Uống trà đã được nâng lên thành một nét đẹp văn hóa, người ta cũng tạo ra nhiều nghệ thuật uống trà khác nhau.
Trà đã được dùng từ rất xa xưa
Trà đã được dùng để làm thức uống cách nay chắc cũng khoảng 5 đến 6 ngàn năm. Trong cuốn “Trà kinh” của ‘thánh trà’ Lục Vũ có viết rằng: “Trà chi vi ẩm, phát hồ Thần Nông thị”. Đại ý là vào thời Thần Nông, trà và giá trị dược dụng của nó đã được phát hiện.
Vào thời Tây Chu, trà chủ yếu được dùng để tế lễ; đến thời Xuân Thu, lá trà tươi được mọi người coi như là thức ăn; vào thời Chiến Quốc, lá trà được coi như là dược phẩm trị bệnh. Bước sang thời Tần Hán, trà bắt đầu trở thành một loại ẩm thực phổ biến trong xã hội; hơn nữa nó là đồ trân quý dùng để tiếp khách. Vào thời Tây Hán, trà đã trở thành một trong những mặt hàng chính.
Trong hơn 300 năm, từ thời Tam Quốc đến Nam Bắc Triều, đặc biệt là thời Nam Bắc Triều, Phật Giáo thịnh hành, Phật gia dùng trà để giải trừ cơn buồn ngủ khi ngồi thiền; do đó trà thường được trồng ở các sơn cốc bên cạnh nhà chùa.
Uống trà giúp tỉnh táo
Vào thời Lục Triều, Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ đi sang Trung Quốc, ông phát thệ rằng sẽ ngồi 9 năm không ngủ để thiền định. Nghe nói rằng, Bồ Đề Đạt Ma đã thành công trong 3 năm đầu; nhưng về sau thì không chịu nổi và cuối cùng dần dần chìm vào giấc ngủ. Đạt Ma sau khi tỉnh dậy thì xấu hổ không thôi; ông liền cắt lấy mí mắt, ném đầy trên mặt đất. Không lâu sau, chỗ mí mắt ném xuống mọc lên một cái cây nhỏ, cành lá tươi tốt, sức sống dồi dào.
5 năm sau, khi Bồ Đề Đạt Ma thiền định đến năm cuối cùng, thì lại bị cơn buồn ngủ quấy nhiễu. Ông hái lá cây ở bên cạnh, sau khi ăn thì lập tức đầu não thanh tỉnh, tâm chí rõ ràng; nhờ vậy mới hoàn thành được thệ nguyện thiền định 9 năm. Những lá mà Đạt Ma ăn chính là cây trà sau này; đây là một trong những truyền thuyết về nguồn gốc của trà.
10 đức của trà
Vào thời nhà Đường, trà mới chính thức phổ biến rộng rãi trong nhân dân, từ việc được dùng để làm thuốc, dần dần nó trở thành một loại thức uống trong sinh hoạt hàng ngày; cũng dần dần hình thành kỹ nghệ thưởng thức trà rất phong phú, vừa tao nhã vừa bình dân.
Lưu Trinh Lượng vào thời nhà Đường đã tổng kết ’10 đức’ của trà: Giải uất khí, giải trừ cơn buồn ngủ, dưỡng sinh khí, trừ khí bệnh, dựng lập nhân nghĩa, tỏ lòng tôn kính, thưởng thức mùi vị, dưỡng thân thể, hành đạo, nâng cao chí hướng.
Danh tăng Minh Huệ ở Nhật Bản cũng tổng kết ra ’10 đức’ của trà: Chư thiên gia hộ, cha mẹ hiếu thuận nuôi dưỡng, ác ma hàng phục, giải trừ cơn ngủ, ngũ tạng điều hòa, trừ bệnh và tai họa, bạn bè hòa hợp, chính tâm tu thân, phiền não tiêu trừ, lúc lâm chung không loạn.
Uống trà ngộ đạo
Trà từ một loại thức uống đơn thuần, đã dần dần hình thành nên một văn hóa uống trà độc đáo; nó cũng đại biểu cho việc theo đuổi một cảnh giới tinh thần thâm sâu hơn. Một người giỏi thưởng thức trà, cũng giống như Lục Vũ nói ở trong “Trà kinh”, phải là “Tinh hành kiệm đức chi nhân”. Đại ý là người biết thưởng thức trà thì đa số đều biết giữ mình trong sạch, thuần khiết, giữ vững hành vi thường ngày, coi trọng truyền thống, quý trọng tình thân.
Trà mang đặc tính của thiên nhiên là trong lành, tao nhã, nhàn hạ. Ngoài việc cảm thụ bằng giác quan, còn có thể tĩnh tâm, tĩnh thần, bồi dưỡng cảm xúc, trừ đi tạp niệm, tu thân dưỡng tính, uống trà ngộ đạo. Cái này cùng với lý niệm “thanh tĩnh, điềm đạm” của triết học phương Đông là rất tương hợp; cũng phù hợp với tư tưởng “tu hành tỉnh ngộ” của Phật Đạo Nho.
Vào thời cổ, Tề Thế Tổ, Lục Nạp và những người khác từng chủ trương dùng trà thay rượu. Vào thời Đường và Tống, rất nhiều văn nhân nho nhã như Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Liễu Tống Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lục Du, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha… không chỉ yêu thích uống trà mà còn miêu tả và ca tụng trà trong các tác phẩm của mình.
‘Khách đến mời trà’ từ lâu đã thành một tập quán trong dân gian, chủ khách uống trà đàm luận nhân sinh đã trở thành một thú vui tao nhã.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: