Các thương nhân xưa dùng cần kiệm, trí huệ, gây dựng nên tài phú, giàu có một phương. Họ thích làm việc thiện, tạo phúc cho bách tính và xã hội, cũng làm cho công việc làm ăn của họ ngày càng thịnh vượng hơn.
- Có Đức có thể làm giàu, có Đức có thể đẩy lùi kẻ địch
- Tìm “đạo trading” để làm giàu nhanh, tôi gặp được báu vật vô giá
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cần kiệm là lời giáo huấn cổ xưa nhất: “Khắc cần vu bang, khắc kiệm vu gia” (ý nghĩa là việc nước nên cần mẫn, việc nhà phải cần kiệm). Các thương nhân thành công được ghi nhận qua các triều đại cũng luôn tuân theo tinh thần “bất cần bất đắc, bất kiệm bất phong” (không chăm chỉ thì không có, không tiết kiệm thì không giàu.) Trong đạo kinh doanh của các thương nhân thời cổ đại đều thể hiện nếp hay như “Thành tín là đức của thương nhân,” “Cần kiệm là gốc của kinh doanh,” “Tiến thủ là đạo của kinh doanh.” Dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, thương nghiệp phát triển chưa từng có, càng không hề thiếu những thương nhân luôn tuân thủ nguyên tắc cần kiệm.
Mặc Tử nói: “Cường tất phú, bất cường tất bần” (ở đây, cường là chỉ cường lực lao động). “Lại kỳ lực giả sinh, bất lại kỳ lực giả bất sinh” (nghĩa là dựa vào sức lực của mình thì sống, không dựa vào sức lực của mình thì không sống được).
Trong “Sử ký – Hóa thực liệt truyện,” Tư Mã Thiên cũng nói: “Vô tài tác lực, thiểu hữu đấu trí, ký nhiêu tranh thời.” Đây có thể nói là ba bí quyết của thương nhân muốn làm giàu, có thể coi là tinh thần khởi nghiệp mà thương nhân phải bảo trì. Ý tứ là, khi chúng ta không có tài lực, thì chỉ có thể dựa vào sức lực để sinh tồn; khi tài lực không đủ thì phải dùng trí lực để kinh doanh; Khi tài lực của bạn rất hùng hậu rồi, thì phải dựa vào việc nắm chắc thời cơ để kinh doanh.
Bạch Khuê thời Chiến Quốc được xưng là “thương tổ” (ông tổ của ngành kinh doanh). Trong “Hán Thư” nói ông là thủy tổ của lý luận về kinh doanh buôn bán. Bạch Khuê tuy dựa vào kinh thương mà trở nên giàu có và nổi tiếng trong thiên hạ, nhưng vẫn đồng cam cộng khổ với người làm, không ngại gian khổ, tự mình dẫn dắt, còn trực tiếp tham gia vào công việc kinh doanh buôn bán.
Các thương nhân xưa không sợ gian khổ, nếm trải tận hết mọi cái khổ kinh thương
“Cổ nhi hiếu Nho” (Buôn bán nhưng yêu thích Nho gia) là đặc trưng cơ bản của thương nhân vùng Huy Châu. Thương nhân Huy Châu tuy là những người kinh doanh, nhưng lại có phong thái của Nho gia, nhất là có thể chịu được gian khổ, được người đời gọi là “Huy Lạc Đà” và “Tích Khê Ngưu.”
Trong mỗi một khâu của việc kinh doanh đều phải bỏ ra nhiều công sức. Rất nhiều thương nhân Huy Châu lấy việc buôn bán đường dài để khởi nghiệp, cho nên được gọi là “Huy Lạc Đà”. Sự vất vả đó đương nhiên không cần phải nói. Ở Huy Châu có bài đồng dao dân gian lưu truyền từ lâu rằng: “Kiếp trước không tu, sinh ra ở Huy Châu, mười ba mười bốn tuổi, thân phiêu bạt ở bên ngoài.” Kinh doanh có nghĩa là phải phiêu bạt, hoặc lặn lội giữa các ngọn núi hoặc ngồi trầm tư trong một chiếc thuyền. Gặp lữ quán thì ở trọ, cơm nước ngày ba bữa, làm bạn với âu lo.
Trên con đường kinh doanh còn tràn ngập mối nguy hiểm. Không chỉ có thể lỗ vốn, thâm hụt, mà đôi khi tính mạng cũng có thể gặp nguy hiểm bất trắc. Muốn làm giàu thì phải “nhọc cái gân cốt, nhịn đói chỉ còn da bọc xương.”
Giữa những năm Thành Hóa và Chính Đức thời Minh, thương nhân Tra Nham Chấn ở Hưu Ninh cả đời làm ăn buôn bán, bôn ba khắp từ Lĩnh Nam (vùng Quảng Đông, Quảng Tây) đến biên ải phía Bắc. Ông chịu đủ cái khổ của nóng rét, đi tới đi lui giữa Ngô Việt và Kinh Tương, không ít lần trải qua phong ba nguy hiểm, có thể nói là chịu đựng mọi nỗi khổ trên thương trường. Thế nhưng, Tra Nham Chấn không sợ gian khổ, cuối cùng đã trở thành một thương nhân nổi tiếng.
Vào những năm Gia Tĩnh thời Minh có thương nhân Hứa Thượng Chất người huyện Hấp (nay thuộc tỉnh An Huy), mang vác hành lý hàng hóa, từ Giang Nam đến Hồ Bắc rồi lại đến Tứ Xuyên, đường đi phải trải qua rất nhiều nguy hiểm. Khi về già, ông cảm khái nói, nghĩ lại năm đó khi ở Tứ Xuyên, trên đường đi lạc mất phương hướng, luẩn quẩn trong sơn cốc trùng điệp, phải đi trong băng tuyết, đến bây giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy rợn tóc gáy.
Thương nhân Huy Châu đời Thanh là Uông Khả Việt cũng quanh năm buôn bán ở bên ngoài, không có chỗ ở cố định. Điều kiện ăn mặc đều rất gian khổ, chỉ ôm giữ một tinh thần làm việc không mệt mỏi, cần cù chịu khổ, tôi luyện trong mưa gió mới thành tựu được sự nghiệp cả đời. Những thương nhân này đều tự mình đi mua bán, cũng không hề đem những việc vất vả trong nhà giao cho người khác hoặc người làm thuê. Dù họ không ra ngoài, nhưng đối với việc sắp đặt kế hoạch, điều phối, kinh doanh, quản lý thì cũng dày công lo lắng, sắp đặt tỉ mỉ, không một chút buông lỏng.
Sự cần cù của những thương nhân thời Tấn cũng giống như vậy. Họ đi Tây Khẩu, xuyên qua thảo nguyên, qua sa mạc, đi trên thương lộ mấy ngàn dặm. Bất luận mùa hè thiêu đốt, trên đầu mặt trời chói chang, dưới chân cát nóng như thiêu, mấy ngày không nhìn thấy nguồn nước; mùa đông gió lạnh gào thét, trên đường đi bị lạnh cóng mất mạng là chuyện thường. Hai mùa xuân thu đều có bão cát đột ngột tới, trời đất mù mịt, lấp đường chôn người.
Hiệu buôn Đại Thịnh Khôi là hiệu buôn lớn nhất do người Sơn Tây mở ra để giao thương với Mông Cổ và Nga, thời điểm cực thịnh có đến sáu, bảy ngàn nhân công, lạc đà của thương đội có gần hai vạn con. Mà cơ nghiệp của Đại Thịnh Khôi cũng là do biết bao nhiêu người ăn gió nằm sương trên con đường vạn dặm mới thành.
Thẩm Tư Hiếu người thời Minh nói rằng: “Tấn tục cần kiệm, thiện thực lợi vu ngoại” (Người Tấn cần kiệm, giỏi kiếm lợi từ bên ngoài). Câu nói này đã khái quát rất đầy đủ về người Tấn cần kiệm giỏi buôn bán.
Các thương nhân xưa tuy giàu mà không xa xỉ, ăn tiêu tiết kiệm
Cùng với cần cù, chịu khổ, thì tiết kiệm cũng là một điều quan trọng trong thương đạo của các thương nhân xưa. “Cần” để tăng thêm thu nhập, “kiệm” để tiết kiệm chi tiêu, cần kiệm mới có thể tích lũy tài chính dẫn đến có lãi. Nếu chi tiêu không tiết kiệm, cũng giống như bình rượu bị rò mà không bịt lại, tất dẫn đến nguồn tài chính bị trôi mất. Như vậy, có thể thấy tầm quan trọng của tiết kiệm, cho nên cần và kiệm là không thể thiên lệch.
Ngay từ thời kỳ Tiên Tần, đa số mọi người đều đã khẳng định “kiệm” và phủ định “xa xỉ.” Khổng Tử nói: “Lễ, dữ kỳ xa dã, ninh kiệm” (Lễ mà đi kèm với xa hoa, không bằng tiết kiệm.” Mặc Tử nói: “Tiết kiệm tắc xương, dâm dật tắc vong” (Tiết kiệm thì phát đạt, phóng túng thì tiêu vong). Đề cao cần kiệm là nhận thức chung của các nhà tư tưởng thời cổ đại. Đặc biệt, tư tưởng tôn sùng tiết kiệm của Nho gia có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế.
Những thương nhân xưa kinh doanh thành công đều tiết kiệm giữ mình. Trong “Hóa thực liệt truyện,” Tư Mã Thiên đã ca ngợi Bạch Khuê tuy là thương nhân giàu có, nhưng trong cuộc sống rất tiết kiệm, giản dị, buông bỏ dục vọng, luôn tiết kiệm trong việc ăn mặc, cùng các nô bộc của mình đồng cam cộng khổ.
“Sử ký – Liệt truyện – Hóa thực liệt truyện” còn ghi chép, tổ tiên của Nhậm Thị ở Tuyên Khúc, là Thủ lại trông giữ kho các nơi. Khi triều Tần suy vong, các hào kiệt đều tranh đoạt kim ngân châu báu, riêng họ Nhậm tự dùng các hầm để tích trữ thóc gạo. Sau này, khi hai quân Sở-Hán giằng co ở Huỳnh Dương, nông dân không có cách nào cấy trồng, giá gạo mỗi thạch tăng đến một vạn tiền, họ Nhậm bán ngũ cốc trúng lớn, kim ngân châu báu của các hào kiệt đều về tay họ Nhậm.
Thông thường, người giàu có đều đua nhau xa hoa, nhưng họ Nhậm lại không như vậy mà đề cao tiết kiệm, dốc sức cho đồng ruộng và chăn nuôi. Ruộng đất, gia súc, thông thường người ta đều tranh thủ lúc giá thấp mua vào, họ Nhậm lại chuyên mua vào loại đắt mà tốt. Gia tộc Nhậm Thị mấy đời giàu có, thế nhưng họ có một quy định, không phải phẩm vật do gia tộc trồng trọt và chăn nuôi làm ra thì không mặc không ăn, việc công chưa làm xong thì tự thân không được uống rượu ăn thịt. Họ lấy đó làm gương cho thôn xóm, cho nên gia tộc họ giàu có và cũng được Hoàng thượng tôn trọng.
Những thương nhân xưa sau khi dựa vào kinh doanh mà trở nên giàu có, còn tự mình đưa ra những ví dụ về cần kiệm, đếm không kể xiết.
Đưa giáo dục cần kiệm vào trong gia học và gia quy
Các thương nhân thời Tấn còn đưa giáo dục tiết kiệm dung nhập trong gia học và gia quy, dựa vào cần kiệm để trở nên giàu có và chăm lo gia đình. Trong “Tấn Lục” của Thẩm Tư Hiếu thời Minh ghi rằng, các gia đình thương nhân thời Tấn thực hành cần kiệm giản dị, có phong cách thời thượng cổ, tuy gia tài có đến vạn quan tiền, nhưng trang phục và ăn uống cũng giống như bình dân, “cho nên cách ăn ở của họ cũng có thể làm phì nhiêu,” phì nhiêu chính là tụ tài, có thể tích lũy vốn liếng.
Mã Thái phu nhân của gia đình thương nhân họ Ký ở huyện Giới Hưu quản lý mọi việc trong nhà rất nghiêm khắc. Không chỉ bản thân sống giản dị, mà còn yêu cầu con cái phải “chi tiêu tiết kiệm,” nhưng đối đãi với người khác lại rất rộng rãi. Dưới sự giáo huấn nghiêm khắc của Mã Thái phu nhân, con cháu đời sau tuy giàu có hoặc làm quan, nhưng không có ai ăn mặc xa hoa, cưỡi ngựa phô trương ở quê nhà. Nhà họ đều ăn uống cần kiệm, đãi khách lại rất hậu hĩnh.
Mã Thái phu nhân thường xuyên răn dạy: “Biết tiếc phúc thì phúc sẽ còn mãi.” Vì thế trong Ký gia, con cháu sinh ra trong giàu có nhưng ăn uống đạm bạc.
Không ít thương nhân Huy Châu đã đưa cần kiệm ghi vào trong gia pháp, tộc quy, dùng để ước thúc con cháu trong gia tộc. Như trong gia quy “Mính Châu Ngô thị gia điển” và “Hoa Dương Thiệu thị tông phổ” đều có ghi chép.
Thương nhân ngành muối Bào Chí Đạo rất giàu có, nhưng phụ nữ, trẻ em, con cái ở trong nhà thường xuyên tự mình quét dọn sạch sẽ khuôn viên, trước cửa không có xe ngựa, trong nhà không mời gánh hát. Bào Chí Đạo mở kinh doanh buôn bán muối ở Dương Châu, bản thân làm Tổng thương hai mươi năm, là nhân vật có tiếng trong thương trường, nhất cử nhất động của ông đều ảnh hưởng tới những người khác. Dưới sự ảnh hưởng của ông, thói quen lãng phí ở Dương Châu đã có chuyển biến lớn.
Các thương nhân xưa dùng nhân tâm tế thế, thương nghiệp ngày càng hưng thịnh
Rất nhiều thương nhân cổ đại sau khi phát tài thì nhân từ tế thế, dùng lòng nhân để cứu đời. Họ không chỉ giỏi về tụ tài, mà còn giỏi về tán tài. Họ ra sức đề xướng nhân nghĩa mà dùng tài, trượng nghĩa mà phân tài. Ông tổ thương nhân Nho gia Đoan Mộc, tự là Tử Cống, mặc dù tích lũy được ngàn vàng, vẫn có thể “giàu mà không kiêu,” “giàu mà hiếu lễ,” “ban ơn rộng rãi cho dân và cứu tế bách tính.” Ông không chỉ kết giao với người giàu mà còn giúp đỡ và an ủi người nghèo. Vậy nên, trên từ Quân Vương, dưới cho tới bình dân đều ca tụng lòng nhân đức của ông.
Thương nhân Hứa Thượng Chất người huyện Hấp thời Minh cho rằng, đem tài phú dùng cho Lễ là giỏi về dùng tài vật. Bởi vậy, ông chủ trương phải nhân nghĩa dùng tài vật, không nên keo kiệt. Đại học sĩ đời Minh Hứa Quốc Tăng nói rằng, các quận Đông Nam trước kia, sửa binh xây thành, nơi ở cho khách hộ, có mười nơi thì chín nơi đều của người Huy Châu. Có thể thấy rằng, thương nhân Huy Châu đã từng cống hiến rất to lớn cho nhà Minh kháng Nhật.
Phú thương Huy Châu phần lớn thân thiện với họ hàng làng xóm. Họ cứu tế, bố thí rộng rãi, giúp đỡ người nghèo và lữ khách đường xa, cứu giúp kẻ yếu, v.v. Những việc làm nhân nghĩa này trong các cuốn địa phương chí và văn tập triều Minh, triều Thanh đều ghi chép rất nhiều. Giữa những năm Ung Chính thời Thanh, thương nhân Hoàng Dĩ Chính ở huyện Hấp “cứu đói, hoãn nợ, trợ táng, định hôn, làm quan tài, đắp mồ mả, thiết lập bến bãi vận chuyển, sửa chữa cầu, mấy chục năm nỗ lực thực hiện không biết mỏi mệt.”
Các thương nhân xưa dùng sự cần kiệm và trí tuệ của mình, đã sáng tạo ra tài phú to lớn, giàu có nổi tiếng một phương. Họ vui làm việc thiện, đã tạo phúc cho bách tính và xã hội, cũng khiến cho việc buôn bán của mình càng thêm thịnh vượng. Chính là như câu nói: “Thụ huệ giả chúng, nhi danh nhật cao, thương nghiệp nhật thịnh, gia đạo nhật long” (nghĩa là Tạo phúc cho dân chúng, danh tiếng ngày càng cao, buôn bán ngày càng phát đạt, gia đạo ngày càng hưng thịnh).
Hy vọng rằng, đạo làm giàu và dùng tiền của các thương nhân xưa sẽ mang lại phần nào nguồn cảm hứng kinh doanh cho các độc giả.
Theo epochtimesviet