Tình yêu và hôn nhân là một chủ đề luôn được quan tâm. Bậc thầy trí tuệ Socrates đã đưa ra lý giải về tình yêu, hôn nhân, ngoại tình và hạnh phúc.
Socrates (Socrates, 469-399 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học và nhà giáo dục Hy Lạp cổ đại. Ông cũng là người sáng lập ra triết học phương Tây. Socrates cùng với học trò của mình – Plato, và học trò của Plato – Aristotle, được mệnh danh là “Ba nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại”.
Đôi điều về Socrates
Socrates có ngoại hình bình thường và cuộc sống khó khăn. Quanh năm ông chỉ mặc một chiếc áo khoác giản dị, thậm chí không đi giày. Socrates từng nói, “Mẹ tôi là một bà đỡ, và tôi muốn tiếp bước bà, trở thành một ‘bà đỡ tinh thần’, giúp người khác hình thành suy nghĩ của chính họ.”
Ông cũng ví mình như một con đom đóm. Ông nói, bởi vì chiến mã của Athens quá béo và mê muội, Đức Chúa Trời đã sử dụng đom đóm để đánh thức đất nước. Ông có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh ở Athens, và ở độ tuổi 30, Socrates đã trở thành một giáo viên đạo đức xã hội tự nguyện. Ông giảng dạy, tranh luận và giải các câu đố trên đường phố. Ông yêu Athens và đã chiến đấu trong quân đội ba lần. Ông rất kiên cường và dũng cảm.
Niềm tin của Socrates
Socrates tin rằng con người được Thượng đế ban tặng một phần thần linh, do đó có linh hồn, trái tim và lý trí. Nhưng những gì con người sở hữu không thể so sánh được với sự khôn ngoan của Chúa.
Những lời dạy của ông về “sự hiểu biết và sự ngu dốt” đã truyền cảm hứng cho việc theo đuổi chân lý và loại bỏ thói đạo đức giả và điều bất chính. Cuối cùng, Socrates bị kết án tử hình vì “sự không chung thủy và sự tha hóa của tuổi trẻ”.
Mặc dù đã có cơ hội chạy trốn, nhưng Socrates tin rằng việc bỏ trốn sẽ làm suy yếu quyền lực của luật pháp Athen, điều mà ông phải tuân theo với tư cách là một công dân Athen. Ông chấp nhận uống thuốc độc và chết.
Vị thánh chết vẫn theo đuổi chân lý
Socrates được người châu Âu tôn kính như một vị thánh. Dù chết ông vẫn theo đuổi chân lý. Địa vị của ông có thể sánh ngang với Khổng Tử ở Trung Quốc. Cuộc đời và suy nghĩ của Socrates đã được các học trò của ông ghi lại, và chúng đã nổi tiếng trong nhiều thế kỷ.
Plato là học trò nổi tiếng nhất của Socrates. Lúc đầu, Socrates yêu cầu học sinh vung tay 500 lần mỗi ngày. Ông cho rằng những người có thể kiên trì sẽ trở thành một triết gia giỏi. Cuối cùng, sau nhiều năm, chỉ còn duy nhất Plato làm được như vậy.
Tương truyền, Socrates không bao giờ cho học sinh những câu trả lời có sẵn mà thôi thúc họ suy nghĩ.
Socrates nói về tình yêu và hôn nhân
Một ngày nọ, trò Plato hỏi thầy Socrates: Tình yêu là gì?
Socrates bảo cậu học trò hãy đến cánh đồng lúa mì sau đó quay lại. Cậu có thể hái những bông lúa mì to nhất và ngon nhất trên đường đi, nhưng chỉ có thể hái một lần. Plato cảm thấy điều đó thật quá dễ dàng và tự tin đi ra ngoài. Tuy nhiên, rất lâu sau không thấy cậu học trò quay trở lại.
Cuối cùng, Plato cảm thấy chán nản và xuất hiện trước mặt thầy để kể nguyên nhân khiến cậu trở về tay không: “Trò hiếm khi thấy cây nào đẹp. Vì chỉ được hái một lần mà không biết có phải cây tốt nhất không, nên trò đã bỏ qua hết cây này đến cây khác. Cuối cùng, trò không có bông lúa nào trong tay cả“.
Lúc này, Socrates nói với Plato: “Đó chính là tình yêu.” Ngụ ý rằng tình yêu là một lý tưởng khó đạt tới và dễ bỏ lỡ.
Triết lý về hôn nhân
Một ngày nọ, Plato hỏi thầy Socrates: Hôn nhân là gì?
Socrates bảo cậu học trò vào rừng. Trên đường đi, lấy cây tốt nhất, nhưng chỉ có thể lấy nó một lần. Plato đã rút kinh nghiệm từ bài học trước và tự tin đi ra ngoài. Sau nửa ngày, anh mệt mỏi vác về một cây linh sam trông thẳng tắp, màu xanh ngọc bích, nhưng hơi thưa thớt.
Socrates hỏi học trò: “Đây có phải là cây tốt nhất không?” Plato trả lời thầy: “Vì chỉ lấy được một cây thôi, mà thời gian và thể lực là không đủ. Nên trò không nghĩ đây là cây tốt nhất. “
Lúc này, Socrates nói với Plato: “Đó chính là hôn nhân.”
Socrates trả lời câu hỏi “Ngoại tình là gì?”
Một ngày nọ, Plato tiếp tục hỏi thầy: Ngoại tình là gì?
Socrates vẫn bảo học trò của mình đi vào rừng. Lần này trò có thể hái bông hoa đẹp nhất trên đường đi và được phép chọn đi chọn lại. Plato lại tự tin đi ra ngoài. Hai giờ sau, anh ta mang về một bông hoa rực rỡ nhưng hoa đã rụng nhẹ.
Socrates hỏi: “Đây có phải là bông hoa đẹp nhất không?” Plato trả lời thầy: “Trò đã tìm kiếm trong hai giờ đồng hồ và tin rằng đây là bông hoa nở đẹp nhất. Nhưng trên đường về, bông hoa dần bị héo và rụng cánh.”
Lúc này, Socrates nói với học trò: “Đó chính là ngoại tình”.
Học trò Platon hỏi Socrates “Cuộc sống là gì”
Một ngày nọ, Plato lại hỏi người thầy của mình: Cuộc sống là gì?
Socrates vẫn dặn cậu học trò vào rừng. Cậu có thể đi tới đi lui, trên đường đi phải hái được bông hoa đẹp nhất. Plato đã rút kinh nghiệm và tự tin ra đi. Sau ba ngày ba đêm, không thấy Platon trở lại. Socrates phải đi vào rừng để tìm học trò, và cuối cùng phát hiện ra rằng Plato đã dựng trại trong rừng.
Socrates hỏi Plato: “Trò đã tìm thấy bông hoa đẹp nhất chưa?” Plato chỉ vào một bông hoa bên cạnh và nói, “Đây là bông hoa đẹp nhất.” Socrates hỏi, “Tại sao trò không mang nó theo trở về nhà?”
Plato trả lời thầy: “Nếu trò hái bông hoa, nó sẽ héo ngay. Dù trò không hái thì sớm muộn gì nó cũng héo. Vì vậy, trò quyết định sống bên cạnh nó khi nó vẫn đang nở hoa. Khi nó tàn, trò lại tìm một bông hoa khác. Đây là bông hoa đẹp thứ hai mà trò tìm thấy“.
Lúc này, Socrates nói với Plato: “Đó là ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Hãy theo dõi và trân trọng mọi vẻ đẹp trong cuộc sống.”
Socrates chỉ ra “Đây là hạnh phúc”
Một lần khác, Plato hỏi Socrates: Hạnh phúc là gì?
Socrates nói: Trò hãy băng qua cánh đồng này để hái bông hoa đẹp nhất, nhưng có một quy tắc: trò không thể quay lại, và chỉ được hái một lần. Sau đó, Plato đã làm như vậy. Rất lâu sau, anh trở lại cầm một bông hoa đẹp.
Socrates hỏi anh ta: Đây có phải là bông hoa đẹp nhất không? Plato nói: Khi đang băng qua cánh đồng, trò nhìn thấy bông hoa xinh đẹp này, trò đã hái nó và quyết định rằng nó là đẹp nhất. Và sau này khi nhìn thấy nhiều bông hoa đẹp khác, trò vẫn giữ vững niềm tin của mình. Không một bông hoa nào khác khiến trò lung lay. Vì vậy, trò đã chọn được bông hoa đẹp nhất.
Lúc này Socrates nói đầy ẩn ý: “Đây chính là hạnh phúc.”
Nguồn: Li Dongqi/Aboluowang
Xem thêm: