Khi trong tâm buông bỏ sự đố kỵ, bình thản đón nhận thành công của người khác bằng lòng ngưỡng mộ, đó là biểu hiện của một người quân tử.
Câu chuyện về Lý Nguyên Xương thời nhà Đường
Lý Nguyên Xương triều đại nhà Đường là con trai thứ bảy của Đường Cao Tổ. Thời kỳ Lý Nguyên Xương làm quan đô đốc ở đất Lương Châu, ông ta có rất nhiều hành vi và việc làm trái ngược với phép tắc, luật pháp.
Đường Thái Tông sau khi biết được, đã tự tay viết chiếu thư nhắc nhở, khiển trách ông ta. Nhưng Lý Nguyên Xương không những không tự suy xét lại bản thân mình mà còn mang tâm oán hận trong lòng.
Lý Nguyên Xương biết rõ thái tử Lý Thừa Càn rất ghen ghét đố kỵ với em trai mình là Ngụy Vương (Lý Thái) vì được Hoàng đế ân sủng. Vì thế, ông ta nhân cơ hội, kết hợp với Lý Thừa Càn lập mưu đồ làm loạn.
Năm Trinh Quán thứ 17, việc làm của Lý Nguyên Xương và Lý Thừa Càn bị bại lộ. Đường Thái Tông không đành lòng tru sát cả gia tộc nhà Lý Nguyên Xương. Vì vậy, Hoàng đế liền đặc xá, tha tội chết cho Lý Nguyên Xương.
Tuy nhiên, đại thần lúc bấy giờ của triều đình là Cao Sĩ Liêm và Lý Thế Tích không đồng ý phụng chỉ Hoàng đế. Họ thỉnh cầu Hoàng đế phải dựa theo phép tắc vốn có mà xử Lý Nguyên Xương tội chết.
Đường Thái Tông bất đắc dĩ đành phải ban cho Lý Nguyên Xương cái chết, bằng cách tự sát ở trong gia đình. Lý Thừa Càn cũng bị phế, không còn được làm thái tử.
Nuôi dưỡng sự đố kỵ hại mình, hại người
Mặc dù nhìn thấy tâm tật đố, ghen ghét của thái tử. Lý Nguyên Xương đã không khuyên nhủ mà trái lại, còn lôi kéo người khác. Kết quả, chẳng những hại người khác mà còn hại chính bản thân mình.
Trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh viết: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng. Khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác. Tất cả đều là những tâm xấu, tâm ác.”
Sự ghen tị khiến phá hoại mối quan hệ giữa người và người. Nó cản trở con người phát triển tài năng, tinh thần hợp tác ngày càng suy yếu. Người đố kỵ luôn bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, Chu Du vì ghen tức Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đang tâm hãm hại mà không được; cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà chết?
Nguyên nhân sâu sa của lòng đố kỵ đó chính là con người không tự tin vào bản thân mình. Luôn so sánh với người khác nên sinh ra khao khát những thứ người khác có.
Thay thế sự đố kỵ bằng lòng ngưỡng mộ
Ranh giới giữa sự đố kị và lòng ngưỡng mộ cách nhau không xa. Chỉ một bước là có thể bước qua ranh giới đó. Tuy nhiên, cổ nhân đã dạy “kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”. Do đó vượt qua ranh giới của lòng đố kỵ phải là người có quyết tâm lớn. Người đó cần hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Còn đố kỵ thì còn phiền muộn. Nhìn sang thứ người khác có mà mình không thể có được chỉ khiến cho bản thân thêm dày vò. Hãy đón nhận thành công của người khác bằng sự ngưỡng mộ. Khi tâm bình thản rồi sẽ lấy thành công của người khác để học tập.
Vượt qua được lòng đố kỵ để đón nhận thành công của người khác là đã đến được ngưỡng của sự buông bỏ. Ta đã buông bỏ được suy nghĩ hạn hẹp, để đến được một cảnh giới khác. Thay vì ghen tị với người khác, có lẽ nên dùng chút tinh lực hữu hạn của mình tập trung làm những điều bản thân mong muốn. Như vậy vừa mở ra một bầu trời mới cho bản thân, vừa sống được thản đãng, tự tại.
Đừng để sự đố kỵ giới hạn bản thân, khi mở rộng tấm lòng, bản thân bạn sẽ nhận được rất nhiều điều tốt đẹp.