Quả báo thiện ác có thật không? Hãy cùng suy ngẫm lại qua câu chuyện lịch sử của Cao Phụng Hàn giúp đỡ người ăn xin mù.
Người xưa có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Có nghĩa là nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà tích chứa điều ác ắt sẽ có tai ương. Đúng là “Quả báo thiện ác như hình với bóng”; “họa phúc vô môn duy nhân tự triệu”. Họa và phúc của con người đều là do bản thân mình tự gây ra. Đây thực sự là cách đối nhân xử thế chính thường trong cuộc sống. Hơn nữa, còn là quy luật nhân quả mà Thiên thượng truyền cho thế nhân.
Cao Phụng Hàn khắc hồ lô giúp đỡ người mù xin ăn
Cao Phụng Hàn (1683-1748), tự Tây Viên, hiệu Nam Thôn. Đến những năm cuối đời, ông còn được gọi là Nam Phụ lão nhân. Bởi vậy, người dân thời đó và người đời sau tôn kính gọi ông là Cao Tây Viên. Ông là một nghệ thuật gia kiệt xuất trong thời kỳ “Khang – Càn thịnh thế”.
Ông là người học rộng tài cao, giỏi thơ văn và vẽ tranh. Hơn nữa, ông còn am hiểu tranh sơn thuỷ, tranh Trung Quốc vẽ hoa và cắt ấn. Nhiều con dấu của Trịnh Bản Kiều – một bậc thầy về thư pháp và hội họa vào thời điểm đó, đều do ông làm ra. Điều đáng quý nhất là ông có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông với những người nghèo khó, cơ nhỡ.
Một ngày nọ, khi Cao Phụng Hàn đi ra ngoài, ông bắt gặp một người ăn xin bị mù. Ông nhìn thấy người ăn xin mặc quần áo rách rưới, tay cầm chiếc hồ lô để xin ăn từ những người qua đường; tình cảnh trông vô cùng cơ cực và đáng thương.
Cao Phụng Hàn sinh lòng thương cảm và muốn làm điều gì đó cho người ăn xin này. Lúc đó, ông không có một xu dính túi. Và ông không biết phải làm thế nào để có thể giúp đỡ người ăn xin. Khi nhìn thấy chiếc hồ lô trên tay người ăn xin thật đẹp, ông liền nảy sinh một chủ kiến.
Cao Phụng Hàn đã đưa người ăn xin về nhà của mình và cho ông ấy một bữa ăn ngon. Sau khi ông ấy ăn xong, Cao Phụng Hàn rửa sạch chiếc hồ lô. Sau đó, Cao Phụng Hàn đã khắc lên đó một câu để nói lên tình cảnh khốn khổ của người ăn xin mù. Ông viết: “Trời đất tối sầm; con đường phía trước mù mịt; bước chân thật khó đi đến chân trời xa xăm; không kêu nổi một bát cơm lót dạ.” Người ăn xin vô cùng biết ơn và từ biệt ông.
Lúc bấy giờ, Cao Phụng Hàn đã rất nổi danh. Những giai thoại về người nổi tiếng thường thu hút sự chú ý của mọi người. Câu chuyện Cao Phụng Hàn khắc chữ cho người ăn xin mù như được “chắp thêm cánh”. Nó ngày càng được lan truyền rộng rãi và càng ngày càng trở nên thần kỳ. Mọi người đều muốn thấy chiếc hồ lô của người ăn xin này càng sớm càng tốt.
Hơn nữa, câu văn của ông tao nhã, bút pháp thanh tú cứng cáp. Bởi vậy, người ăn xin mù này dù đi đến đâu, mọi người đều tranh nhau mời ông ấy đến dùng bữa. Mọi người chỉ cần mời cơm là có thể thưởng thức được tuyệt tác thủ công của Cao Phụng Hàn. Kể từ đó, người ăn xin này đã được đối xử tốt và cho ăn. Sau này khi người ăn xin qua đời, những người có lòng hảo tâm đã lấy tiền mai táng nhờ vào việc bán chiếc hồ lô này.
Giấc mơ kỳ lạ của Cao Phụng Hàn
Vào một đêm không lâu sau khi người ăn xin qua đời. Cao Phụng Hàn đã có một giấc mơ vô cùng kỳ diệu. Ông mơ thấy người ăn xin vào nhà mình và trịnh trọng nói: “Tôi đến đây chỉ có một mục đích là để báo đáp ân tình. Bởi vì, ngài đã khắc một dòng chữ cho tôi. Vì thế, lúc tuổi già tôi đã tránh được cảnh ăn đói mặc rét”.
Thật kỳ diệu, cũng trong đêm hôm đó, người hầu già trong nhà của ông đã hạ sinh một cậu con trai trắng trẻo bụ bẫm. Cao Phụng Hàn nhận ra đứa trẻ này là hoá kiếp của người ăn xin. Do đó, ông đã đặt tên nó là Biểu Nhi (có nghĩa là hồ lô). Đứa trẻ này lớn và trở thành người hầu của nhà họ Cao. Cậu hầu hạ Cao Phụng Hàn vô cùng tận tâm. Sự cống hiến của cậu ấy vượt xa những người hầu khác.
Gieo nhân nào thì được quả nấy
Khi Cao Phụng Hàn nằm liệt giường do bệnh tật vào những năm cuối đời, mọi việc đi lại đều phải có người giúp đỡ. Lúc này, Biểu Nhi đã tận tâm tận lực hầu hạ cho ông. Dù sớm hay muộn, cậu cũng ở bên cạnh như hình với bóng, chăm sóc cho ông rất tỉ mỉ, chu đáo. Điều này khiến cho mọi người vô cùng cảm động.
Biểu Nhi cũng thường xuyên dìu ông ra ngoài đi dạo, thư giãn. Hai người có thể nói là ân tình như cha con, tình cảm như ruột thịt. Những người biết chuyện này đều nói: Cao Phụng Hàn thực sự đã làm việc thiện mà nhận được thiện báo. Nhờ năm đó ông giúp đỡ người ăn xin, nên bây giờ ông mới có một người như hiếu tử chăm sóc ông vào năm cuối đời.
Câu chuyện trên là một minh chứng về “quả báo thiện ác”. Làm người tốt sẽ được hưởng phúc báo, cho đi lại chính là nhận được.
Theo Vision Times