Làm thế nào để sử dụng nhân lực có hiệu quả là điều mà rất nhiều nhà lãnh đạo băn khoăn. Người xưa có phương pháp dùng người “Ngựa ăn máng riêng, lợn ăn chung máng” rất đáng học hỏi.
Ngựa ăn máng riêng
Vào thời Chiến Quốc, ở miền bắc Trung Quốc có hai loại ngựa rất nổi tiếng: một là ngựa Mông Cổ, cực kỳ khỏe và có thể chở được hàng nghìn cân; hai là ngựa Đại Uyển, phi nước đại như bay, một ngày có thể đi ngàn dặm.
Có một thương nhân ở Hàm Đan nuôi cùng lúc hai con ngựa này. Ông dùng ngựa Mông Cổ để vận chuyển hàng hóa và ngựa Đại Uyển để truyền tin.
Hai con ngựa được nhốt chung chuồng và ăn cỏ khô trong cùng một máng. Tuy nhiên, chúng thường đá và cắn nhau để tranh giành cỏ khô. Chính vì thế, cả hai con đều thường xuyên bị thương và phải tìm thầy thuốc để chữa trị, tốn kém rất nhiều tiền. Điều này khiến vị thương nhân kia rất phiền lòng.
Lúc bấy giờ có một người tên Bá Nhạc, là bậc thầy về ngựa mới đến Hàm Đan. Sau khi nghe tin này, thương nhân đã chủ động đến thăm hỏi và nhờ Bá Nhạc giúp giải quyết vấn đề. Bá Nhạc đến chuồng ngựa xem thử, rồi mỉm cười và chỉ nói: “Chia máng ra”.
Người chủ theo đó mà làm, quả nhiên từ đó hai con ngựa không đánh nhau nữa.
Chuyện xưa đã qua nhưng đạo lý vẫn còn, “chia máng mà ăn” ý nghĩa chính là không thể an bài sắp xếp cho hai kẻ tài giỏi cùng làm một việc.
Hai người ngang tài ngang sức giống như hai con tuấn mã, cùng ở một chỗ, ngay cả khi không tranh giành thì cũng khó tránh được sự đố kỵ. Điều này sẽ khiến cả hai khó mà chuyên tâm làm việc, vậy nên tốt nhất là tách ra.
Dẫu là sách lược dùng người của bậc đế vương thời cổ đại, hay phương pháp quản lý hiện đại, đều nên tuân theo đạo lý này.
Đương nhiên, người có năng lực thì cần phải trọng dụng; không những phải phân chia để dùng mà con phải dùng một cách khôn khéo. Vì mỗi người có những khả năng khác nhau, nên có người phù hợp với công việc này, có người phù hợp với công việc kia. Chỉ khi đặt năng lực của mỗi người vào những chỗ phù hợp, họ mới phát huy hết được khả năng của mình. Nuôi riêng nhưng cùng dùng, tổng thể sẽ có hiệu quả một cách cộng hưởng.
Nuôi lợn cần cho ăn chung máng
Trở lại câu chuyện vừa rồi, vị thương nhân kia sau đó lại nuôi hai con lợn. Ông ta lại theo cách Bá Nhạc đã chỉ để nuôi. Nhưng kết quả lại khiến ông cực kỳ hoang mang, vì hai con lợn con càng ngày càng kén ăn, hơn nữa không thể béo lên chút nào.
Vì vậy ông lại đi hỏi Bá Nhạc lần nữa. Bá Nhạc nghe xong thì cười nói: “Nuôi ngựa khác nuôi lợn, cần cho ăn chung máng”.
Thương nhân về thử làm theo, quả nhiên linh nghiệm. Khi hai con lợn ăn chung một máng, chúng tranh nhau ăn, ăn ngon hơn và mau chóng béo lên.
Kỳ thực, nên “chia máng” hay “chung máng”, thì cần phải nhìn nhận cho rõ ràng. Một người có thể làm việc độc lập giống như một con tuấn mã có thể đảm đương trách nhiệm, thì nên chia máng mà nuôi, để họ phụ trách các công việc và chuyên môn riêng.
Còn với những người đang trong quá trình phát triển, chưa thành thục thì nên “chung máng”, giống như nuôi heo con chưa trưởng thành cần được đưa vào máng để chúng có nền tảng cạnh tranh và phát triển nhanh chóng.
“Cho ngựa ăn máng riêng” có nghĩa là đặt những người phù hợp nhất vào những vị trí phù hợp nhất. Nếu sự kết hợp nhân sự không hợp lý thì lợi thế tổng thể sẽ bị mất đi. Ngay cả khi bạn có một ván bài tốt, bạn vẫn sẽ thua.
Trong quá trình chia máng cho ngựa, còn có vấn đề phối hợp và sử dụng như thế nào, khiến chỉnh thể có thể phát huy sức mạnh, chứ không gây cản trở nhau. Điều này đòi hỏi năng lực nhìn người sâu sắc của người quản lý. Tốt nhất là khiến cho các công việc mà họ phụ trách có thể bù đắp, bổ sung cho nhau.
Trong lịch sử, rất nhiều người tưởng chừng như tầm thường nhưng lại có thể trở thành lãnh đạo và làm nên đại nghiệp. Bí quyết nằm ở việc họ biết cách dùng người, bổ nhiệm nhân tài một cách hợp lý và điều động được sự nhiệt tình của cấp dưới.
Hay nói cách khác, năng lực của một người lãnh đạo, không nằm ở chỗ họ giỏi về lĩnh vực gì, mà nằm ở chỗ họ biết vận dụng các phương pháp dùng người như thế nào.
Theo Vision Times