi. Sau đó, một phóng viên nổi tiếng đã phỏng vấn ông và hỏi: “Ngài vì sao lại không sợ sự trở lại của Washington sẽ khơi dậy lòng kính trọng và nỗi nhớ của người dân đối với ông ấy; và rất có thể sẽ đe dọa đến uy tín và địa vị của ngài? Ngài tại sao lại dám sử dụng người giỏi hơn mình?”
Adams không trả lời trực tiếp mà kể cho vị phóng viên này một câu chuyện về thời trẻ của mình. Ông kể: “Khi tôi còn nhỏ, cha tôi yêu cầu tôi học tiếng Latinh. Nó rất nhàm chán nên tôi không muốn học. Vì vậy tôi nói với cha rằng tôi không thích học tiếng Latinh; và hỏi cha xem tôi có thể làm việc khác được không?”
“Được rồi! John”, cha tôi nói, “Con đi đào mương đi; nông trường đang cần một cái mương để tưới tiêu”.
Vì vậy Adams đã thực sự đi đến nông trường để đào mương. Tuy nhiên, một người đã quen cầm bút thì sao có thể cầm cuốc xẻng được. Đêm đó, ông đã rất hối hận, toàn thân mệt mỏi rã rời. Chỉ là ông quá kiêu ngạo nên không muốn thừa nhận sai lầm của mình. Vì vậy ông cố gắng đào mương thêm một ngày nữa; nhưng đến tối hôm đó thì ông đã không thể chịu được nữa, ông thừa nhận “sự mệt mỏi đã áp đảo tính kiêu ngạo của tôi”. Cuối cùng ông trở lại lớp học tiếng Latinh.
Mỗi người đều có sở trường và sở đoản
Trong những năm sau đó, Adams vẫn nhớ bài học rút ra từ việc đào mương: Phải thừa nhận rằng con người có sở trường và sở đoản. Cho rằng bản thân có thể làm mọi thứ thì chẳng qua chỉ là không biết tự lượng sức mình mà thôi.
Adams đã thấu hiểu rằng: “Một nhà lãnh đạo thực sự xuất sắc không phải là tự mình làm hết mọi việc, mà là biết cách dùng người; giao đúng người, đúng việc; đặc biệt là dám dùng những người giỏi hơn mình”.
Theo Secret China