Quỷ vô thường hay Hắc Bạch Vô Thường, chuyên đi bắt những người đã tới số đưa về âm phủ; cũng vì vậy mà họ hay tới lui ở trong bệnh viện…
Các bác sĩ thấy quỷ vô thường đi lại trong bệnh viện
Pháp sư Tịnh Không sống ở Đài Loan có 3 người bạn học làm việc ở bệnh viện Vinh Dân. Họ đều là những bác sĩ giỏi. Họ không tin vào Thần Phật nhưng lại tin rằng có ma. Sở dĩ họ tin có ma cũng bởi vì họ đã tận mắt nhìn thấy.
Ma quỷ mà họ nhìn thấy chính là quỷ vô thường, hay Hắc Bạch Vô Thường. Các bác sĩ trong bệnh viện nói rằng, khi nhìn thấy quỷ vô thường đi lại trong phòng bệnh thì họ biết chắc rằng người bệnh này cùng lắm chỉ sống được 3 ngày nữa. Họ biết vậy bởi họ hay gặp phải hiện tượng này.
Vậy nên trong bệnh viện thường có trường khí không tốt; bầu không khí có phần ơn ớn lạnh. Những người chính khí không mạnh đi vào trong đó sẽ thường cảm thấy nổi da gà.
Vị pháp sư liền hỏi các y bác sĩ làm việc trong đó: “Các vị có tin ma quỷ thật sự tồn tại không?”. Tất cả họ đều nói rằng “tin”. Vậy ra Hắc Bạch Vô Thường thực sự tồn tại chứ không phải chỉ có trong truyền thuyết.
Hắc Bạch Vô Thường là ai?
Hình ảnh Hắc Bạch Vô Thường hay thấy xuất hiện trong các ngôi chùa. Bạch Vô Thường mặc áo bào màu trắng, đầu đội mũ cao, tay cầm xiềng xích. Hắc Vô Thường mặc áo màu đen, đầu đội mũ tròn, tay cầm thẻ bài hình vuông, trên đó viết “Thiện ác phân minh”.
Tương truyền, Hắc Vô Thường tên là Phạm Vô Cứu; Bạch Vô Thường tên là Tạ Tất An. Cả hai người là bạn thân thiết của nhau; cùng là người hầu trong phủ nha môn. Một ngày nọ, khi họ cùng nhau đi đến huyện làng bên làm việc thì đột nhiên có cơn mưa lớn kéo đến. Tạ Tất An vội vàng chạy đến nhà người dân gần đó để mượn dù; trước khi đi còn dặn Phạm Vô Cứu chờ ở dưới chân cầu.
Nào ngờ sau khi Tạ Tất An đi thì nước sông đột ngột dâng lên cao. Phạm Vô Cứu vì sợ Tạ Tất An không tìm thấy mình nên giữ lời hứa đứng im ở đó không chịu rời đi. Về sau thì do nước lũ dâng lên quá nhanh không kịp chạy thoát nên đã bị cuốn đi.
Khi Tạ Tất An mang theo ô đến nơi thì phát hiện ra người bạn thân đã bị chết đuối. Tạ Tất An vô cùng đau lòng, bèn treo cổ tự sát ở trên một cái cây; khi chết miệng thè lưỡi ra. Thiên thượng biết được tình bạn trân quý của hai người nên mới phong cho họ làm Thần tướng ở bên cạnh Thần Thành Hoàng; phụ trách công việc lùng bắt những kẻ xấu xa.
Chuyên đi bắt linh hồn tới số mang xuống âm phủ
Cũng có người cho rằng, hình tượng Tạ Tất An (Bạch Vô Thường) chính là có hàm ý ‘tôn kính Thần linh thì tất sẽ được bình an’. Còn hình tượng Phạm Vô Cứu (Hắc Vô Thường) chính là chỉ người phạm pháp thì vô phương cứu giúp.
Trong các chùa miếu ở Đài Loan, thường sẽ nhìn thấy một đôi tượng thần, một cao một thấp. Tượng thấp là Hắc Vô Thường, bởi vì có sắc mặt đen đỏ, trên tay lại còn cầm xích sắt, nên gọi là ‘xích gia’. Còn tượng cao là Bạch Vô Thường, bởi vì sắc mặt trắng, lưỡi thè ra rất dài, trên tay cầm chiếc quạt lông; hơn nữa lại mang theo dù, nên gọi là ‘bạch gia’.
Tương truyền rằng, hai người này là thuộc hạ của Thần Thành Hoàng; vào lúc đêm khuya vắng người chuyên phụ trách tuần tra đường phố, bắt những linh hồn xấu xa hoặc là những linh hồn tới số mang xuống âm tào địa phủ. Vì vậy mọi người đa phần đều rất sợ họ.
Hắc Bạch Vô Thường có tính cách trái ngược nhau
Có người nói rằng, tâm địa của Bạch Vô Thường rất thiện lương; dẫu đắc tội với ông thì ông cũng sẽ không tính toán, vậy nên mới gọi ông là Tạ Tất An. Lại nói rằng, ông vốn dĩ muốn nhảy xuống sông để tạ tội; nhưng do ông cao quá mà nước sông lúc này đã rút đi, vậy nên ông bất đắc dĩ mới phải treo cổ ở bên cầu. Bạch Vô Thường khi chết mang theo cây dù, lưỡi thè ra rất dài; vậy nên hình tượng của ông chính là thân hình cao ráo và cái lưỡi rất dài.
Còn tính khí của Hắc Vô Thường lại rất nóng nảy. Đây là do nước ngập qua đầu khiến ông chết đuối; và khi chết vì giãy giụa mà sắc mặt thành màu đỏ đen. Từ đó tính khí gắt gỏng, không chịu tha thứ cho người phạm tội. Vậy nên ai mà nỡ đắc tội với ông thì ông sẽ không bỏ qua; ông tên là Phạm Vô Cứu cũng chính vì như vậy.
Nhiều người trong lúc vô tình mà nhìn thấy Hắc Bạch Vô Thường, mới hay những chuyện tâm linh lưu truyền trong dân gian đa phần đều là có thật.
Tổng hợp