Xưa nay, những người làm được việc lớn đều có đặc điểm chung, đó là họ đều thủ vững được 4 điều: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ thời và thủ tín.
1. Thủ ngu
“Sử ký” viết, Khổng Tử lúc trẻ từng tới thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu.” Ý tứ rằng, một thương nhân thông minh thì sẽ biết che giấu đi tiền tài của mình, bề ngoài nhìn giống như không có gì; một người quân tử phẩm hạnh cao thượng thì sẽ biết che giấu đạo đức bên trong, bề ngoài nhìn giống như ngu xuẩn, trì trệ.
Lão Tử muốn nói với Khổng Tử rằng, phải bỏ đi cái tính kiêu ngạo và tham dục thì mới trở thành Thánh nhân được.
Đây cũng gọi là “Đại trí nhược ngu” (bậc đại trí lại như ngu ngốc), “Nan đắc hồ đồ” (khó mà có thể hồ đồ), vốn là đạo xử thế cao minh vẫn được người đời tôn sùng. Rất nhiều người theo đuổi trí tuệ và cảnh giới “hồ đồ”, nhưng không mấy ai có thể làm được.
Làm người phải tránh cậy tài mà tự cao tự đại, nếu không biết giấu sự sắc sảo vào trong thì tai họa có thể đến bất cứ lúc nào; khiêm tốn, độ lượng với người, mới là cách hành xử của người có tu dưỡng.
2. Thủ tĩnh
“Đạo đức kinh” viết: “Tĩnh vi táo quân” (tĩnh là chủ của xao động). Tĩnh có thể khắc chế tính nóng nảy của con người. Sách “Đại học” viết rằng, tĩnh rồi mới có thể an, an rồi mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ rồi mới có thể đắc được.
Một người mà nội tâm bất tịnh thì rất khó có thể suy nghĩ vấn đề, làm người hay làm việc cũng dễ kiêu căng, nông nổi. Người an tĩnh sẽ quan sát cẩn thận để nhận định tình hình, như vậy mới suy xét được thấu đáo, từ đó tìm ra được cách giải quyết vấn đề, hoặc cảm ngộ được đạo lý nhân sinh.
Người tĩnh tại mới có thể tìm được hạnh phúc và vẻ đẹp thực sự trong cuộc sống. Người nóng nảy, bước chân vội vã, sẽ dễ bỏ qua những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Nếu có thể gặp nguy không loạn, bảo trì được sự an tĩnh, vậy thì những sóng gió của cuộc đời sẽ chỉ là cảnh sắc cho tâm hồn thêm phong phú.
3. Thủ thời
Quân tử chờ thời mà hành động. Thủ thời không phải là đúng giờ, mà là biết nắm bắt thời cơ.
“Chu dịch” nói: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thời nhi động.” Ý từ là: Quân tử có tài năng trác tuyệt, kỹ nghệ siêu quần, nhưng không có khoe khoang khắp nơi, mà chờ đến thời điểm cần thiết mới mang tài năng và kỹ nghệ đó thi triển ra bên ngoài.
Lời này cũng nhắc nhở chúng ta, vào thời điểm không ai biết đến, thì phải tăng cường tu dưỡng tự thân, chờ khi cơ hội đến, thì phải hiển lộ đầy đủ tài hoa của bản thân.
Thời cơ, thời thế là yếu tố khách quan; chúng ta không thể sáng tạo ra thời cơ, mà chỉ có thể làm cho tốt những gì chúng ta có thể làm, chờ đợi thời cơ, nắm bắt cơ hội.
4. Thủ tín
“Luận ngữ” nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kỳ hà dĩ hành chi tai?” nghĩa là: Người không thành tín thì không làm gì được. Cũng như xe lớn không có đòn nghê (đòn gỗ ngang để buộc trâu); xe nhỏ không có đòn ngột (đòn gỗ cong để buộc ngựa) làm sao mà đi được?
Vào thời Xuân Thu, Quý Trát, người nước Ngô, trong lần đầu tiên đến nước Tấn, đã đi ngang qua nước Từ. Vua nước Từ rất thích thanh kiếm của Quý Trát, nhưng lại không có nói ra. Quý Trát hiểu được tâm ý của vua nước Từ, nhưng ông còn phải đi tới nước khác, nên không thể tặng ngay cho vua nước Từ được.
Sau khi ông xong việc và quay trở lại nước Từ thì vua nước Từ đã qua đời rồi. Vì vậy Quý Trát đã cởi thanh bảo kiếm và treo ở trên cây phía trước mộ của vua nước Từ. Tùy tùng đi theo ông mới hỏi: “Vua nước Từ đã qua đời rồi, như vậy là tặng cho ai đây?” Quý Trát nói: “Không phải như vậy, ta ban đầu ở trong lòng đã quyết mang thanh kiếm này tặng cho ông ấy, làm sao có thể vì ông ấy chết rồi mà lại làm trái lời hứa của mình!”
Quý Trát chẳng qua chỉ là tự nghĩ ở trong lòng như thế, nhưng vẫn hết lòng tuân thủ. So sánh với người ngày nay, rất nhiều người nói ra rồi, thậm chí còn viết ra giấy, nhưng hỏi có bao nhiêu người có thể làm được?
Thủ tín là nhân cách mà dùng tiền cũng không thể mua được! Đường đường chính chính mà làm người, rõ ràng minh bạch mà làm việc!
Đừng bao giờ đánh mất niềm tin của người khác đối với bạn, bởi vì một khi đã mất rồi thì không thể nào lấy lại được! Thất tín là phá sản lớn nhất của đời người, thủ tín sẽ đắc được nhân tâm.
Theo Vision Times