Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo đã là quy luật ngàn xưa. Tuy nhiên, trên đời vẫn có một số người bề ngoài làm rất nhiều việc thiện, nhưng kỳ thực đằng sau lại đang làm những việc mờ ám để thỏa mãn lợi ích cá nhân; đến khi chết lại bị đọa vào địa ngục. Họ có thể giấu diếm thế gian, người thân, nhưng lại không thể giấu diếm được ông trời. Mắt Thần như điện, tất nhiên sẽ phân biệt được thật giả, báo ứng cũng như hình với bóng.
- Một niệm ác quỷ dữ đi theo, một niệm thiện phúc thần bảo hộ
- Ngụy tạo bằng chứng hãm hại người khác, quả báo đến muộn nhưng thê thảm
1. “Người tốt” tham ô tiền cứu tế, sau khi chết bị đọa địa ngục
Vào những năm đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, lão pháp sư Đế Nhàn đi Bắc Kinh thuyết giảng. Khi đi qua Yên Đài, ông đã kể cho đệ tử quy y của mình là Ngũ Ung – Đạo doãn (chức quan) Yên Đài, một sự việc xảy ra ở Thượng Hải lúc bấy giờ. Bởi vì vợ của Ngũ Ung là con gái của Trình Mỗ – nhân vật chính trong câu chuyện.
Trình Mỗ sống ở Thượng Hải, đã từng làm quan lớn, gia đình rất giàu có, ông và vợ mình đã làm rất nhiều việc thiện. Về sau, Trình Mỗ qua đời, vợ ông rất nhớ ông, khóc lóc suốt cả ngày; chỉ mong có thể được gặp lại người chồng.
Lúc đó ở Thượng Hải có một người Pháp, có thể thông linh và gọi hồn ma của người chết về cho người nhà gặp mặt. Trình phu nhân biết chuyện liền mời người Pháp này đến nhà của bà.
Vào buổi tối, người Pháp đã chuẩn bị sẵn sàng trong đại sảnh, sau đó tắt đèn đi và bắt đầu gọi hồn. Nhưng qua một thời gian khá lâu mà người Pháp vẫn không gọi được hồn của Trình Mỗ. Ông bật đèn lên nói với Trình phu nhân rằng hồn của Trình Mỗ rất khó tìm; ở âm phủ tìm cả buổi mà không được. Về sau phát hiện ra Trình Mỗ ở địa ngục, nhưng gọi thế nào ông ta cũng không chịu ra.
Cả đời làm việc thiện sao vẫn bị đọa địa ngục?
Trình phu nhân đang mong được gặp chồng, lại nghe người Pháp nói chồng đang ở địa ngục thì giận tím cả mặt; mới mắng người Pháp này gạt người, bà nói rằng: “Chồng tôi cả đời làm việc thiện, xây miếu sửa cầu, không lên trời cũng là quá oan uổng rồi; làm sao mà lại còn xuống địa ngục được? Ông cố ý nhục mạ chúng tôi phải không?”
Người Pháp thấy Trình phu nhân không tin mình, liền nói có thể gọi hồn của một người khác vừa mới chết, để chứng minh rằng ông không lừa người. Con dâu lớn của Trình phu nhân đứng ở một bên đề nghị, có thể thử gọi hồn của chồng nàng vừa mới mất trở về.
Vì vậy liền viết ra ngày sinh ngày mất của Trình thiếu gia cho người Pháp gọi hồn.
Thiện ác không báo, trời đất ắt vị tư
Lần này, hồn của Trình thiếu gia rất nhanh được gọi đến. Sau khi đến, trước tiên ở dưới gầm bàn khóc lóc một trận, rồi sau mới nói chuyện. Vợ anh ta mới hỏi có đúng là Trình thiếu gia đó không? Anh ta trả lời là đúng. Lại hỏi anh ta ở âm phủ như thế nào, anh ta nói:
“Bởi vì tôi vừa mới chết không lâu, còn được liệt vào danh sách quỷ sơ tán; chưa bị giam cầm. Mấy ngày nữa, chỉ sợ khi được điểm danh thì sẽ bị giam giữ mất. Ôi! Tôi lúc sinh thời cả ngày chỉ biết ăn chơi, uống rượu đánh bạc, không làm chuyện đúng đắn, tạo rất nhiều nghiệp; cảm thấy thật có lỗi với nàng. Bây giờ tôi lâm vào tình cảnh như thế này, cũng không có cách nào nữa; trừ khi mọi người có thể làm việc công đức, niệm kinh siêu độ cho tôi. Ở trong bộ quần áo của tôi còn có một tờ chi phiếu, nàng có thể tới ngân hàng lấy ra. Chuyện trong nhà nàng đã khổ tâm nhiều, chỉ mong nàng hãy chăm sóc con cái cho tốt!”.
Mẹ của Trình thiếu gia nghe xong rất khổ sở, bắt đầu khóc lóc. Người hầu đi kiểm tra trong bộ quần áo của Trình thiếu gia thì quả nhiên tìm thấy một tờ chi phiếu. Lúc này, có người bế con trai của họ đi tới. Đứa bé hỏi quỷ hồn có phải là cha không; Trình thiếu gia nói “đúng rồi”, cũng nói đứa bé phải nghe lời mẹ; dứt lời thì cũng bắt đầu khóc.
Hồn người con nói rõ sự thật
Tiếng khóc than vang vọng trong phòng khách, Trình phu nhân đột nhiên nhớ tới chồng mình, mới hỏi tại sao gọi cha không tới. Trình thiếu gia khóc mà nói: “Nghe nói cha đã bị nhập địa ngục rồi”. Trình phu nhân nghe vậy thì không giữ được bình tĩnh nữa, sốt ruột mà nói xen vào: “Cha của con cả đời làm việc thiện, sửa sang chùa chiền, bố thí trà thuốc, ấn tống kinh điển; ông có tạo nghiệp gì đâu mà sao lại bị vào địa ngục?”
Trình thiếu gia nói đã tự mình đi hỏi cha thì biết được rằng, cha khi còn làm quan, lúc đó nhà rất khó khăn. Có một năm, tỉnh Sơn Tây mất mùa, Hoàng thượng phái ông đi cứu tế; triều đình phát 60 vạn lượng bạc để cứu trợ. Nhưng ông đã lấy toàn bộ số đó làm của riêng; bởi vậy có hàng triệu người đã bị chết đối.
Về sau triều đình phái khâm sai đi điều tra; ông liền dùng mấy vạn lượng bạc để hối lộ, hòng che giấu đi hành vi phạm tội. Bởi vì tội nghiệp quá lớn, cho nên xuống âm phủ mới có mấy ngày đã bị đọa vào địa ngục rồi.
Công không bù được tội, cổng địa ngục khó thoát
Trình phu nhân lập tức phản bác: “Cha con cả đời làm việc thiện cũng không ít! Nói là có tội, nhưng cũng lấy công chuộc tội rồi; cũng không đến nỗi phải đọa địa ngục chứ!” Trình thiếu gia nói, “công đức của cha đương nhiên là cũng có, chỉ là không bù được cho tội. Có công đức, tương lai có thể lên trời hưởng phúc, chuyện này thì tính sau. Trước mắt, khoản nợ nhân mạng mấy triệu người, còn phải đền bù cho xong đã!”
Pháp sư Đế Nhàn nói xong thì hỏi Ngũ Ung có biết những việc Trình Mỗ đã làm trong quá khứ không. Ngũ Ung trầm tư một lúc, ấp a ấp úng mà nói: “Ông ấy lúc làm quan ở Bắc Kinh mà lại nghèo khổ, việc này không nói chắc chắn được; nhưng cũng có thể là như vậy, con không dám nói”.
Câu chuyện báo ứng này kỳ thực là muốn nói với thế nhân, mắt thần như điện, Trình Mỗ tuy có làm việc thiện, nhưng lúc trước lại làm việc đại ác; chẳng qua là muốn thông qua việc xây chùa, bố thí để tự an ủi mình mà thôi. Đây không phải là xuất từ nội tâm, mục đích bất thuần. Hơn nữa lúc trước còn hại chết rất nhiều người, công không bù được tội.
2. Giảm tiền thuế ruộng lập công đức
Có một thầy bói vào thời nhà Minh, sau khi đoán mệnh cho Viên Liễu Phàm thì nói rằng anh ta chỉ có thể sống tới 53 tuổi. Về sau, Viên Liễu Phàm gặp được cao nhân, quyết định hành thiện sự để thay đổi vận mệnh.
Anh từng đứng trước tượng Phật phát nguyện: “Con thề sẽ làm 3000 việc thiện để báo đáp ân đức của tổ tiên trời đất”. Sau đó, khi đã hoàn thành tâm nguyện, anh lại phát thệ sẽ làm thêm 10.000 việc thiện để có thể đỗ tiến sĩ.
Về sau, khi anh làm tri huyện Bảo Trì, mỗi ngày làm được viện thiện hay ác gì đều nhất nhất ghi chép lại. Buổi tối, ở trước sân bày bàn thờ cúng, thay quan phục, dâng hương cầu xin Thiên đế; ngày nào cũng làm như vậy.
Cha của anh rất lo lắng, không biết làm sao anh có thể làm xong 10.000 việc thiện; dù sao thì ở nha môn hay trong nhà cũng không có nhiều việc thiện như thế để làm.
Một đêm nọ, Viên Liễu Phàm có một giấc mộng, trong mộng nhìn thấy một vị thiên thần. Anh nói với vị thần rằng 10.000 việc thiện thật khó thực hiện. Thiên thần nói: “Lúc ngươi làm huyện lệnh đã từng giảm thuế ruộng; vậy là đã hơn 10.000 việc thiện rồi”.
Làm một việc thiện mà hàng vạn người được thọ ích
Hóa ra ruộng ở huyện Bảo Trì, mỗi mẫu đều phải thu 2 xu 3 li 7 hào. Viên Liễu Phàm cảm thấy người dân không kiếm được nhiều tiền, cho nên mới mang toàn bộ ruộng ở trong huyện kiểm kê một lần; giảm tiền thuế mỗi mẫu ruộng xuống còn 1 xu 4 li 6 hào. Viên Liễu Phàm cảm thấy rất kỳ lạ, làm thế nào mà Thiên thần biết chuyện này được? Hơn nữa làm sao việc này lại có thể tính là 10.000 việc thiện được?
Viên Liễu Phàm đã mang chuyện này đi hỏi thiền sư Huyễn Dư, thiền sư nói rằng: “Thiện tâm rõ ràng, chỉ làm một việc cũng tương đương với 10.000 việc thiện. Việc giảm thuế ở trong huyện, chẳng phải hàng vạn người đã được hưởng lợi đó sao?”
Đến lúc 53 tuổi, Viên Liễu Phàm không bị bệnh tật hay tai nạn gì, về sau sống khỏe mạnh đến 74 tuổi.
Mắt Thần như điện, việc thiện ác của con người thế gian đều rất tỏ tường. Nhiều người cứ tự lừa mình dối người, nhưng làm sao có thể che được mắt Thánh; đợi đến khi quả báo hiện tiền thì mọi việc cũng đã muộn màng, lúc này có muốn hối thì cũng không còn được nữa.
Theo Epoch Times