Sau thành công đầy bất ngờ của “Muôn kiếp nhân sinh” tập 1, với việc phát hành hơn 200.000 bản trong vòng 6 tháng; tạo ra một hiện tượng trong văn hóa đọc của năm 2020, thì mới đây tác giả Nguyên Phong đã tiếp tục cho ra cuốn Muôn kiếp nhân sinh tập 2. Cuốn sách tiếp tục là quá trình đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để cứu vớt thế giới đầy nhiễu nhương này?
- Đại dịch bùng phát, vì sao họ không được Chúa che chở?
- Ôn dịch hoành hành, làm sao để bảo toàn tính mạng?
Đôi lời về tác giả Nguyên Phong
Tác giả Nguyên Phong chắc không còn xa lạ với nhiều bạn đọc Việt Nam; ông là người phóng tác tác phẩm nổi tiếng “Hành trình về phương Đông” và đã được rất nhiều bạn đọc Việt Nam yêu mến. Ông tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán.
Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm; ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Bên cạnh vai trò là một nhà khoa học, ông còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông. Ngoài cuốn Hành Trình về phương Đông, ông còn dịch và phóng tác nhiều tác phẩm khác như: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Minh Triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết…
Muôn kiếp nhân sinh tập 2 tiếp nối câu chuyện còn dang dở
Cuốn Muôn kiếp nhân sinh tập 1 của tác giả Nguyên Phong ra đời ngay tâm điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Nó như là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế nhân; đã đến lúc phải nhìn lại ý nghĩa sinh mệnh của mình.
Cuốn Muôn kiếp nhân sinh tập 1 kể về các kiếp sống trước của một người bạn của tác giả tên là Thomas từ các nền văn minh cổ xưa ở Atlantis và Ai Cập. Muôn Kiếp Nhân Sinh tập 2 tiếp tục là cuộc hành trình của Thomas ngược về các kiếp sống trước ở Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ cổ đại qua những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế.
Xuyên suốt 2 tập của cuốn Muôn kiếp nhân sinh vẫn là nói về luật nhân quả và tình yêu thương. Chắc ở đâu đó bạn cũng đọc được một câu chuyện về luân hồi chuyển sinh; nhưng Muôn kiếp nhân sinh là một tác phẩm đồ sộ về nhân quả luân hồi. Từng người mà Thomas gặp gỡ trong kiếp này; từng vấn đề mà ông mắc phải đều có liên quan đến các kiếp sống trước của ông.
Như một ví von được nhắc đến trong sách, thì cuộc sống này như một chiếc Boomerang; tất cả những gì bạn gây ra đều sẽ trở lại với bạn theo một cách nào đó; nếu không phải là kiếp này thì có thể là sang kiếp sau.
Luật nhân quả bao trùm mọi thứ
Kiếp sống hiện tại của bạn dường như được sắp đặt dựa vào những cái Nhân bạn đã gieo trong kiếp trước và đến kiếp này thì thành Quả. Nếu bạn gieo nhân lành thì sẽ được hưởng cuộc sống giàu sang hạnh phúc; bạn gieo nhân ác thì sinh ra đã nghèo khó, tàn tật bất hạnh.
Nhưng đó không phải là vấn đề chính mà cuốn sách muốn nói đến; mà chủ yếu chính là muốn nói về xã hội ngày này. Một xã hội đầy bất ổn; dịch bệnh lây lan gây ra cái chết cho hàng triệu người; công nghệ phát triển khiến ngày càng nhiều người bị thất nghiệp; xã hội hiện đại hơn nhưng người ta lại hoang mang lo lắng hơn; không thể nào tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn… Vậy nguyên nhân nào đã gây ra tình trạng này? Chính là nhân quả, thế giới ngày này đang phải hứng chịu nghiệp lực do chính họ tạo ra.
Nghiệp lực dồn tích càng nhiều sẽ dẫn đến sự sụp đổ của cả một quốc gia; virus corona lan tràn ngày nay chỉ mới là lời cảnh tỉnh ban đầu. Nếu con người thế gian không thay đổi bản thân mà còn tiếp tục tạo nghiệp thì tương lai sẽ còn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm hơn nữa.
Muốn thay đổi nghiệp lực của thế giới thì trước tiên phải thay đổi chính bản thân mình; cũng như hiệu ứng cánh bướm; chỉ một con bươm bướm nhỏ bé vỗ cánh ở một nơi nào đó rất xa xôi cũng có thể gây ra một cơn bão.
Quê hương chính là trái đất thân yêu
Mặc dù sau cả 2 tập của cuốn sách, tác giả cũng chưa đưa ra một cách cụ thể nào để người ta có thể thay đổi nghiệp lực của bản thân; nhưng tôi nhận thấy ý tưởng xuyên suốt vẫn là nói về tình yêu thương; sự thiện lương có thể hóa giải mọi hận thù.
Như trong sách có nói về phi hành gia kia; sau khi bay ra ngoài không gian và nhìn về trái đất thân yêu; lúc này ông mới chợt nhận ra, quê hương của ông không phải là nước Mỹ, nước Anh, hay là một đất nước nào đó; mà quê hương của ông chính là trái đất thân yêu. Ông rất ngạc nhiên về cảm nhận này của mình; lúc này mà nghĩ về các các việc ganh đua tranh chấp nơi thế gian sao mà nhỏ bé; thật không đáng để nhắc đến. Nhờ bay ra ngoài không gian mà ông đã có cái nhìn hoàn toàn khác; rộng lớn hơn, bao dung hơn.
Chúng ta thử nhìn về cuộc sống hiện tại của mình mà xem; chạy đua theo đồng tiền, mạnh được yếu thua; nơi đâu cũng coi giàu có chính là thành công. Nhưng thật lạ là những người giàu có được nhắc đến ở trong sách lại không cảm thấy như vậy; tiền bạc của họ có thể dư dả dùng đến đời con cháu nhưng họ lại không cho như thế là hạnh phúc. Họ biết được con người còn có kiếp sau; mà sau khi chết thì ai cũng trở về tay trắng cả. Thứ có thể mang theo chính là những nhân lành, phúc đức và nghiệp lực mà bản thân đã tạo ra trong kiếp này.
Muôn kiếp nhân sinh: Sự thiện lương có phải là chìa khóa cho mọi vấn đề?
Tôi rất ấn tượng với câu chuyện trong một kiếp sống mà Thomas kể lại; câu chuyện đã cho tôi thấy sức mạnh của sự từ bi, bao dung; nó đã giúp xóa bỏ mọi hận thù và hóa giải mọi ân oán.
Có một vị tướng trẻ tên là Leonidas đã lấy một cô vợ ở quê nhà Hy Lạp tên là Melissa. Cả hai có cùng niềm đam mê chơi đàn và đều biết soạn nhạc; thật đúng là ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’.
Nhưng rồi chàng trai trẻ phải đi theo Alexander Đại đế sang xâm lược nước Ba Tư. Thời gian đầu cả hai vẫn gửi thư cho nhau thông qua Thomas (trong kiếp sống đó là một người nô lệ tên là Kyros); kèm theo là bản nhạc do cả hai tự biên soạn; đó cũng là tâm tư tình cảm mà cả hai muốn gửi gắm cho nhau.
Nhưng thi sĩ Homer đã nói trong sử thi Iliad, “không ai đi qua chiến tranh mà vẫn như xưa”; và Leonidas đã thay đổi; chàng đã say mê một cô gái Ba Tư tên là Yasamin và lấy cô làm vợ; mặc dù được giải thích là phục vụ cho mục đích chính trị; nhưng ai cũng phải công nhận là Leonidas đã đổi thay.
Điều khiến Kyros ngạc nhiên là Melissa không hề tỏ ra giận dữ hay ghen ghét gì Leonidas; nàng chỉ một mực quan tâm xem chàng ở chiến trường xa xôi có khỏe không, sống có tốt không. Kyros tin rằng nàng chỉ đang nén nỗi bi thương vào bên trong.
Bao dung được người khác chính là buông tha cho chính mình
Tình huống lại càng kịch tính hơn khi Leonidas bỏ mạng nơi chiến trận và Yasamin thì đang mang thai đứa con của chàng. Trong lúc hấp hối, Leonidas đã nhờ Kyros mang Yasamin về Hy Lạp để tránh trận chiến khốc liệt đang diễn ra nơi đây. Nhưng nàng Yasamin lại không đồng ý.
Melissa biết tin Leonidas chết trận thì lại đưa ra một đề nghị khiến Kyros không thể tin được: Nàng muốn đưa Yasamin về Hy Lạp để sinh con và ở cùng với nàng như chị em. Trải qua nhiều biến cố thì cuối cùng Yasamin cũng trở về Hy Lạp để ở cùng với Melissa. Melissa đã kể lại cảm xúc của mình vào ngày hôm đó với Kyros:
“Cậu biết không, nhận được tin Philiteus đã đưa Yamasin về đây, tôi cũng bối rối lắm… Tôi nghĩ việc gì sẽ xảy ra nếu tôi oán hận người phụ nữ đã cướp chồng của mình? Tôi nên làm gì với người phụ nữ đã phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi?
Nhưng khi nhìn thấy người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé kia từ trên xe bước xuống; hai tay của cô ấy bám chặt lấy thành xe; nửa muốn bước xuống; nửa ngần ngại lẫn sợ hãi; thì tôi hiểu ngay rằng trong khi tôi đang bối rối thì có lẽ người phụ nữ kia còn bối rối hơn nhiều.
Tôi gọi tên cô ấy nhưng Yamasin vẫn run rẩy, không dám rời xe. Tôi bèn bước đến ôm lấy cô ấy vào lòng để cô đỡ sợ. Tự nhiên, cả hai chúng tôi đều òa lên khóc. Tôi biết đó là những giọt nước mắt cảm thông, thương yêu, xóa tan mọi sợ hãi…”
Muôn kiếp nhân sinh sẽ còn tiếp diễn
Đến đây thì có lẽ những thắc mắc của Kyros đã được tháo gỡ; Melissa làm như vậy là vì cô có một lòng bao dung rộng lớn, vô tư vô ngã; sự thiện lương của cô đã xóa tan mọi hận thù; hàn gắn mọi vết thương.
Tôi thiết nghĩ đây cũng là điều mà cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh muốn nhắn nhủ với con người trên thế gian; chỉ có tình yêu thương, sự thiện lương mới cứu nổi thế giới này.
Thực ra, khi đọc đến gần những trang cuối của Muôn kiếp nhân sinh tập 2, tôi đã mong có một giải pháp cụ thể hơn để có thể thức tỉnh nhân loại; nhưng rất tiếc là tất cả vẫn còn đang trên chặng đường tìm tòi khám phá. Ở cuối sách tôi thấy còn để câu “câu chuyện còn tiếp diễn…”, tôi nghĩ sẽ còn Muôn kiếp nhân sinh 3, 4, 5… cho đến chừng nào thực sự tìm ra được cách để cứu rỗi thế giới này.