Sẽ có rất nhiều phương tiện để đưa một người đến bến bờ giác ngộ, nhưng ‘qua sông rồi thì hãy bỏ bè’, đừng nắm giữ mãi quá khứ mà vuột mất tương lai.
Kết bè qua sông
Có một câu chuyện cổ Phật giáo kể rằng, vào một buổi sáng mùa Thu trời trong gió lặng, Đức Phật dẫn các đệ tử đi ra ngoài thành Xá Vệ. Đi được một lúc thì tới một bờ sông, nước sông cuồn cuộn chảy không ngừng…
Đức Phật chỉ tay xuống dòng sông và hỏi chúng tăng: “Các con bảo bây giờ làm thế nào để qua được sông?”. Chúng tăng ngơ ngác nhìn nhau và nói: “Bạch sư tôn, có lẽ chúng ta phải tìm một thuyền phu ạ!”. Đức Phật mỉm cười nói: “Vậy nếu không có thuyền phu thì phải làm thế nào?”. Chúng tăng im lặng nhìn nhau không nói gì.
Đức Phật tiến gần đến bờ sông rồi nói: “Nếu không có thuyền phu thì phải tự kết bè để qua thôi”. Sau đó Đức Phật mới thuyết giảng cho chúng tăng nghe về chiếc bè này. Đức Phật kể rằng:
Ngày xưa có một người đàn ông nọ muốn vượt sông nhưng tìm mãi cũng không thấy bóng người hay chiếc thuyền nào. Mặt sông rộng lớn không có chiếc cầu nào bắc qua. Nước sông thì lại chảy xiết, nếu cứ đứng mãi ở trên bờ thì làm cách nào mới có thể về nhà được đây?
Người này ngẫm nghĩ một hồi rồi đi dọc bờ sông nhặt lấy củi khô, lá cây, tìm dây dợ rồi ngồi đan bè. Một lúc sau bè đan xong, ông liền thả bè xuống nước, dùng tay chân của mình làm mái chèo mà vượt sông. Vậy là cuối cùng ông cũng sang được bờ bên kia.
Qua sông rồi mà không muốn bỏ bè
Nhưng khi đã đặt chân được lên bờ rồi thì ông ta lại nghĩ thầm trong bụng: “Cái bè này mình đan thật tốt, nó đã giúp mình qua sông, thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Vậy thì mình đừng bỏ nó đi, cứ mang theo bên người thì ắt sẽ lại có lúc dùng đến”. Nghĩ vậy ông bèn vác chiếc bè lên, cắp vào nách rồi bước đi.
Trời chiều mỗi lúc một tối hơn. Chiếc bè trên tay người đàn ông cũng mỗi lúc một nặng hơn. Đường về nhà ông đồi núi cheo leo, lại phải mang theo cái bè rất nặng, vì vậy ông cứ đi một đoạn lại phải dừng lại để nghỉ. Thế rồi khi đã trèo qua được quả đồi cuối cùng thì ông đã hoàn toàn kiệt sức, đổ vật xuống ngay bậc cửa trước nhà.
Chiếc bè có tác dụng khi ở dưới nước, nhưng sẽ vô dụng khi lên bờ
Kể xong, Đức Phật mới giảng giải cho chúng tăng: “Này các tỳ kheo, chiếc bè chỉ có ích khi ở dưới nước, còn khi lên bờ thì nó lại trở thành gánh nặng. Người đàn ông nọ không hiểu ra được điều này nên cứ mệt mỏi vác trên mình chiếc bè vốn đã vô dụng”.
Một tỳ kheo cung kính nói: “Bạch sư tôn, đáng lẽ ông ấy nên để chiếc bè ở bờ sông; có thể nó sẽ có ích cho người khác”.
Một người khác nói: “Ở dưới sông thì chiếc bè chở ông ấy; còn trên cạn thì ông ấy lại phải chở chiếc bè đi”.
Đức Phật mỉm cười nói: “Đúng vậy! Và chẳng phải trong các tỳ kheo đây vẫn có người luôn giữ bên mình những thứ vô dụng mà không chịu bỏ đi sao? Qua sông rồi thì hãy bỏ bè, càng xả nhiều thì càng nhẹ, càng dễ thăng hoa!”.
Qua sông rồi thì hãy bỏ bè
Tất cả những gì một người tu luyện gặp trong cuộc đời cũng chỉ là phương tiện để giác ngộ; nếu đã vượt qua thì phải buông bỏ để bước tiếp. Còn như cứ mãi luyến tiếc quá khứ, ôm đồm đủ chuyện không chịu rời ra thì làm sao có thể thăng hoa lên cảnh giới cao hơn?
Danh lợi tình dùng để khảo nghiệm người tu hành; nó có thể giúp người ta thăng hoa, nhưng nó cũng có thể trở thành gánh nặng và nhấn chìm người ta xuống biển khổ vô biên.
Đời người như dòng sông chảy mãi, nếu chỉ đứng nhìn thì năm tháng cũng sẽ vội vã trôi qua. Vì vậy hãy kết cho mình một chiếc bè, chuẩn bị đầy đủ về cả tinh thần và sức khỏe để sẵn sàng vượt sông bất cứ lúc nào.
Nhưng hãy ghi nhớ ‘qua sông rồi thì hãy bỏ bè’, mọi thứ thế gian dù có tốt đẹp nhường nào thì cũng chỉ là niềm vui thế tục, sẽ còn luân hồi và chịu khổ.
Tổng hợp