Một người từ nhỏ cho đến khi trưởng thành thường sẽ trải qua 3 giai đoạn: Khi còn trẻ nhìn không thấu, mơ mơ màng màng; về sau nhìn thấu nhưng nói không có chừng mực, tưởng rằng mình thông minh nhưng lại làm mất lòng người khác; và dấu hiệu trưởng thành là khi nhìn thấu mà không nói, nhìn thấu là thông minh, nhưng không nói lại là trí tuệ.
- Cậy tài khinh người, nói lời châm chọc người khác mà lỡ đường công danh
- Ít nói 3 việc này thì phúc khí sẽ ngày càng nhiều
1. Nhìn thấu mà không nói là người có chừng mực
Dương Tu trong “Tam quốc diễn nghĩa” là một mưu sĩ nổi tiếng dưới trướng của Tào Tháo. Có lần Tào Tháo cho người đi xây dựng một hoa viên, sau khi làm xong thì đi thị sát. Đi xem xong Tào Tháo không bình luận gì mà chỉ viết một chữ Hoạt – 活 (sống) ở trên cửa.
Mọi người xem xong thì đều không hiểu Tào Tháo có ý gì. Duy chỉ có Dương Tu nói rằng: “Cửa (chữ Hán là Môn – 門) mà lại thêm chữ Hoạt – 活, vậy nghĩa là chứ Khoát – 闊 (nghĩa là rộng rãi). Thừa tướng có ý là cửa quá rộng”. Vì vậy mới cho người sửa lại. Lúc Tào Tháo đến xem lại, thấy Dương Tu có thể đoán đúng ý mình thì rất cao hứng; nhưng trong tâm lại bắt đầu có sự dè chừng.
Những sự việc như vậy cứ liên tục lặp lại khiến Tào Tháo ngày càng chán ghét Dương Tu. Người mưu sĩ tuyệt đỉnh của Tào Tháo liên tục đoán được ý của ông, nhưng lần nào cũng cứ thế nói ra miệng, không giữ ý tứ. Vì vậy Tào Tháo trong một trận chiến đã tìm cớ nổi giận với Dương Tu; sau đó cho người mang ra chém đầu.
Lúc tôi còn nhỏ nghe được câu chuyện này thì cảm thấy Tào Tháo quá nhỏ mọn; nhưng về sau mới hiểu ra Dương Tu cũng không phải là người trí tuệ, chỉ bất quá là thông minh mà thôi.
Lời nói vô tình có thể làm người khác ác cảm
Không khó để chúng ta gặp được một người như vậy trong đời. Bạn nói với anh ta một điều mới mẻ đầy hứng thú, anh ta khinh khỉnh nói: “Ai không biết chuyện này, tôi đã biết rồi”; câu nói này đúng là đã tạt cho bạn một gáo nước lạnh.
Tại sao một người cứ phải nói tất cả những gì mà anh ta biết? Đơn giản là anh ta muốn thể hiện cho người khác biết anh ta ưu tú như thế nào. Nhưng anh ta đâu biết được rằng, những lời nhanh nhẩu của anh ta đã khiến người khác rất ác cảm.
Dấu hiệu trưởng thành của một người đó là nhìn thấu nhưng ăn nói có chừng mực; biết điều gì nên nói điều gì không.
2. Nhìn thấu mà không nói là người có tu dưỡng
Người trưởng thành đều hiểu rằng, nhìn thấu mà nói hết ra thì sẽ khiến người khác không thể chịu nổi. Tiếc là trong cuộc sống, chúng ta lại thường quên mất đi điều này.
Một vài năm trước, lớp trưởng của tôi tổ chức một cuộc họp mặt mấy bạn học cũ. Trong đó có hai bạn học thời cấp 3 từng có tình cảm với nhau. Bởi vì còn trẻ tuổi, nên lúc đó hai người cũng làm vài việc khá xốc nổi; cũng làm huyên náo một phen.
Thời gian trôi qua rất nhanh, hai người giờ đều đã có gia đình riêng và đều hạnh phúc mỹ mãn. Bạn học nam kia còn dẫn theo cả vợ đến dự tiệc.
Uống được vài ly thì bạn học tên Thành bắt đầu kể về “lịch sử đen tối” của hai người kia; kể về những lời thề non hẹn biển lúc hai người kia quen nhau thời học sinh; lại còn thêm mắm thêm muối vào cho thêm phần hấp dẫn. Thành đâu biết được rằng hai người trong cuộc đang giận tím cả mặt.
Buổi tiệc tan rã mà không được vui. Hơn nữa, từ đó trở đi không còn thấy hai bạn học kia đến dự tiệc nữa. Thế nhưng Thành lại không hề cảm thấy mình nói năng có gì quá đáng; lại còn nói hai người kia không biết đùa.
Mọi người đều có một quá khứ mà họ không muốn nhắc đến; có những chuyện không bao giờ muốn cho người khác biết. Học cách nhìn thấu nhưng cũng phải học cách tôn trọng, cảm thông; như vậy mới thể hiện là người có tu dưỡng.
3. Nhìn thấu mà không nói là người thiện lương
Nếu lời nói vô ý thì còn có thể nói là do kỹ năng giao tiếp kém, nhưng nếu cố ý nói lời làm tổn thương người khác thì đúng là bất thiện.
Năm ngoái chị họ tôi ly hôn vì chồng ngoại tình; chị ấy một mình nuôi con và sống rất vất vả. Chị họ vốn đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, rất có năng lực công tác; chồng chị cũng rất mực quan tâm săn sóc. Vậy mà cuộc sống của chị bỗng chốc rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm; chị đương nhiên không muốn người ngoài nhìn thấy nỗi muộn phiền của mình.
Thế nhưng tại bữa ăn mừng năm mới, ngay khi mọi người đang ăn uống vui vẻ và nói những lời chúc phúc cho nhau, thì người cô đột nhiên nói: “Chúc cho cháu Vân của chúng ta tìm được một người chồng tốt trong năm tới; và phải để cho người chồng cặn bã kia phải hối hận!” Lời vừa nói xong thì chỉ thấy chị họ sửng sốt; sau đó im lặng mà ăn.
Tình cảnh lúc đó thật rất khó xử, bác cả huých cô một cái, nói cô đừng nói nhiều quá, thế nhưng cô vẫn tiếp tục nói: “Em thì làm sao, đây không phải là quan tâm đến người nhà hay sao?” Sau đó cô lại nói với chị họ tôi: “Cháu Vân đừng lo lắng quá, giờ cũng nhiều người ly hôn. Để cô sắp xếp cho cháu vài buổi xem mặt; đảm bảo cháu sẽ ưng ý”.
Tâm bất thiện mới cố tình nói lời làm tổn thương người khác
Cô thấy không ai nói gì thì lại càng nói hăng hơn: “Cô biết cháu một mình nuôi con nhỏ rất vất vả, nhưng đừng lo lắng quá. Năm ngoái bác cả làm ăn cũng được, có thể giúp cháu một chút; dù sao cũng là người một nhà mà”.
Về sau khi nói chuyện phiếm, cô lại nhắc tới chị họ tôi: “Cháu Vân trước đây thật quá sướng, muốn sự nghiệp có sự nghiệp, muốn gia đình có gia đình. Trong dịp tết, tôi là cố ý nói cho cháu ấy biết, phong thủy luân chuyển, không ai mà lại có thể thuận buồm xuôi gió mãi được”. Lời cô nói thật khiến tôi lạnh sống lưng. Tôi hồi đầu vẫn nghĩ là cô vô ý, nhưng sau mới biết được là cô cố tình làm tổn thương người khác.
Hemingway từng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất cả đời để học im lặng”. Dấu hiệu của một người trưởng thành đó là thà cúi đầu im lặng không nói gì, còn hơn là nói lời làm tổn thương người khác. Biết rõ mà không hỏi, hiểu thấu mà không nói, như vậy mới thực sự là một người lương thiện.
Theo Aboluowang