Có những nghịch lý trong cuộc sống, người rất dũng cảm lại dường như sợ hãi, người rất thông minh lại thường tỏ ra ngốc nghếch.
Việc nhìn quá rõ có khi lại không tốt
Mặt trời ấm áp, mang đến cho bạn một thế giới muôn màu, nhưng bạn lại không thể nhìn trực tiếp vào mặt trời. Ánh sáng của nó tất nhiên là rực rỡ, nhưng nếu bạn muốn thấy rõ nó thì mắt của bạn sẽ bị đau nhói.
Cũng giống như một số việc trong cuộc sống, có việc bạn biết là tốt, nhưng cũng không cần phải đi tìm rõ nguồn gốc; không cần cứ phải xác định rõ kết quả. Có thể khi bạn tìm đến cuối cùng, thì cái vẻ đẹp ban đầu cũng không còn tồn tại nữa. Có vài người bạn nhìn thấy là tốt, vậy thì cũng không cần phải nói nhiều, không cần tranh biện, không cần phải thâm giao, cứ để tự nhiên như thế là được rồi.
Trong đời có rất nhiều chuyện mà thà không biết còn tốt hơn là biết, bất tất việc gì cũng phải tìm hiểu kỹ càng; trong tâm minh bạch là được rồi, nửa tỉnh nửa mê đắc hồ đồ, thế mà lại an yên.
Người dũng cảm lại giống như là khiếp sợ
Văn hào Tô Thức nói: “Người rất dũng cảm lại giống như là khiếp sợ, người rất thông minh lại như là ngu ngốc”. Lão Tử nói: “Tiếng lớn nghe không thấy, dáng lớn như vô hình”. Bởi vì quá cố chấp nên chúng ta mới không thể buông xuống; bởi vì quá minh bạch nên chúng ta mới không thể ôn hòa; bởi vì quá tính toán nên mới không cam tâm nguyện ý.
Cuộc sống vừa vặn nhất là thanh tỉnh nhưng có chút hồ đồ; thông minh nhưng lại có chút vụng về; trong suốt nhưng lại có chút hỗn độn; tâm như gương sáng nhưng cũng không có nói thẳng ra. Bởi vì trên đời có quá nhiều sự tình mà bạn không thể làm được; có quá nhiều con đường mà bạn không thể đi tới; có quá nhiều nhân tâm mà bạn không thể lý giải. Có việc lúc đầu bạn cho là đúng, nhưng về sau lại là sai; lại có việc bạn cho là sai nhưng cuối cùng lại trở thành đúng.
Bạn càng muốn hiểu rõ ràng thì lại càng cảm thấy mệt mỏi; càng muốn mọi chuyện như ý thì lại càng thêm phiền não. Đời người ai cũng có những lúc tuyệt vọng, thất ý; tốt nhất là cứ để cái gì tới nó tới, cái gì đi nó đi, không cần phải quá níu kéo, không cần phải cố gắng lý giải.
Cứ để mọi sự tùy duyên
Bạn không cần phải trốn tránh, dũng cảm đối mặt mới là diệu kế. Cố ý chịu thua thiệt một chút, cố ý nhượng bộ một chút, buông cơn nóng giận, khoan dung một chút, rộng lượng một chút, giả vờ hồ đồ, một nửa thanh tỉnh, một nửa mơ màng, vậy không tốt sao? Trời mưa rồi sẽ tạnh, gió ngừng mây tụ; bạn thấy giọt nước đọng trên cánh hoa không, trông càng kiều diễm; bạn thấy gió rung rinh cành lá không, trông càng sống động tươi vui. Bạn cho đi rồi sẽ được nhận lại, bạn bao dung rồi sẽ trở thành biển lớn.
Người biết đủ cuộc sống thường vui vẻ. Thế giới rất rộng lớn, cuối cùng bạn cũng không thể đi hết, hà tất cứ phải hao tổn tinh thần; giang hồ rất phức tạp, ngay cả bạn cũng thường có những suy nghĩ không tốt, hà tất cứ phải đi so đo sóng lớn sóng nhỏ. Gió thổi tám phương đến từ nơi nào, rồi biết đi về đâu? “Gửi hình trong vũ trụ được bao lâu, sao không thả lòng mặc ý ở đi?”
Đời người, có nhiều lúc không cần phải quá thanh tỉnh, quá minh bạch. Sự tình nhìn một cái là thấu tỏ, vậy làm hay không làm cũng đâu còn ý nghĩa gì? Người mà nhìn một cái đã hiểu hết, vậy yêu hay không yêu cũng đâu còn có mấy nhiệt tình?
Tùy cảnh mà sống mới là trí tuệ
Đau thương, thống khổ, bất hạnh chính là hoàng hôn của cuộc đời; như mấy cánh hoa rụng, như cánh buồm căng gió, cứ từ từ đi xa, dần dần không còn dấu vết. Những ngọt ngào nhớ nhung, những điều tốt đẹp duyên dáng, mang nó ủ thành trà, đắm chìm trong thời gian, cuốn vào tâm hồn; để khi nhàn hạ, mang ra nhấm nháp từng ngụm, thơm môi thơm miệng, nó là những hương vị của tâm hồn.
Tâm hồn mỹ hảo thì không thể có việc tức giận; tâm hồn thiện lương thì không thể có người căm hận; tâm đơn giản thì rối bời thế gian cũng hóa thành không.
Vậy nên, người dũng cảm cũng không cần tỏ ra hùng dũng, người thông minh cũng không cần tỏ ra uyên bác, cứ tùy cảnh mà sống mới là trí tuệ.
Theo Vision Times
Xem thêm video: