Tịch mịch cho phép chúng ta tận hưởng cuộc sống theo một cách khác để đạt đến cảnh giới thuần tịnh, không còn vướng bận bởi vật chất bên ngoài.
Đời người không thể tránh khỏi sự tịch mịch
Mỗi người từ khi sinh ra đã là một cá thể độc lập và đương nhiên sẽ không ai có thể đi cùng bạn cả đời. Họ chỉ có thể đồng hành với bạn một đoạn đường nào đó mà thôi, chính vì thế, ai cũng sẽ có lúc tịch mịch và cô đơn.
Tịch mịch là hành trình không người đồng hành, tựa như bầu trời đêm không có ánh sao chiếu sáng. Nó khiến con người không khỏi cảm thấy trống trải cô đơn. Nó có thể khiến người nông cạn trở nên nông nổi, bốc đồng, nhưng lại có thể khiến người trí tuệ trở nên điềm đạm, sâu sắc. Trang Tử nói: “Sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là những điều căn bản của trời đất”.
Theo quan điểm của Trang Tử, tịch mịch là gốc rễ của vạn vật, cũng chỉ trong cô đơn, con người mới cảm nhận được cuộc sống và thấu hiểu bản thân mình hơn. Những bậc thánh hiền tự cổ chí kim đều ở trong trạng thái tịch mịch.
Ở mỗi thời đại, sẽ luôn có những người như vậy. Họ làm theo trái tim mình, dành cả đời để suy nghĩ và làm mọi việc trong sự tịch mịch, cho đến một ngày họ bình lặng ra đi.
Giá trị của sự tịch mịch
Vào thời Tây Tấn, ở Giang Nam có một người tên là Hạ Thống thông thạo thơ văn, trí tuệ hơn người, có được nhiều cơ hội làm quan nhưng anh lại không muốn đảm nhiệm. Thái Úy mời anh nhậm chức làm việc cho mình, nhưng Hạ Thống đã khéo léo từ chối.
Thái Úy không đành lòng liền phái một đội quân uy nghiêm cùng với xe ngựa lộng lẫy, thổi kèn gióng trống, đi ngang qua Hạ Thống. Nhưng Hạ Thống lại nhắm mắt làm ngơ trước khung cảnh xa hoa, lộng lẫy trước mặt. Thái Úy lại triệu đến những mỹ nữ duyên dáng yểu điệu để ca hát và nhảy múa trước mặt anh, nhưng Hạ Thống vẫn đứng yên, không chút dao động. Thái Úy thấy những thứ này hoàn toàn không chút nào lay động được nội tâm của Hạ Thống, ông không hiểu được bèn nói: “Thiên hạ lại có người kỳ lạ như vậy! Hắn thật đúng là người gỗ, có trái tim sắt đá!”
Sau này, thành ngữ “mục nhân thạch tâm” (người gỗ có trái tim sắt đá) được dùng để diễn tả một người kiên định và không bị lay chuyển bởi những cám dỗ bên ngoài.
Hạ Thống cố ý tỏ ra thờ ơ không chút động lòng trước danh lợi kỳ thực là để từ chối việc làm quan. Nếu một người thực sự là “người gỗ có trái tim sắt đá” thì có lẽ đó là người có tâm hồn cô quạnh, không còn niềm vui trong cuộc sống. Hạ Thống có lẽ đã thấu hiểu được cảnh giới của sự tịch mịch.
Bởi vì, chỉ khi nhẫn chịu sự tịch mịch, chúng ta mới có thể giữ được phẩm chất tốt đẹp. Chỉ khi nhẫn chịu sự tịch mịch, chúng ta mới có thể an nhiên, không màng được mất.
Chỉ khi nhẫn chịu sự tịch mịch, chúng ta mới không bị ngoại vật cám dỗ, gạt bỏ những ích kỷ phóng túng, không chạy theo một cách mù quáng. Chỉ khi nhẫn chịu sự tịch mịch, chúng ta mới có thái độ sống, định hướng đúng đắn trong cuộc đời.
Chỉ khi nhẫn chịu sự tịch mịch, chúng ta mới có thể bền bỉ tập trung vào những điều thực sự có ý nghĩa, không đổ lỗi cho người khác, không coi thường bản thân, không thay lòng đổi dạ. Chỉ khi đó, chúng ta mới không ngừng hướng tới mục tiêu phía trước để đạt được thành quả xứng đáng.
Tịch mịch cho phép bạn đạt đến một cảnh giới mới
Những người thành công thông thường sẽ phải trải qua những tháng ngày đen tối trong cuộc đời, mà không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của người khác. Nhưng khoảng thời gian này lại chính là quá trình không thể thiếu để tôi luyện bản thân và thành tựu chính mình, giống như bóng tối trước bình minh, sau khi qua đi, ánh dương sẽ tỏa sáng khắp bầu trời.
Có câu chuyện như sau:
Có người hỏi một vị Đạo trưởng rằng: “Trước khi cá chép nhảy qua Long Môn hóa rồng thì nó làm gì?”
Đạo trưởng đáp rằng: “Nó sẽ ở trong hồ sâu nước lạnh mà tu tâm dưỡng tính”.
Người đó lại hỏi tiếp: “Vậy sau khi nhảy qua Long Môn thì sẽ như thế nào?”
Đạo trưởng đáp rằng: “Trở thành rồng có thể cưỡi mây gọi mưa, tự tại khắp trời đất. Mỗi người đều có hoàn cảnh của mình. Khi tịch mịch, bạn phải chịu đựng sự cô đơn. Sau khi thành công, bạn phải ban phước cho thiên hạ. Kỳ thực, làm cá hay làm rồng đều không quan trọng. Điều quan trọng là bạn làm gì trong hoàn cảnh đó”.
Tịch mịch giống như bạn đang ở một nơi cao. Người xưa có câu nói “cao xứ bất thắng hàn”, càng lên cao thì càng khó tránh khỏi bị lạnh.
Những người đã từng đến Tây Tạng đều nói rằng, trên cao nguyên phủ đầy tuyết trắng, đối mặt với những đỉnh núi nhô lên khỏi bầu trời và những dòng sông băng tồn tại vĩnh cửu, người ta có thể trải nghiệm giấc mơ tuyệt vời không thể diễn tả, cùng những điều huyền bí làm người ta không khỏi kính sợ.
Đứng ở nơi cao vút tận tầng mây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ, nội tâm cũng trở nên cô độc tột cùng, khi đó bạn có thể cảm nhận cảnh giới khác của sinh mệnh.
Không phải một người nhất định phải đi qua “khu cấm địa” thì cuộc đời mới trở nên có giá trị và ý nghĩa. Nhưng nếu một người cả đời chỉ trong “vùng an toàn” thì chẳng phải cũng hơi nhàm chán hay sao? Tịch mịch có thể khiến bạn chạm đến những giới hạn của sinh mệnh.
Tịch mịch là một loại tiêu dao, ung dung tự tại
Trang Tử nói: “Mặt trời mọc thì dậy làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, tiêu dao tự tại trong khoảng trời đất, mà lòng thư thái sung sướng”.
Tịch mịch có nhiều khi chính là lựa chọn của chúng ta. Bởi vì, chúng ta không muốn chạy theo đám đông, không muốn đắm chìm trong phồn hoa của thế gian, càng không muốn phải cúi mình nịnh nọt để lấy lòng người khác. Đơn giản chúng ta chỉ muốn có thể giữ trọn ý nguyện ban đầu của bản thân, an nhiên tự tại mỉm cười với cuộc sống.
Tịch mịch có thể khiến người ta cảm nhận được một loại cảnh giới thanh tao nhàn nhã, “Núi vắng đêm mưa, vạn vật tĩnh lặng”.
Tịch mịch cho phép chúng ta tận hưởng cuộc sống, thoát khỏi những can nhiễu của thế tục và theo đuổi một nội tâm thuần tịnh và một cuộc sống tinh thần phong phú.
Tịch mịch cũng có nghĩa là chúng ta xem nhẹ mọi thứ, sống một cách an nhiên, không suy nghĩ vẩn vơ. Giống như câu thơ “vạn hoa từng trung quá, phiến diệp bất triêm thân”. Câu này có ý là đi qua vạn bụi hoa, thân không dính một phiến lá, cũng như mọi điều chúng ta gặp trong cuộc đời này bất quá chỉ là gió thoảng mây trôi, không vương vấn điều gì.
Tịch mịch là một loại hưởng thụ của đời người. Chỉ bằng cách tận hưởng tịch mịch, bụi bẩn trong tâm mới có thể được thanh lọc, sự ô uế của tâm hồn mới có thể được gột rửa và một thái độ tốt mới có thể được dưỡng thành. Tận hưởng tịch mịch chính là sự lĩnh hội của đời người.
Theo zhihu