Không phải cứ mạnh mẽ mới là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Đôi khi chính sự hạ mình, nhún nhường và khiêm tốn lại giúp chúng ta giành được nhiều lợi ích hơn. Cách nhanh nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn chính là lấy nhu thắng cương.
Câu chuyện giữa Lão Tử và người thầy
Một trong những nhân vật chính yếu của Triết học Trung Quốc là Lão Tử. Bên giường bệnh, người thầy Thường Tung hỏi học trò rằng: “Cái lưỡi của thầy có còn không?”
Lão Tử kinh ngạc trả lời: “Đương nhiên rồi ạ, không có lưỡi sao thầy nói chuyện được?”
Người thầy lại hỏi: “Vậy răng của ta còn không?”
Lão Tử lắc đầu: “Thầy già rồi, răng đã rụng hết.”
Thường Tung đáp rằng: “Con thấy đó, cái lưỡi thì mềm nhưng nó vẫn còn; cái răng thì cứng nhưng lại dễ rụng đi. Vạn sự vạn vật trên thế gian, chẳng phải đều như vậy sao?”
Thành công cần nhẫn nhịn, đức hạnh cần bao dung
Bài học về lấy nhu thắng cương
Sau câu hỏi ngày hôm đó, Lão Tử trở về suy ngẫm và nhận ra nhiều bài học thấu đáo. Ông đã viết lại lời dạy trong “Đạo đức kinh” truyền cho hậu thế như sau: “Trên đời này không gì mềm yếu hơn nước, thế mà lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng gì hơn được nước, chẳng gì thay thế được nước. Lấy mềm thắng cứng, lấy nhu thắng cương, thiên hạ ai cũng biết thế, mà mấy ai làm được”.
Cứng cáp và mềm dẻo cũng là sự khác biệt giữa cây bàng và cây liễu. Khi một trận bão lớn đổ ập vào đất liền, nhà cửa cây cối đều bị tàn phá ghê gớm, không gãy thì cũng sập. Cây bàng lớn cũng ngã đổ chỉ còn mỗi gốc trơ trọi. Chỉ có duy nhất cây liễu mỏng ven hồ vẫn sống sót. Nhánh liễu mềm dẻo lúc nào cũng đung đưa dù chỉ một cơn gió nhẹ thoáng qua; tưởng như vô cùng yếu ớt nhưng thực chất lại ẩn chứa sức sống ngoan cường. Nó không phải giống loài vững chắc nhất, thẳng tắp nhất, hay vươn cao vươn xa nhất; nhưng nó luôn có thể chống chọi với rất nhiều gió táp mưa sa của cuộc đời nhờ bản tính mềm dẻo trời cho của mình.
Đó chính là một cảnh giới, một mỹ đức, một thái độ sinh tồn, một bản lĩnh trong ứng xử, càng là đại trí tuệ của nhân sinh. Sự dẻo dai mềm mại có thể mang tới thành công trong sự nghiệp; giúp cuộc sống hài hòa, cuộc đời vui thú; nâng cao đạo đức, hoàn thiện nhân phẩm; xây dựng mối quan hệ xã giao càng ổn định và bền chặt hơn.